Quốc hội Việt Nam nêu quan tâm sâu sắc về ngành tư pháp

0:00 / 0:00

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Trong tuần này, phiên họp cuối cùng của Quốc hội khóa 11 đã diễn ra khá sôi động khi các đại biểu thảo luận về báo cáo công tác cả nhiệm kỳ của các quan chức đứng đầu ngành tư pháp. Các vị dân cử phần đông đều bày tỏ sự búc xúc của cử tri về hiện tình chất lượng xử án. Lê Dân tìm hiểu thêm và lược thuật như sau.

DangHungVo150.jpg
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ. Photo courtesy Vietnam Net

Nhìn vào những hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong vài năm vừa qua, người ta đều thấy những tiến bộ vượt bực, tưởng chừng mươi năm trước không ai có thể tưởng tượng nổi, dù rằng tính độc lập của định chế lập pháp này chưa hoàn toàn lý tưởng.

Quyền hạn trong phạm vi

Nhiệm vụ quan yếu nhất của Quốc hội là lập pháp và giám sát, theo như nhận định của cựu thứ trưởng Tài nguyên Đặng Hùng Võ, người vừa nộp đơn tự ứng cử vào Quốc hội và cũng mới phải rút đơn đó lại.

Ông nói: "Đại biểu Quốc hội thì cũng có những quyền hạn trong phạm vi của mình, về mặt xây dựng pháp luật, cũng như về mặt giám sát. Tôi cho rằng đấy cũng là lợi thế cho việc đưa pháp luật hiện nay vào cuộc sống."

Việc đưa pháp luật vào cuộc sống trong 5 năm qua, suốt nhiệm kỳ của Quốc hội khóa 11 ra sao? Hôm thứ Ba, chủ nhiệm Ủy ban Các Vấn đề Xã hội, bà Nguyễn thị Hoài Thu đã thẳng thắn nói về các bản báo cáo do bên tư pháp đệ trình Quốc hội rằng "các đồng chí đó đánh giá phần thiếu sót, khuyết điểm của mình quá....khiêm tốn".

Bà khẳng định rằng có việc người đủ trình độ đại học Luật khi ra trường không xin được việc làm, vì không đủ sức để xin vào. Trong khi đó ngành tòa án, kiểm sát liên tục kêu thiếu người. Đại biểu Quốc hội Nguyễn thị Hoài Thu nhấn mạnh là "cần phải thật sự nghiêm khắc. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, kể cả việc chịu trách nhiệm hình sự. Có như vậy thì nhân dân mới tin".

Đại biểu Quốc hội thì cũng có những quyền hạn trong phạm vi của mình, về mặt xây dựng pháp luật, cũng như về mặt giám sát. Tôi cho rằng đấy cũng là lợi thế cho việc đưa pháp luật hiện nay vào cuộc sống.

Người dân chịu hậu quả

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân của tỉnh Tây Ninh nêu lên tỷ lệ hủy án và sửa án vừa qua khá cao, nhưng không có một kiểm điểm nào về nguyên nhân và trách nhiệm của người tuyên án. Xử lý oan sai theo nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì dân cũng đồng tình.

Tuy nhiên xin lỗi là do Nhà nước đứng ra, còn bồi thường thì cũng tiền Nhà nước đưa, chưa thấy vụ nào thẩm phán hoặc người làm tố tụng làm sai mà phải bồi thường, bị kỷ luật, ngược lại họ còn ngồi chức to hơn".

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Trần Thế Vượng, cũng phát biểu là "luật do Nhà nước đặt ra, thi hành luật cũng do cơ quan Nhà nước với cán bộ, công chức của Nhà nước, thế nhưng cuối cùng là người dân phải chịu hậu quả".

Những điều vừa kể không có gì là hiếm thấy ở Việt Nam. Nó là nỗi bức xúc của người dân đối với những vụ án oan sai phải xử đi, xử lại nhiều lần. Đến khi bồi thường oan sai, thì công quỹ cho công ích lại bị dùng để bồi thường cho sai trái của ngành tư pháp gây ra. Một nam thính giả Sàigòn cho biết:

“Đây là một trong những bất cập của xã hội khi trao quyền hành cho những người cán bộ vừa kém tài, mà thất đức nữa. Khi sửa sai thì đâu có dùng tiền của mấy ổng đâu, mà dùng tiền của nhân dân.

Mà nếu dùng tiền đóng thuế của dân, hay ngân quỹ Nhà nước vào những công trình ích nước, lợi nhà như trường học hay bệnh viện công cộng, thì người dân chúng tôi được nhờ biết bao nhiêu, mà chúng tôi cũng không mất niềm tin vào sự lãnh đạo hiện nay.”

“Bản án bỏ túi”

Một trong những nguyên nhân chủ yếu đưa đến tình trạng xử sai, ngoài pháp luật là do "bản án bỏ túi", tức thẩm phán ra xét xử đã được chỉ thị sẵn từ cấp trên.

Có một số trường hợp thẩm phán thiếu là do quá trình lịch sử, do cơ chế bao cấp để lại. Trình độ, năng lực còn hạn chế nên người ta phải đi học tại chức, phải nâng cao tay nghề.

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn của tỉnh Đồng Tháp đưa ra nhận xét trước Quốc hội hôm thứ Ba vừa qua, rằng tình trạng xin "duyệt" án và cho đường lối xét xử vẫn còn được duy trì khá phổ biến trong hệ thống tòa án. Ông đặt câu hỏi là "nếu bản án đó sai thì ai chịu trách nhiệm ? Thẩm phán, hay cấp trên cho đường lối ? Bây giờ xử sơ thẩm thì xin ý kiến, mai kia tòa cấp trên xử phúc thẩm thì thế nào ?"

Bà Nguyễn thị Hoài Thu, chủ nhiệm Ủy ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội khóa 11, khẳng định rằng " đường dây chạy án nghe như đâu ở ngoài hành tinh, không thể có ở Việt Nam. Nhưng tôi xin thưa, chạy chức, chạy quyền, là có. Các đồng chí bên tư pháp than phiền rằng thiếu cán bộ, nhưng tôi cũng than phiền rằng sinh viên ra trường không xin được việc trong ngành các đồng chí, vì không đủ "sức", cũng không đủ "lực" để xin vào đó".

Năng lực hay đạo đức cách mạng của thẩm phán cao hay thấp, lời phát biểu của bà chủ nhiệm đã rõ. Trong một lần trao đổi trước đây với chúng tôi, một luật sư hành nghề tại Thành phố Hồ Chí Minh lý giải thêm:

“Có một số trường hợp thẩm phán thiếu là do quá trình lịch sử, do cơ chế bao cấp để lại. Trình độ, năng lực còn hạn chế nên người ta phải đi học tại chức, phải nâng cao tay nghề.”

Đại biểu Hoàng văn Minh của tỉnh Nghệ An tha thiết kết luận là "phải xây dựng đội ngũ thẩm phán có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng nghề nghiệp tốt, có lương tâm và đủ sức 'đề kháng' với những tiêu cực".

Một trong các biện pháp cấp bách nhất để tăng sức đề kháng đó là điều chỉnh mức lương bổng, gia tăng phụ cấp cho tòan bộ công chức ngành tư pháp xem chứng không khả thi.

Nhận định triệu chứng và chẩn đoán bệnh cho ngành tư pháp, Quốc hội khóa 11 đã xem xét khá kỹ, nhưng việc kê toa cho thuốc thì phải chờ Quốc hội khóa 12, sắp được bầu chọn vào tháng Năm sắp tới.