Học giả Đỗ Thông Minh nói về vấn đề soạn tự điển ở Viết Nam


2007.07.29

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Theo gương những nước chú trọng và đặt nặng sự chính xác cũng như chính thống của ngôn ngữ, chính phủ Lào đang cho lập một hội đồng ngôn ngữ học để phê chuẩn nhiều từ mới cho từ điển quốc gia. Nhân nỗ lực của nước láng giềng, Nhã Trân mạn đàm với học giả Đỗ Thông Minh, một nhà ngôn ngữ học hiện sinh sống tại Tokyo, về vấn đề tự điển Việt Nam hiện nay.

DictionaryEducation150.jpg
Từ điển Bách khoa Việt Nam cuốn 4.

Từng tham khảo hàng trăm từ điển của nhiều nước Châu Á, đặc biệt là Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản, ông Đỗ Thông Minh có nhiều bài viết và diễn thuyết về ngôn ngữ. Khởi đầu, ông Đỗ Thông Minh nhận xét về tình hình từ điển của Việt Nam.

Ông Đỗ Thông Minh: Chính ngay giới thẩm quyền ở Việt Nam về ngôn ngữ lâu nay phải lên tiếng rằng ngôn ngữ Việt Nam bây giờ loạn. Mỗi nơi dịch một cách, mỗi ngừơi dịch một kiểu.

Nhã Trân: Hiện tượng có nhiều tự điển, do nhiều soạn giả hoặc nhóm biên soạn khác nhau là phổ thông và đáng khuyến khích, như chúng ta đều biết. Ông có thể nhận xét về một vài bộ từ điển chính yếu hoặc được phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay?

Ông Đỗ Thông Minh: Cuốn Đại Tự Điển Việt Nam, do Bộ GD-DT xuất bản, dày hơn 2 ngàn trang, nhìn bên ngoài rất đồ sộ tuy nhiên thiếu từ, nhiều từ không đúng nghĩa Hán Việt, ví dụ từ Hiệp Chủng Quốc đúng ra phải là Hợp Chúng Quốc…., rồi nhiều từ bị bóp méo vì chính trị.

Nhã Trân: Đó là về nội dung. Còn về hình thức thì có gì đáng lưu ý?

Ông Đỗ Thông Minh: Nhiều sai sót về lỗi chính tả vì đánh máy sai. Chữ in to nên sách nặng, cồng kềnh, không tiện mang theo. Thường tự điển in nhỏ, sách sẽ gọn, nhẹ, tiện cho người đọc. Ví dụ một cuốn tự điển của Nhật có cùng số từ tương tự nhưng chữ được in nhỏ nên chỉ nặng bằng phân nửa.

Nhã Trân: Việc biên soạn tự điển thường do một uỷ ban qui tụ nhiều nhà ngôn ngữ học phụ trách. Hiện ở Việt Nam chỉ có Hội đồng Quốc gia Biên soạn Từ điển Bách Khoa nhưng chưa có một viện hàn lâm chính thức về ngôn ngữ. Theo ông lập một hàn lâm viện là điều nên thực hiện?

Ông Đỗ Thông Minh: Nếu Việt Nam có một viện hàn lâm ngôn ngữ thì tốt, để thống nhất các ngôn từ, vì xưa nay có nhiều tranh luận về từ nào đúng từ nào chính xác.

Nhã Trân: Xưa nay thành viên Hội đồng Quốc gia biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam thuộc nhiều thành phần, từ những nhà chuyên môn về ngôn ngữ đến hàng ngũ giáo sư nhiều ban ngành. Ông nghĩ những người có chân trong một uỷ ban trách nhiệm biên soạn từ điển cần đáp ứng những yêu cầu nào?

Ông Đỗ Thông Minh: Phải là các chuyên gia độc lập trong lãnh vực văn hóa chứ không phải bị chi phối vì những yếu tố chính trị như trứơc giờ. Người làm việc này phải có hiểu biết rộng, biết nghĩa của từ, nghĩa gốc như Hán Việt và cách phối hợp của từ.

Nhã Trân: Lâu nay Hội đồng Quốc gia biên soạn từ điển bách khoa trách nhiệm việc soạn từ điển cho cả nước. Là một nhà ngôn ngữ với nhiều công trình nghiên cứu được biết đến từ hơn chục năm nay trong cộng đồng người Việt hải ngoại, ông có nhận xét gì về cách làm việc của HDQGBS TDBK Việt Nam?

Ông Đỗ Thông Minh: Bộ Bách khoa Toàn thư Việt Nam có 5 cuốn, đã ra sau 10 năm, soạn bởi khoảng 2 ngàn người, được xem như những trí thức hàng đầu của rất nhiều ngành, ngành nào cũng có, nhưng nội dung chưa thất phong phú.

Nhìn thì rất xôm tụ nhưng đến khi làm việc thì lại là chuyện khác. Chỉ có một số ở trung ương, còn những người khác là mượn tên mà thôi, tức là được để tên trong ủy ban này thì uỷ ban kia, nhưng không bao giờ đựơc hỏi tới, vì vậy không bao giờ đựơc góp kiến thức chuyên môn của họ hoặc được nhờ viết điều gì.

Nhã Trân: Nhân nói về cơ chế này, mới đây xảy ra vụ Hội đồng Quốc gia biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam bị điều tra về tham nhũng. Vì đâu một sự kiện như vậy có thể xảy ra trong một cơ chế chuyên về văn hóa, theo ông?

Ông Đỗ Thông Minh: Căn bản là lương không đủ sống nên nhiều khi có sự bày trò để xin tài trợ, rồi rút ruột. Lương chỉ 50, 100 đô la nên có người đi làm chuyện khác. Vì vậy cung cách làm việc bị ảnh hưởng. Mất thêm nhiều thời gian trong việc ra sách. Bộ toàn thư có 5 cuốn.

Từ cuốn này đến cuốn kia nhiều khi mất nhiều năm. Cuốn đầu tiên ra đã bị phê phán rất nhiều. Tôi có người quen trong ban soạn thảo cho biết cách làm việc rất chán, vì họ không phải thiết tha về vấn đề văn hóa mà chỉ thiết tha với vấn đề tiền bạc, còn vấn đề làm việc rất là ơ hờ.

Nhã Trân: Vì thời lượng có hạn xin tạm dừng cuộc mạn đàm hôm nay ở đây. Cảm ơn ông Đỗ Thông Minh về những trình bày liên quan đến việc biên soạn tự điển và xin trao đổi với ông về vấn đề ngôn ngữ trong lần tới.

(Xin theo dõi toàn bộ phần âm thanh)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.