Liệu Việt Nam đã sẵn sàng gia nhập WTO?


2005.10.04

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Hà Nội hy vọng sẽ được kết nạp vào WTO, tức Tổ Chức Thương mại Thế Giới vào giữa năm 2006. Mục tiêu đó có đạt được hay không? Xin mời quý vị theo dõi câu chuyện giữa ông Nguyễn Quốc Khải, cựu chuyên gia World Bank, cựu giáo sư kinh tế tại Viện đại học John Hopkins, Hoa Kỳ với phóng viên Đỗ Hiếu của đài Á Châu Tự Do chúng tôi.

WtoVietnam200.jpg
Hà Nội hy vọng sẽ được kết nạp vào WTO, tức Tổ Chức Thương mại Thế Giới vào giữa năm 2006. AFP PHOTO

Đỗ Hiếu: Thưa giáo sư, theo tin tức của hãng thông tấn Reuters xuất phát từ Hà Nội thì Việt-Nam đang cố gắng vận động bằng mọi cách để được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế Giới (World Trade Organization – WTO) vào giữa năm tới, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Nguyễn Quốc Khải: Việt Nam có nhiều triển vọng gia nhập WTO vào năm 2006. Vào giữa năm 2006 thì không chắc, nhưng vào cuối năm tới thì chắc hơn. Cho tới nay VIỆT-NAM đã hoàn tất các cuộc thương thuyết song phương trong khuôn khổ WTO với 21 nước và lãnh thổ, kể cả Đài Loan.

Trong 6 nước còn lại Việt-Nam cần phải tiếp tục thương thuyết bao gồm Hoa-Kỳ, Úc, Tân Tây Lan, Mễ Tây Cơ, Honduras, và Dominican Republic. Từ nay đến giữa năm 2006, Việt-Nam có triển vọng hoàn tất thương thuyết với 6 nước này.

Một số đối tác thương mại với Việt-Nam gồm Tân Gia Ba, Trung Quốc, Cuba, và Ấn Độ đã ủng hộ Việt-Nam về đòi hỏi rằng Việt-Nam cần được hưởng quy chế ưu đãi vì lợi tức trung bình hàng năm cho mỗi người của Việt-Nam còn thấp ($530) và kinh tế Việt-Nam đang chuyển tiếp từ một chế độ chỉ huy qua hệ thống thị trường.

Những công việc cần xúc tiến

Đỗ Hiếu: Thưa giáo sư, trong những lần trao đổi trước đây với đài Á Châu Tự Do chúng tôi, ông đã trình bày nhiều khía cạnh chuyên môn liên quan đến các điều kiện mà Hà Nội cần phải hội đủ để có thể được cứu xét và kết nạp vào WTO, lần này, chúng tôi xin ông sơ lược về những công việc trước mắt Việt-Nam cần phải xúc tiến trong thời gian tới.

Về lãnh vực nội bộ, Việt-Nam cần phải xúc tiến những cải tổ về luật pháp cho phù hợp với tiêu chuẩn của WTO. Đây là một công tác đòi hỏi nhiều thời giờ và chuyên môn.

Nguyễn Quốc Khải: Thứ nhất là Việt-Nam cần phải hoàn tất những cuộc thương thuyết song phương với 6 nước đối tác còn lại. Thứ hai là phải hoàn tất một cuộc thương thuyết đa phương sau khi tất cả mọi thương thuyết song phương đã đạt được kết quả. Cuối cùng là việc gia nhập WTO của Việt-Nam cần phải được đưa ra Đại Hội Đồng của WTO để biểu quyết.

Về lãnh vực nội bộ, Việt-Nam cần phải xúc tiến những cải tổ về luật pháp cho phù hợp với tiêu chuẩn của WTO. Đây là một công tác đòi hỏi nhiều thời giờ và chuyên môn. Trong nửa năm đầu của năm 2005, Quốc Hội Việt-Nam đã thông qua được 15 bộ luật bao gồm Luật Dân Sự, Luật Thương Mại, Luật Kiểm Toán, Luật Về Những Thỏa Hiệp Quốc Tế, Luật Quan Thuế, Luật Về Thuế Xuất Nhập Khẩu, Luật Về Khoáng Sản, Và Luật Khiếu Nại Và Tố Giác.

Ngoài ra Việt-Nam trong thời gian ngắn ngủi còn lại của năm 2005 còn phải tu chính và soạn thảo 14 bộ luật mới bao gồm Luật về Tài Sản Trí Tuệ, Luật về Chuyển Ngân và Buôn Bán Qua Hệ Thống Điện Tử, Luật Doanh Nghiệp Thống Nhất, Luật Đầu Tư Thống Nhất, Luật Về Thuế Trị Giá Gia Tăng, và Luật về Thuế Tiêu Thụ. [1]

Vào đầu năm 2005, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Trị Quốc Tế của Việt-Nam, cho biết thủ tục làm luật hiện nay rất rườm rà và những giới chức có thẩm quyền cần trên 5 năm mới có thể soạn và phê chuẩn các luật mới cho phù hợp với điều kiện để vào WTO. [2]

Hiện nay Việt-Nam gặp khó khăn nhiều nhất từ phía Hoa-Kỳ, một thị trường xuất cảng quan trọng bậc nhất đối với Việt-Nam. Những đòi hỏi do Hoa-Kỳ đặt ra với Việt-Nam là mở rộng các khu vực viễn thông, dịch vụ nhập cảng, phân phối, ngân hàng, cải tổ môi trường đầu tư và ngoại thương.

Ngoài ra Hoa-Kỳ muốn Việt-Nam thực hiện những cam kết về việc ngăn cấm vi phạm những tài sản trí tuệ như sách báo, băng hình, v.v. Theo tổ chức Business Software Alliance, Việt-Nam là một trong những quốc gia vi phạm quyền sở hữu phần mềm điện toán nhiều nhất thế giới với tỉ lệ 95%. [3] Cuộc điều nghiên của Heritage Foundation và Wall Street Journal đánh giá Việt-Nam thấp nhất trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. [4]

Ngoài ra, Việt-Nam còn phải làm sáng tỏ một số vấn đề như bao cấp, môi trường đầu tư, chính sách thuế khóa, và đặc biệt là quyền thương mại, cách vận hành và điạ vị của những doanh nghiệp nhà nước. Những quốc gia đối tác như Hoa-Kỳ, Thuỵ Sĩ, Úc, và Liên Hiệp Âu Châu đặc biệt lưu tâm đến lãnh vực này. Do đó việc cải tổ khu vực quốc doanh là cấp thiết do đòi hỏi của các nước này mà còn để gia tăng khả năng cạnh tranh của Việt-Nam.

Theo phúc trình mới nhất của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (World Economic Forum – WEF) vừa phổ biến, Việt-Nam tụt hạng về năng lực cạnh tranh. Vào năm 2004 Việt-Nam đứng hàng thứ 77. Năm nay WEF xếp Việt-Nam vào hạng 81 trong số 117 nước. Việt-Nam thua kém về sức cạnh tranh đối với hầu hết những Đông Nam Á, ngoại trừ Campuchia và có thể Lào và Miến Điện nhưng hai nước sau cùng không được xếp hạng trong bản phúc trình của WEF. [5] Do đó trong thời gian tới Việt-Nam phải cải tiến khả năng cạnh tranh kinh doanh.

Không nên quá lạc quan

Đỗ Hiếu: Thưa giáo sư, tại hội nghị các bộ trưởng kinh tế ASEAN mới nhóm họp tại thủ đô Vientiane của Lào tuần rồi, Bộ Trưởng Thương Mại Việt-Nam, ông Trương Đình Tuyển tuyên bố, Việt-Nam có 50/50 hi vọng được vào WTO trước cuối năm 2005 nếu đạt được tiến bộ trong việc đàm phán với Washington, ông có nhận định gì về vấn đề vừa nêu?

WTOBusinessVN150.jpg

Nguyễn Quốc Khải: Nói là có 50/50 hi vọng được vào WTO trước cuối năm nay là ông Trương Đình Tuyển còn quá lạc quan. Tôi cho rằng Việt-Nam không thể gia nhập được Cơ Quan Thương Mại Quốc Tế trong năm nay. Nếu điều này xẩy ra thì đó là một phép lạ.

Việt-Nam là một kinh tế phi thị trường và là một nước cộng sản. Theo luật Thương Mại, Hoa-Kỳ chỉ có thể ký kết buôn bán với Việt-Nam tạm thời. Mỗi năm Quốc Hội Hoa-Kỳ lại phải cứu xét lại các hiệp định thương mại với Việt-Nam. Do đó hiện nay Hoa-Kỳ chỉ cho Việt-Nam quy chế thương mại bình thường (normal trade relation) tạm thời.

Muốn vào được WTO, trước hết Việt-Nam phải được hưởng quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (permanent normal trade relation - PNTR). Quốc Hội Hoa-Kỳ phải họp để biểu quyết về việc này.

Khóa họp hiện nay của Quốc Hội Hoa-Kỳ 109 đến ngày Lễ Tạ Ơn trên thực tế là chấm dứt. Buôn bán với Việt-Nam không phải là ưu tiên số một của Quốc Hội Hoa-Kỳ lúc này, trong khi những nhà lập pháp Hoa-Kỳ không vui lòng về những vụ vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo tiếp diễn ở Việt-Nam.

Mới đây để trả lời một cuộc phỏng vẫn của các ký giả, Đại Sứ Hoa-Kỳ tại Hà-Nội Michael Marine nói: “Tôi không tin sẽ có một triển vọng về việc [Quốc Hội Hoa-Kỳ] sẽ bỏ phiếu cho Việt-Nam hưởng quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn trước tháng 12.”

Đại Sứ Marine cũng chỉ trích Việt-Nam về việc không thi hành đầy đủ những cam kết về việt thi hành Hiệp Định Thương Mai Mỹ Việt (BTA) đã bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2001. Ông nói “Làm nửa vời hoặc chỉ thực hiện trên giấy tờ và không làm trên thực tế không mang lại lợi ích gì cho Việt-Nam.” [6]

Kinh nghiệm của Hoa-Kỳ về việc Việt-Nam thi hành BTA và việc Trung Quốc không thực thi những sự cam kết sau khi đã vào WTO đã một phần làm cho các hội viên của WTO cứu xét căn kẽ hơn đối với việc cho Việt-Nam gia nhập tổ chức này.

Theo ý tôi, điều quan trọng hơn cả là liệu Việt-Nam đã sẵn sàng chưa. Thật bất hạnh câu trả lời là chưa. Bà Phạm Chi Lan thuộc Ủy Ban Nghiên Cứu của văn phòng Thủ Tướng nhận xét rằng mặc dù các doanh nghiệp Việt-Nam đều muốn Việt-Nam mau chóng vào WTO, nhưng những doanh nghiệp này biết rất ít về những vấn đề Việt-Nam phải đối phó khi trở thành một hội viên. [7]

Sẽ trả một giá đắt, nếu...

Đỗ Hiếu: Theo như nhận xét của riêng giáo sư thì Việt-Nam có hy vọng gì đạt được mục tiêu để trở thành hội viên của WTO, vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới, một định chế thương mại quốc tế quy tụ trện 150 nước thành viên khắp năm châu?

Việt-Nam là một kinh tế phi thị trường và là một nước cộng sản. Theo luật Thương Mại, Hoa-Kỳ chỉ có thể ký kết buôn bán với Việt-Nam tạm thời. Mỗi năm Quốc Hội Hoa-Kỳ lại phải cứu xét lại các hiệp định thương mại với Việt-Nam.

Nguyễn Quốc Khải: Mới đây ông Trương Đình Tuyển, Bộ Trưởng Bộ Thương Mại Việt-Nam tuyên bố rằng Việt-Nam không muốn gia nhập WTO với bất cứ giá nào và nếu không trở thành hội viên trước tháng 6, 2006, Việt-Nam sẽ mất xung lực đối với các cuộc thương thảo và niềm tin vào tổ chức quốc tế này. [8]

Tôi nghĩ đây là một lối nói lẫy. Tất cả các hội viên của WTO đều ủng hộ quy chế hội viên của Việt-Nam. Khác với Tổ chức Liên Hiệp Quốc hay Quỹ Tien Te Quoc Te, việc gia nhập WTO không tự động mà phải theo những điều kiện do các hội viên hiện hữu quy định.

Việt-Nam phải trả một giá đắt vì những suy tính sai lầm trong nửa thế kỷ vừa qua và vì sự chậm trễ trong việc cải tổ kinh tế. Trước sau Việt-Nam sẽ vào WTO. Việt-Nam sẽ phải trả một giá đắt hơn nếu chần chờ như đình hoãn ký Hiệp Định Thương Mại với Hoa-Kỳ trước đây hay đứng ngoài WTO.

Đỗ Hiếu: Xin cám ơn giáo sư Nguyễn Quốc Khải đã dành cho đài chúng tôi cuộc trao đổi vừa rồi.

Chú thích:

[1] WTO, “Vietnam Membership Negotiations 15 September 2005 – Working Party Examines First Revision of Membership Report,” September 20, 2005.

[2] Vietnam News Brief, “Vietnam Needs Foreign Expertise for Law Reforms to Meet WTO’s Rules,” February 17, 2005.

[3] Economist Intelligence Unit, “Vietnam: Country Report,” July 5, 2005.

[4] Heritage Foundation and Wall Street Journal, “2005 Index of Economic Freedom,” Washington, DC: January 4, 2005.

[5] World Economic Forum, “The Global Competitiveness Repoirt,” Geneva, September 28, 2005.

[6] AFP, “Gaps Remain in Vietnam’s WTO Entry Talks: U.S. Envoy.” September 22, 2005.

[7] Thai Press Report, “Challenges Remain Ahead in the Course of WTO Accession,” August 2, 2005.

[8] Reuters, “Vietnam Needs WTO Membership by Mid-2006 at Latest,” Vientiane, September 28, 2005.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.