Nhiều khu vực trên cả nước nhiễm chất độc hại


2006.06.30

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Thời gian gần đây, ngày càng có thêm nhiều địa danh lạ mắt xuất hiện trên báo chí như "làng ung thư", "xóm bạch tạng", "tổ bại liệt"....Hiện tượng đó cho thấy một điều là tình hình ô nhiễm trong một xã hội đang chuyển sang kinh tế thị trường, tức chạy theo lợi nhuận, đã có cái giá khá đắt phải trả, đó là sức khỏe người dân.

environment_women200.jpg
Nhiều khu vực trên cả nước nhiễm chất độc hại. AFP PHOTO

Việc tăng trưởng kinh tế song hành với ô nhiễm môi trường đã được thế giới nhận biết từ rất lâu. Các quốc gia tân tiến đã thu thập khá nhiều kinh nghiệm cay đắng về vấn đề này. Nổi bật nhất là lợi nhuận do kinh tế mang lại, phải tính kèm cả những tổn thất mà việc sản xuất gây ra về chăm sóc y tế, về hệ quả sức khỏe tinh thần các thế hệ tiếp nối.....

Lẽ ra, những nước đi sau được lợi nhờ ứng dụng kinh nghiệm của các nước đi trước, mà trong trường hợp Việt Nam, có thể rút từ những bài học Trung Quốc đã kinh qua.

Ngày càng nghiêm trọng

Thế nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng trên cả nước khiến phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm gần đây đã phải chỉ đạo bộ Tài Nguyên-Môi trường tiến hành kiểm tra để có biện pháp khắc phục.

Sau một thời gian dài điều tra nghiên cứu, Cục Bảo vệ Môi trường vừa đưa ra những kết quả không làm nhiều người ngạc nhiên, mà chỉ làm củng cố thêm sự lo ngại về sức khỏe và sự phát triển của dân chúng Việt Nam mai sau.

Những điểm chính trong kết quả điều tra như nước bốc cháy, không phải do phép lạ, mà chỉ vì hàm chứa xăng dầu, cây cối bốc mùi, gia súc ngã bệnh....đã được dân chúng kêu rên từ lâu, nhưng hầu như vô vọng.

Nhà máy làm không bảo quản được môi trường sống của dân. Cái nớ là nhân dân kiến nghị nhiều lần. Kiến nghị với huyện, rồi với tỉnh, mà vẫn là không được. Nhà máy vẫn tiến hành, vẫn làm.

Về loại thuốc diệt sâu bọ DDT mà quốc tế đã ban hành lệnh cấm từ mấy thập niên qua, đất ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An lại chứa đến 28 ngàn lần mức tiêu chuẩn an toàn cho phép. Cụ thể khi phân tích dư lượng chất thuốc này trong mẫu đất, đòan kiểm tra của Cục Bảo vệ Môi trường phát hiện từ 15 đến 2,800 miligram trong 1 kilô, trong khi mức an toàn chỉ là 0,1 miligram mà thôi.

Tại các tỉnh Phú Thọ, Hà Tĩnh...dư lượng chất DDT cũng vượt từ 10 đến 300 lần mức an toàn cho phép. Hiện tượng đó cho thấy việc sử dụng DDT trên diện rộng và với số lượng lớn đã xảy ra liên tục từ lâu mà có lẽ không gặp khó khăn gì hoặc khuyến cáo nào từ phía chính quyền.

Qua kiểm tra 68 cơ sở sản xuất hóa chất trên phạm vi cả nước, chỉ có vỏn vẹn 3 đơn vị là chấp hành tốt quy định về bảo vệ môi sinh, còn lại 65 đơn vị đều vi phạm. Theo ước lượng những cơ sở đó mỗi ngày thải ra môi trường trên 220 ngàn mét khối nước thải như đa số không qua xử lý, hoặc nếu có thì chỉ chiếu lệ.

Tiếng kêu vô vọng

Dân chúng có bức xúc quá, kiến nghị lên trên thì hầu như không có hiệu quả gì, như lời trần tình của một nông dân huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

“Nhà máy làm không bảo quản được môi trường sống của dân. Cái nớ là nhân dân kiến nghị nhiều lần. Kiến nghị với huyện, rồi với tỉnh, mà vẫn là không được. Nhà máy vẫn tiến hành, vẫn làm.”

Người chủ trì cuộc kiểm tra theo chỉ đạo của phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, ông Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường thuộc bộ Tài nguyên và Môi trường, khẳng định là nhiều đơn vị kinh tế chỉ vì lợi ích mà lãng quên trách nhiệm bảo vệ môi trường khiến tôm cá chết hàng loạt, người dân mất việc làm, sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không riêng ngoài Bắc hay Trung, một người dân Nam Bộ cũng bày tỏ sự bức xúc khi kiến nghị, báo cáo về tình hình môi sinh bị đe dọa nghiêm trọng đã không được nhà cầm quyền quan tâm và xử lý đúng mức. “Đã qua nhiều lần bà con đây cũng có làm đơn gởi đến các cơ quan chức năng, nhưng cuối cùng chỉ phạt hành chính mà thôi, chứ chưa có biện pháp nào mà cho hữu hiệu.”

Đã có những trường hợp người dân quá bức xúc đã tự phát bao vây nhà máy, cơ sở gây ô nhiễm môi sinh của họ và bị ghép tội là cản trở sản xuất, kinh doanh, vi phạm pháp luật.

Nhiều chính quyền địa phương cũng bó tay vì sự việc vượt quá thẩm quyền, được quyết định từ mãi đâu đâu, dù xảy ra ngay trên địa phương của họ, như lời than thở của một viên chức xã ở Nghệ An.

“Về cái đề án đó thì cấp xã không được rõ, chí huyện cũng không rõ cái này lắm. Do giữa tỉnh với trung ương thôi.”

Như vậy câu châm ngôn thường nghe nói là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã có thể thực hiện được 3 phần, còn phần "dân làm" thì phải làm sao ? và đã kiểm tra rồi thì ai xử lý ?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.