Việt Nam giới thiệu nghệ thuật cải lương đến du khách nước ngoài

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Cách đây vài ngày, Nhà hát Trần Hữu Trang đã khai mạc sân khấu du lịch tại rạp Hưng Đạo nhằm ra sức giới thiệu nét đặc thù của văn hóa Việt Nam – dưới hình thức cải lương – với du khách nước ngoài. Thanh Quang tìm hiểu ý kiến của chuyên gia âm nhạc Việt Nam về vấn đề này, và được giáo sư Trần Văn Khê, đang cư ngụ ở Saìgon, cho biết.

cailuong200.jpg
Việt Nam giới thiệu nghệ thuật cải lương đến du khách nước ngoài

Giáo sư Trần Văn Khê: Nếu giới thiệu thì đáng nên giới thiệu lắm nhưng mà giới thiệu phải cho chính xác để cho người bên ngoài có khái niệm thật đúng về ca trù, về cải lương tài tử thì rất tốt.

Thanh Quang: Thưa Giáo sư, liệu các nghệ sĩ thế hệ trẻ hiện giờ có lột tả nỗi nội dung muốn diễn đạt, hay nói cách khác, có đủ sức thu hút khách nước ngoài không ?

Giáo sư Trần Văn Khê: Có thể chớ, nhưng đó là chuyện khác, bởi vì khi mình muốn làm cho người trong nước thì khác mà người nước ngoài thì khác. Giới thiệu cho người nước ngoài thì không phải mình đưa ra tình tiết người Việt Nam hiểu được, hoặc lời nói Việt Nam nhiều quá mà người Việt hiểu qua lời mới thích.

Đối với người ngoại quốc thì không phải hiểu qua lời mà hiểu qua động tác. Thành ra khi làm cho người nước ngoài, mình phải có chuẩn bị cho người nước ngoài, chớ không phải lấy cái chuyện hay ở trong nước đưa ra mà người ta thích được.

Thanh Quang: Như vậy, theo Giáo sư thì nên giới thiệu nghệ thuật ca kịch cải lương với du khách nước ngoài như thế nào cho có hiệu quả nhất ?

Giáo sư Trần Văn Khê: Có hiệu quả tức là mình phải nói cho ít mà diễn xuất cho nhiều; chẳng hạn như quần áo đẹp là một cách để hấp dẫn người ta. Lựa những tuồng như tuồng Tiên, tuồng Phật, tuồng ăn mặc đẹp. Rồi gặp gỡ nhau thì mình làm màu nhiều hơn là nói…

Còn vấn đề nữa là người nước ngoài thì là ai, người nước ngoài cỡ nào. Nếu là sinh viên có trình độ thưởng thức cao thì mình diễn khác, còn người nước ngoài là du khách thường thì phải làm chuyện khác. Vấn đề là tùy trường hợp mà mình làm.

Thanh Quang: Thưa Giáo sư, trong nỗ lực đưa cải lương phục vụ du lịch thì trước mắt nên giới thiệu những gì với du khách, chẳng hạn như những nét độc đáo về đờn ca tài tử, sự hình thành sân khấu cải lương hay dàn nhạc cổ truyền Việt Nam.v.v.., Giáo sư nghĩ như thế nào về vấn đề này ?

Giáo sư Trần Văn Khê: Chuyện gì giới thiệu cũng được hết, nhưng giới thiệu phải giải thích. Chớ khi không đưa cho người ngoại quốc nghe thì họ đâu có biết cái gì. Phải có người giải thích cái đó là gì, nó hay tại chỗ nào. Và luôn giới thiệu từ cái dễ tới cái khó…

Thanh Quang: Thưa Giáo sư, liệu khách nước ngoài, nhất là du khách phương Tây, có cảm được nghệ thuật cải lương của Việt Nam hay không, nhất là họ bị trở ngại vì bất đồng văn hóa, ngôn ngữ ?

Giáo sư Trần Văn Khê: Bất đồng ngôn ngữ thì đã đành rồi, và vì vậy mình mới giải thích, nói nội dung đó có cái gì. Còn bất đồng văn hóa thì nhất định rồi, nhưng người ta tìm thì không phải người ta tìm điểm chung văn hóa mà người ta tìm chính cái bất đồng văn hóa, đặng cho có cái chuyện lạ.

Chớ còn y như ở phương Tây thì thà người ta coi ở phương Tây còn hơn chớ đi coi làm chi cái chuyện bên Việt Nam. Họ đến với mình để tìm cái gì mà họ không có thì người ta mới thích. Nhưng mà không có không phải là quá khó; không có mà khi giải thích, người ta vẫn hiểu được.

Thanh Quang: Xin cảm ơn Giáo sư Trần Văn Khê rất nhiều.