Phỏng vấn Quyền Phó Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội về đàm phán song phương việc gia nhập WTO của Việt Nam
2005.09.02
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Việt Nam hầu như đã hoàn tất hay gần hoàn tất đàm phán song phương về việc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới với nhiều đối tác như Nhật Bản, Trung Quốc, v.v… nhưng đến nay, cuộc đàm phán tay đôi với Hoa Kỳ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, và qua báo chí, các nhà đàm phán Việt Nam gọi thẳng Mỹ là quốc gia “khó chơi”.
Cuộc phỏng vấn ông Sam Watson, Quyền Phó Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội mà Ban Việt Ngữ chúng tôi gửi đến quý thính giả sau đây sẽ giúp chúng ta có cái nhìn từ phía Hoa Kỳ về vấn đề này.
Sau đây là những điểm chính trong cuộc phỏng vấn mà ông Phó Đại Sứ Mỹ dành cho Đài Á Châu Tự Do. Cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện từ Bangkok.
Nguyễn Khanh: Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là phải mất hơn 5 năm mới hoàn tất đàm phán hiệp định thương mại song phương Mỹ-Việt. Thế phải mất bao nhiêu lâu nữa Washington và Hà Nội mới hoàn tất cuộc đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới?
Ông Sam Watson: dĩ nhiên, đàm phán để gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO có nhiều phức tạp hơn cuộc đàm phán thương mại song phương.
Đã 10 năm trôi qua, kể từ ngày Việt Nam bắt đầu các tiến trình gia nhập WTO và tôi có thể nói như thế này: Hoa Kỳ hy vọng trong một tương lai chẳng bao xa, Việt Nam sẽ đựoc nhận vào WTO, và chúng tôi cũng mong điều này xảy ra càng sớm càng tốt.
Nguyễn Khanh: trong cuộc đàm phán hiện giờ, Hoa Kỳ và Việt Nam có sử dụng những kinh nghiệm thu thập được từ các cuộc đàm phán hiệp định song phương hay không?
Ông Sam Watson: tôi cho rằng ở mức độ nào đó, kinh nghiệm đàm phán hiệp định thương mại song phương có giúp cho cuộc thương thuyết WTO. Tuy nhiên, đàm phán thương mại song phương không ở nằm ở mức bao quát như đàm phán gia nhập WTO, vì gia nhập WTO bao hàm nhiều vấn đề, trong khi hiệp định thương mại song phương chỉ là chuyện giữa hai nước.
Ít nhất trong cuộc thương thảo WTO giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, có 3 vấn đề cần phải bàn đến. Thứ nhất là đàm phán giữa hai nước, kế đến là các cuộc đàm phán đa phương với Ban Công Tác của WTO ở Geneva, và điểm thứ ba là luật của Hoa Kỳ còn quy định Việt Nam phải được Quốc Hội Liên Bang đồng ý cho hưởng quy chế thương mại bình thường trước khi trở thành hội viên của WTO.
Nguyễn Khanh: hiện tại, những trở ngại, những vấn đề nào mà ông thấy cần phải giải quyết, để Việt Nam có thể gia nhập WTO?
Ông Sam Watson: có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Về cuộc đàm phán song phương, rất tiếc tôi không thể trình bày được nhiều vì hai bên vẫn đang tiếp tục thảo luận với nhau, nhưng tôi có thể nói là cả hai đoàn đàm phán, phía Hoa Kỳ cũng như phía Việt Nam, đều biết rõ những vấn đề chính cần phải giải quyết, và tôi cũng có thể nói là thỏa hiệp sẽ không được ký kết cho đến khi tất cả vấn đề được giải quyết xong.
Về những điểm chính, trong cuộc đàm phán song phương, phía Mỹ chúng tôi muốn thấy Việt Nam mở rộng thị trường viễn thông, phân phối. Về cuộc đàm phán đa phương, các nước hội viên của WTO chia sẻ quan điểm với chúng tôi về các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, thương quyền, dịch vụ. Đó là những thí dụ về các vấn đề chính đang cần giải quyết.
Nguyễn Khanh: ông hiện đang có mặt ở Hà Nội và có lẽ ông cũng biết là đối với chính phủ Việt Nam, gia nhập WTO không thuần túy là chuyện kinh tế mà còn là chuyện chính trị nữa. Ở Washington, chính quyền Mỹ có biết điều đó không?
Ông Sam Watson: có phải anh muốn nói là Hoa Kỳ có biết rằng đối với chính quyền Việt Nam thì gia nhập WTO còn mang ý nghĩa chính trị không?
Nguyễn Khanh: thưa ông Phó Đại Sứ, vâng.
Ông Sam Watson: tôi nghĩ rằng chúng tôi biết. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng WTO là một tổ chức về thương mại, và mục tiêu của tổ chức là tạo sân chơi thật công bằng cho tất cả mọi quốc gia. Phía Mỹ chúng tôi và ngay cả các nhà đàm phán Việt Nam đều dựa vào các tiêu chuẩn về thương mại khi thảo luận với nhau.
Nguyễn Khanh: bao giờ hai bên sẽ gặp lại nhau, và gặp ở đâu?
Ông Sam Watson: khi thảo luận về một vấn đề to lớn và bao quát như thế này thì có 2 cách gặp gỡ khác nhau, một là trực tiếp gặp mặt để thảo luận, cách thứ hai không trực tiếp gặp nhau nhưng vẫn trao đổi với nhau những điều cần thiết phải trao đổi.
Lần cuối cùng hai bên trực tiếp gặp nhau là hồi tháng 6 vừa rồi, và tôi dự đoán là sẽ sớm gặp lại nhau, nhưng lúc này thì chưa có thời điểm để thông báo cho ông biết.
Dù vậy, tôi xin đảm bảo là các nhà đàm phán đại diện cho hai bên đang làm việc không ngừng nghỉ, cật lực làm việc, ngày nào cũng dùng e-mail để thảo luận, trao đổi tài liệu với nhau. Dù không ngồi chung với nhau ở bàn họp, nhưng hai bên vẫn đang làm việc và vẫn đạt được tiến bộ.
Nguyễn Khanh: dựa theo các điều mà ông vừa trình bày, tôi có cảm tưởng là chuyện Việt Nam hy vọng được nhận vào WTO cuối năm nay có lẽ là ước mơ thật mong manh. Kết luận của tôi như vậy có đúng không?
Ông Sam Watson: có một chuyện mà chúng ta chưa nói đến, đó là trong những cuộc đàm phán đa phương, Việt Nam được yêu cầu phải ban hành nhiều đạo luật khác nhau, trước khi được WTO thu nhận làm hội viên.
Trong một số trường hợp, các đạo luật này hiện mới đang được Việt Nam soạn thảo, và Ban Công Tác của WTO dự đoán là sau khi soạn thảo xong, các dự luật còn phải được quốc hội của Việt Nam xem xét coi có phù hợp với yêu cầu hay không và thông qua.
Như tôi đã trình bày, hiện giờ vẫn còn rất nhiều việc phải làm và tôi biết là phía Việt Nam đang nỗ lực làm việc tối đa để hoàn tất các đòi hỏi của WTO trong thời hạn sớm nhất, nhưng Quốc Hội Việt Nam hiện chưa tái nhóm, trong khi thông qua các đạo luật mà WTO đòi hỏi là một yếu tố thật quan trọng, quyết định chuyện bao giờ Việt Nam sẽ được thu nhận vào WTO.
Nguyễn Khanh: xin cám ơn ông Phó Đại Sứ đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
Ông Sam Watson: tôi cũng cám ơn Đài dã cho tôi cơ hội để trình bày. Một lần nữa, tôi xin khẳng định rằng Hoa Kỳ luôn luôn mong muốn thấy và ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên của WTO càng sớm càng tốt, vì điều đó sẽ có lợi cho cả hai nước.
Tôi cũng xin nhắc lại đó cũng là điều đã được nói đến trong buổi thảo luận giữa Tổng Thống George W. Bush và Thủ Tướng Phan Văn Khải khi hai ông gặp nhau ở Washington hồi tháng 6 vừa qua. Chúng tôi đánh giá cao tầm quan trọng cũng như ảnh hưởng của chuyện Việt Nam được nhận vào WTO, và chúng tôi hy vọng điều này sẽ xảy ra trong một ngày gần đây.
Nguyễn Khanh: một lần nữa, xin cám ơn ông Phó Đại Sứ.
Những bài liên quan
- Kế hoạch và Thị trường
- Thành phố Hồ Chí Minh phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu.
- Việt Nam khó có thể gia nhập WTO vào cuối năm nay
- Phát triển Tiểu Doanh
- Tự do Báo chí và Phát triển Kinh tế
- Cải tổ Bưu chính Nhật Bản
- Đổi mới Công đoàn
- Doanh nhân và các vấn đề mới khi gia nhập WTO
- Luật đầu tư mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam
- Giáo sư Phan Đình Diệu trả lời phỏng vấn RFA về Hội Thảo Hè ở Đà Nẵng
- Giá đi tour trọn gói Thái Lan rẻ hơn du lịch từ Sài Gòn đến Hà Nội
- Ảo thuật hối đoái của Trung Quốc
- Ảnh hưởng của việc Trung Quốc thả nổi đồng nhân dân tệ đối với Việt Nam
- Thị trường bảo hiểm y tế Việt Nam sắp mở rộng
- Doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều trở ngại khi đầu tư ra nước ngoài