Việt Nam phát hiện "âm mưu dân chủ"

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Việc linh mục Nguyễn văn Lý và luật sư Nguyễn văn Đài bị bắt bớ, gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước, đặc biệt là ở những tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền. Tin tức do nhà cầm quyền đưa ra chỉ nói mơ hồ là họ nhận hỗ trợ của bọn "xấu" ở nước ngoài để chống phá Nhà nước. Hôm thứ Sáu, lần đầu tiên một tờ báo do Hà Nội kiểm soát đã tiết lộ lý do thật sự của đợt bắt giữ này.

NguyenVanDaiCongNhan200.jpg
Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. File Photo

Hãng thông tấn Đức dpa cho biết báo Gia đình và Xã hội của Việt Nam số ra ngày thứ Sáu mùng 9 tháng Ba lần đầu tiên đề cập thẳng đến lý do chủ yếu khiến nhà cầm quyền lục soát phòng làm việc, tịch thu máy vi tính và mọi giấy tờ khác của linh mục Nguyễn văn Lý, và sau đó là các cuộc lục soát văn phòng luật Thiên Ân của luật sư Nguyễn văn Đài.

Bài báo viết "mục đích của họ là quy tụ những lực lượng đối lập, đề cử một số người ra ứng cử Quốc hội .....rồi kết hợp với các thế lực khác để gây rối. Tuy nhiên, các hành vi của họ đã không thoát khỏi tai mắt của lực lượng an ninh và họ đã bị loại trừ".

Tuyên truyền chống phá nhà nước?

Linh mục Nguyễn văn Lý bị bắt hồi tháng trước ngay tại Nhà Chung tại Huế và sau đó bị đưa đi quản chế tại một giáo họ nhỏ xa thành phố có công an canh gác không cho tiếp xúc với ai, dù là thân quyến trong gia đình linh mục.

Luật sư Nguyễn văn Đài bị bắt cùng luật sư Lê thị Công Nhân tại Hà Nội hôm thứ Ba tuần này. Tất cả đều bị buộc tội vi phạm điều 88 của bộ luật Hình sự, tức "tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN Việt Nam".

Ngoài chức năng hành nghề của mình, người luật sư còn có trách nhiệm đấu tranh thực hiện một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Người luật sư có thể làm rất nhiều công việc khác nhau không những ở trong nước, mà còn ở quốc tế. Đó là trách nhiệm của người luật sư phải làm, nên tất cả những việc làm của tôi là theo chức năng của người luật sư.

Cô Lê thị Công Nhân mấy ngày trước khi bị bắt cũng đã cho biết điều đó vào khi công an khởi sự khám xét, xách nhiễu cô.

“Họ nói rằng bộ Chính trị đã chỉ đạo, sẽ truy tố và tống chúng tôi vào tù. Họ nói là tôi đã phạm điều 88 bộ luật Hình sự, đó là tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN Việt Nam.”

Một bài báo trên tờ An ninh Thế giới hôm thứ Bảy và cũng được nhiều báo khác đăng tải cùng ngày viết rằng "Đoàn Luật sư Hà Nội cũng nhiều lần họp nhắc nhở, yêu cầu Nguyễn Văn Đài thực hiện đúng quy tắc đạo đức và các quy định của luật sư.

Gần đây nhất, ngày 8.2.2007, Mặt trận Tổ quốc phường Bách Khoa, nơi Nguyễn Văn Đài cư trú cũng đã tổ chức cuộc họp cho nhân dân góp ý kiến, khuyên ngăn và đấu tranh vạch trần các hoạt động sai trái, vi phạm pháp luật của Nguyễn Văn Đài".

Về việc này, trong một lần trò chuyện cùng chúng tôi, ông luật sư Nguyễn văn Đài khẳng định là chỉ thực thi những chức năng của một người luật sư mà thôi.

“Ngoài chức năng hành nghề của mình, người luật sư còn có trách nhiệm đấu tranh thực hiện một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Người luật sư có thể làm rất nhiều công việc khác nhau không những ở trong nước, mà còn ở quốc tế. Đó là trách nhiệm của người luật sư phải làm, nên tất cả những việc làm của tôi là theo chức năng của người luật sư.”

Quyền được tự ứng cử?

Bài báo trên tờ Gia đình và Xã hội lần đầu tiên thừa nhận ý đồ của nhà cầm quyền khi tung đợt truy quét các người bất đồng chính kiến nhằm loại họ ra khỏi cuộc tranh cử Quốc hội, năm nay cũng lần đầu tiên có việc tự tranh cử được nhắc đến rộng rãi.

Hãng thông tấn Đức dpa cho biết Việt Nam sẽ tổ chức bầu Quốc hội vào ngày 20 tháng Năm sắp tới, nhưng chỉ có đảng Cộng sản mới có quyền sắp xếp ứng viên mà thôi.

NguyenVanLy150.jpg
Linh mục Nguyễn Văn Lý. RFA file photo

Bản tin của họ có lẽ viết cho gọn lại, vì bộ phận kiểm tra và thiết lập danh sách ứng viên là Mặt trận Tổ quốc, vốn là tổ chức xã hội ngoại vi của đảng Cộng sản.

Tất cả các đảng chính trị đối lập đều bị trấn dẹp thẳng tay, xem như không hề hiện hữu tại Việt Nam, dù rằng có từ 10 đến 20% số đại biệu Quốc hội được giành cho những người tự ứng cử, mà số người đó phải được sự chấp thuận của Mặt trận Tổ quốc.

Theo bài báo trên tờ Gia đình và Xã hội thì linh mục Lý và luật sư Đài dự định "cài cấy" những nhân vật ra tự ứng cử, khi đặt chân được vào Quốc hội Việt Nam rồi thì mới đòi hỏi cải tổ sâu rộng, đều khắp thêm.

Bài báo cũng tố cáo những tổ chức có trụ sở bên Mỹ đã tổ chức nhiều vụ nổi cộm trong thời gian gần đây nhằm đòi dân chủ cho Việt Nam, chẳng hạn như nhóm 8406.

Tờ Gia đình và Xã hội cũng cho rằng luật sư Nguyễn văn Đài đã tham dự một khóa huấn luyện cổ võ dân chủ, tổ chức tại Philippines hồi năm 2004, được tổ chức bởi một số tổ chức nhân quyền quốc tế.

Dân chủ “giả vờ”

Hãng thông tấn Đức dpa cho biết là không hiểu các tổ chức nước ngoài mà tờ Gia đình và Xã hội đề cập tới là các tổ chức nào vì trong thực tế có rất nhiều tổ chức quốc tế đã phê phán hành vi trấn áp đối lập, trù dập truyền thông, đe dọa dân chủ đang xảy ra tại Việt Nam.

Chẳng hạn như Human Rights Watch, tức Quan sát Nhân quyền, Reporteurs-Sans-Frontìeres, tức Phóng viên-Không-Biên giới, Pen Ineternational, tức Văn bút Quốc tế, và còn nhiều tổ chức tòan cầu và khu vực khác nữa.

Gần đây nhất là bản thông cáo báo chí của tổ chức Human Rights Watch, tức Quan sát Nhân quyền, từng nhiều lần chỉ trích, phê phán các chính quyền từ Hoa Kỳ đến Anh, Nga, Pháp....về những vụ vi phạm quyền tự do con người mà họ mắc phải.

Các nhà đấu tranh cho dân chủ hoạt động mạnh đến mức nhà nước cảm thấy để họ ở ngoài thì không an tâm thì họ sẽ tiến hành bắt. Còn công việc đấu tranh thì tôi nghĩ ai cũng như ai. Nghĩa là với lương tâm, trách nhiệm của người dân trước tình hình của đất nước, người ta cũng muốn làm điều gì đó. Chỉ có điều là cách làm của chúng tôi không phù hợp quan điểm, đường lối của nhà nước.

Bản thông cáo hôm thứ Ba của Human Rights Watch viết "những người như linh mục Nguyễn văn Lý, luật sư Nguyễn văn Dài, luật sư Lê thị Công Nhân, là những người tranh đấu ôn hòa.

Bất chấp các luận điểm chính thức mà Nhà nước Việt Nam đưa ra, nhà cầm quyền không thể giả vờ tiến tới thiết lập một xã hội dân chủ đúng dắn khi họ tiếp tục trấn áp những ai có chính kiến khác biệt, những ai cổ võ cho một nền dân chủ đa đảng, hay chỉ đơn thuần cổ vũ cho những quyền cơ bản của con người".

Bài báo trên tờ Gia đình và Xã hội hôm thứ Sáu nói rõ mục đích của việc bắt giữ linh mục Nguyễn văn Lý, luật sư Nguyễn văn Đài, luật sư Lê thị Công Nhân là do những người nay dự định lợi dụng việc tự do ứng cử để đưa người ra tranh cử vào Quốc hội. Khi vào được rồi thì sẽ kêu gọi đẩy mạnh cải tổ Việt Nam về chính trị, kinh tế và xã hội.

Ông Lê Chí Quang, một cử nhân luật và cũng là người bị tù về tội cổ võ dân chủ, đã nhận xét về việc các người mới bị bắt:

“Các nhà đấu tranh cho dân chủ hoạt động mạnh đến mức nhà nước cảm thấy để họ ở ngoài thì không an tâm thì họ sẽ tiến hành bắt. Còn công việc đấu tranh thì tôi nghĩ ai cũng như ai.

Nghĩa là với lương tâm, trách nhiệm của người dân trước tình hình của đất nước, người ta cũng muốn làm điều gì đó. Chỉ có điều là cách làm của chúng tôi không phù hợp quan điểm, đường lối của nhà nước.”

Về việc bắt người chỉ vì họ muốn tự do ứng cử vào Quốc hội, nhiều người cho là Nhà nước chẳng cần lo sợ, vì nếu những người tự ứng cử mà không xứng đáng thì cử tri sẽ dùng lá phiếu để loại họ, không cho vào Quốc hội, đúng theo tiến trình dân chủ thực sự.

Nhà cầm quyền không nên quá lo sợ mà phải dùng tù đày, trấn áp, để tự làm mất uy tín của mình, mà trái lại, còn làm tăng ảnh hưởng của những người bị áp bức mà thôi.