Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Một khi tham gia, thị trường tài chính Việt Nam sẽ có những thay đổi lớn, trong đó có dịch vụ kiểm toán. Giới thẩm quyền cho hay lâu nay nhân lực ngành kiểm toán sẵn có trong nước khó lòng đáp ứng những thay đổi đó.
Việt Nam sẽ gặp những khó khăn nào sau khi bước vào sân chơi quốc tế nếu tình trạng này không thay đổi, và dự kiến khắc phục ra sao? ? Nhã Trân tìm hiểu và trình bày.

Theo các nhà kinh tế thì đầu tư nước ngoài sẽ tăng mạnh khi sau Việt Nam tham gia vào WTO. Giao dịch với doanh nghiệp ngoại quốc mở rộng dẫn đến nhiều thay đổi về kinh tế và luật pháp, bao gồm dịch vụ tài chính. Sự kiện này khiến nhu cầu sử dụng các dịch vụ kế toán, kiểm toán đạt tiêu chuẩn quốc tế trở nên cần thiết.
Yêu cầu phục vụ cho các doanh nghiệp ngoại quốc đòi hỏi tính minh bạch và khả tín, nghĩa là nhân viên kiểm toán phải có trình độ và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, như am tường về các chuẩn mực kế toán, kiểm toán, các qui định pháp lý và thuế theo mẫu toàn cầu.
Thực tế Việt Nam
Chứng chỉ kiểm toán của Việt Nam xưa nay chưa được mọi nước công nhận vì còn nhiều nhược điểm. Một trong những yếu kém đáng nói nhất là chuẩn mực còn bị hạn chế vì nhiều khi không phù hợp với cơ sở pháp lý.
Nhận thức về chuẩn mực của Việt Nam lại chưa được hoàn thiện và theo đúng tinh thần của ngành kiểm toán thế giới. Kiểm toán viên trong nước, trừ trường hợp có chứng chỉ quốc tế của các hiệp hội kiểm toán uy tín trên thế giới như ACCA hay Hiệp hội Kế toán Công chứng của Anh, CPA tức Certified Public Accountants của Mỹ, ICCA của Australia…, dù đã tốt nghiệp vẫn không được xem là đủ khả năng đảm đương các giao dịch tài chính cấp quốc tế.
Một chuyên viên kiểm toán từng tốt nghiệp bên Mỹ và đã ở trong ngành gần 20 năm xác nhận:
“Hiệp hội Kế toán của Việt Nam còn mới. Có những người đi học ở bên Mỹ, bên Úc hoặc bên Ăng Lê về, lập những chi nhánh nhỏ để liên lạc với nước ngoài, nhưng phải đổi hết những tiêu chuẩn kế toán trong nước lại cho đúng [với quốc tế]”.
Theo tổng kết của ACCA, hiện nay số người có chứng chỉ kiểm toán quốc tế ở Việt Nam chỉ khoảng hơn hai trăm, trong tổng số chưa đến một ngàn kiểm toán viên được cấp giấy hành nghề.
Thực trạng thiếu nhân viên kiểm toán trầm trọng khiến giới thẩm quyền quan ngại vì sẽ ảnh hưởng đến mức đầu tư ngoài nước, nghĩa là có thể làm giảm tốc độ đầu tư quốc tế vào Việt Nam.
Các tiểu chuẩn quốc tế
Nhiều công ty kiểm toán và tư vấn trong nước cho hay không kiếm được đủ số nhân viên cần, nhất là các kiểm toán viên có bằng hành nghề quốc tế, là thành viên các hội kế toán, kiểm toán uy tín trên thế giới.
Trưởng phòng nhân sự một công ty kiểm toán ở Sài gòn nói rất hiếm người nộp đơn xin việc trong khi nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao:
“Hiện giờ nhu cầu tuyển dụng nhân viên kiểm toán đầu tư, xây dựng là tuyển nhân viên tư vấn, những người mà đã có kinh nghiệm về những chính sách, chế độ của của ngành kiểm toán quốc tế, ăn thua là phải có những kinh nghiệm trước đây”.
Nhận thức được mức cung không đạt mức cầu trong ngành kế toán, người chuyên viên kiểm toán đã nói đề xuất ý kiến về cách khắc phục thiếu chuyên viên kiểm toán tại Việt Nam hiện nay:
“Phải lập một hội để liên lạc với các hiệp hội kế toán quốc tế, kiếm người về dậy cho mình, và lập các tiêu chuẩn kế toán được ngành kế toán quốc tế chấp nhận. Có hiệp hội International Association of Accounting, rồi Institute of Chartered Accounting of Australia, mấy nước trong cộng đồng của Anh họ gọi là Chartered Accountant. Nhiều lúc có thể kêu các trường đại học ở bên Úc hay bên Anh làm những satellite, lập những trường đại học phụ ở bên Việt Nam để dậy cũng được”.
Hiện chưa thấy nhà nước đưa ra biện pháp nào để giải quyết cấp thời tình hình khan hiếm nhân lực kế toán, kiểm toán cho kịp lúc Việt Nam trở thành thành viên của WTO, trừ việc Hiệp hội Kế toán Công chứng của Anh đang lên kế hoạch liên kết với Hội Kiểm toán viên Việt Nam và Hội Kế toán thành phố HCM, tổ chức các cập nhật kiến thức cho hội viên của ACCA và các hội trong nước, giúp họ nắm bắt các chuẩn mực quốc tế để đáp ứng yêu cầu.