Thiện Giao, phóng viên đài RFA
Các cuộc biểu tình trong cùng một ngày hồi tuần qua diễn ra trong bối cảnh lạm phát tại Việt Nam tăng cao. Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Âm Lịch, nhiều công ty tại Sài Gòn đang chuẩn bị tuyển thêm lao động phổ thông. Lý do là để phòng hờ trường hợp các công nhân, sau khi về quê ăn Tết, không trở lại thành phố làm việc.

Sở dĩ có tình trạng này vì nhiều công nhân nhập cư vào Sài Gòn đang rời thành phố để trở lại nông thôn do áp lực của lạm phát phi mã.
Điều đặc biệt, trong khi công nhân biểu tình yêu cầu tăng lương hoặc áp dụng chính sách thưởng phạt công minh, theo lời của một số nhà báo tại Việt Nam, họ quan tâm đến vai trò của công đoàn, là tổ chức, trên lý thuyết, đại diện cho quyền lợi của công nhân.
Theo một số các nhà báo trong nước, công đoàn lao động tại Việt Nam hiện nay được giới chủ trả lương, và vì vậy, họ ăn cây nào rào cây ấy. Họ không quan tâm, và thậm chí, đôi khi ngăn cản các cuộc biểu tình của công nhân.
Cô công nhân từ Tiền Giang lên Sài Gòn làm việc tại khu chế xuất Tân Thuận thổ lộ rằng, cô cảm thấy công đoàn xa cách, và, trên thực tế, cô không biết mặt các đại diện công đoàn của mình.
Thiện Giao: Thưa chị, ở chỗ chị làm, ở công ty chị làm, có công đoàn không ạ?
Nữ công nhân: Dạ có.
Thiện Giao: Chị có phải đóng tiền phí?
Nữ công nhân: Có. Có, anh. Một tháng đóng bao nhiêu trừ vào tiền lương.
Thiện Giao: Như vậy Công Đoàn có bảo vệ cho quyền lợi của công nhân như chị hay không?
Nữ công nhân: Dạ chắc có, nhưng mà tại vì Công đoàn không có biêt đó. Công Đoàn cứ nghĩ là công ty nó không... Em cũng không biết nói sao nữa. Công Đoàn có bảo vệ, nhưng tụi em công nhân không có đứng ra, không có dám nói với Công Đoàn.
Thiện Giao: Công Đoàn bảo vệ cho quyền lợi công nhân mà sao chị không nói cho Công Đoàn biết mà chị nói là chị không dám nói về những chuyện mà chị muốn nói? Tại sao vậy?
Nữ công nhân: Tại vì nếu mà muốn nói thì đâu phải một mình em đứng ra noi đâu, mà phải tất cả các công nhân chung một khâu mới nói được. Một mình mình đứng nói thì đâu có được.

Thiện Giao: Có bao giờ một nhóm công nhân như chị đến gặp Công Doàn để trình bày những khó khăn của mình không?
Nữ công nhân: Dạ, không.
Thiện Giao: Tại sao vậy? Tại sao chị không trình bày những khó khăn của chị cho Công Đoàn là tổ chức đựơc coi là bảo vệ chị?
Nữ công nhân: Em cũng hổng dám.
Thiện Giao: Công Đoàn là những người đại diện cho chị thì tại sao chị lại không dám? Chị sợ hay là sao?
Nữ công nhân: Sợ. Tụi em sợ. Thiện Giao: Tôi thấy hơi khó hiểu là tại sao mình lại sợ những người đứng ra đại diện cho mình ?
Nữ công nhân: Em cũng hổng biết ý nghĩ của tụi em. Là công nhân, tụi em sợ. Em cũng hổng biết nói sao nữa. Nếu Công Đoàn giải quyết thì được chứ tụi em có góp ý kiến cũng đâu có được gì. Nếu Công Đoàn nói với mấy công ty thì em nghĩ chắc là được đó.
Thiện Giao: Chị biết chắc là được, nhưng chị lại không dám nói thì có nghĩa là nó phải có một khoảng cách nào đó giữa chị và Công Doàn hay sao ạ?
Nữ công nhân: Dạ. Đúng là có khoảng cách.
Thiện Giao: Chị có biết mặt những người làm công đoàn ở nơi chị làm không?
Nữ công nhân: Dạ. Không.
Thiện Giao: Nhà báo Văn Lang bức xúc nói rằng người công nhân đấu tranh là cho quyền lợi chính đáng của mình; nhưng những tranh đấu đó lại hoàn toàn thiếu vắng đại diện của công đoàn. Ông trao đối với chúng tôi như sau.
Nhà báo Văn Lang: Chẳng hạn như vấn đề Việt Nam có những cuộc đình công này kia, như mới hôm qua đây tôi đi ngang khu chế xuất Tân Thuận bên Quận 7, bên đó có xảy ra một cuộc đình công, qua tìm hiểu một số chị em công nhân thì tôi được biêt những vấn đề thưởng phạt không công minh.
Và người công nhân họ hiểu đúng luật lao động khi luật lao động quy định là thưởng thì thưởng tiền nhưng phạt thì không được phpé phạt tiền, vậy mà ở đây họ phạt trực tiếp vào lương, nghĩa là khi người công nhân phạm một lỗi nào đó thì họ quy cái lỗi đó ra tiền.
Người công nhân hiểu rằng không có luật nào cho phép phạt như vậy hết. Rồi thời gian tăng ca thì phải được hưởng thêm lương, rồi ngày nghĩ mà phải làm tăng ca thì họ cũng được hưởng theo chế độ là 100%. Cho nên công ty không thực hiện đúng điều đó thì họ đình công.
Đáng lý Công Đoàn đứng về phía người công nhân thì công đoàn thường thường họ ăn lương của giới chủ, nếu như là ở công ty của ngoại quốc, còn ở trong công ty nhà nước thì họ (công đoàn) cũng kết thành một bộ sậu của ban lãnh đạo của mình. Thành ra họ không đứng về phía người công nhân khi tranh đâú.
Thiện Giao: Tức là ý ông muốn nói rằng công đoàn thực sự không đứng ra đại diện cho quyền lợi của người công nhân?
Nhà báo Văn Lang: Thì cái nguyên tắc của công đoàn là gì? Công đoàn là do công nhân bầu ra và họ phải hưởng đồng tiền tức công đoàn phí do người công nhân đóng, tức là do người công nhân nuôi thì họ phải làm việc cho người công nhân, thành ra họ cũng có một ít vai trò trung gian, nhưng họ không tích cực tranh đấu cho người công nhân. Tại vì thực ra có một điều rất là nghịch là nếu công đoàn mà lộn xộn thì giới chủ có quyền sa thải người của công đoàn.
Thiện Giao: Điều anh vừa trình bày là một hiện tượng phổ biến hay chỉ xảy ra trong vài công ty vừa có đình công cách đây vài hôm?
Nhà báo Văn Lang: Vấn đề luật pháp ở Việt Nam thì nó đều chưa có hoàn hảo, tức chính vì vậy mà đời sống của công nhân có nhiêug bức xúc.
Thiện Giao: Nhà báo Hoàng Hải thì nói rằng, tại Việt Nam, chưa có cuộc đình công nào mà do công đoàn đứng ra tổ chức cả. Trao đổi với chúng tôi, về vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi của người công nhân không, anh cho biết?
Nhà báo Hoàng Hải: Trong những lần trước mà bảo vệ công nhân ở bên khu vực Bình Dương thì tôi nói là ở Việt Nam chưa có một cuộc đình công nào do Công Đoàn tổ chức cả. Bản thân người cán bộ công đoàn, một số họ là công chức nhà nước, họ ăn lương công chức, sau đó họ xuống doạnh nghiệp họ ăn lương doanh nghiệp.
Và bây giờ một số doanh nghiệp ở nước ngoài vào thì cũng co đưa công đoàn vào, mà công đoàn do họ tổ chức, họ đưa ra, thì tôi thấy công đoàn vẫn còn là công đoàn cuội. Hày nghĩ coi, họ ăn cây nào rào cây nấy, cho nên hầu hết các cuộc đình công của công nhân đều không do công đoàn tổ chức.
Thiện Giao: Chúng tôi xin kết thúc bài tường thuật này bằng các ý kiến của nhà báo Văn Lang. Đó là luật pháp Việt Nam không theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế, sự thiếu hiểu biết về quyền của người lao động, sự thiếu vắng nền tảng pháp luật, thiếu luật sư am hiểu, khiến sinh ra nhiều bất cập.