Việt Nam khó được gia nhập WTO trước hội nghị APEC

Việt Nam khó có thể gia nhập WTO trước ngày khai mạc hội nghị APEC tại Hà Nội tháng 11 tới đây.

WTOBusiness200.jpg
Việt Nam vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn trên con đường hội nhập sân chơi quốc tế. AFP PHOTO.

Phòng thương mại Mỹ đưa ra nhận xét có nhiều khả năng Việt Nam khó đạt được các thỏa thuận đa phương trong các vấn đề như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tất cả 149 thành viên của WTO. Điều này sẽ gây chậm trễ cho Việt Nam trong việc gia nhập tổ chức này.

Một yếu tố khác gây khó khăn cho Việt Nam là hồi tuần trước Hạ Viện Mỹ đã không tiến hành bỏ phiếu về việc thông qua quy chế PNTR mặc dù những các nhà lãnh đạo Thượng Viện cho biết sẽ thúc đẩy việc đạt được thỏa thuận sau cuộc bầu cử Quốc Hội diễn ra vào ngày 7 tháng 11 tới đây.

Hà Nội tiếp tục nuôi hy vọng

Phía Việt Nam cho biết hiện vẫn còn hy vọng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới trước hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng Mười Một tới.

Nguồn tin từ bộ Thương mại Việt Nam cho biết kế hoạch đàm phán đa phương cho Việt Nam gia nhập WTO sẽ còn 2 phiên trong tháng Mười, vào ngày mùng 9 và một phiên chót vào ngày 25.

Cho tới nay, các nước vẫn còn đưa ra các yêu cầu mới và đòi hỏi Việt Nam đáp ứng một số yêu cầu cũ. Đoàn Việt Nam do thứ trưởng Thương mại Lương văn Tự lãnh đạo mới trở về từ Genève và mang theo các yêu cầu đó để chính phủ nghiên cứu, trước khi sang đàm phán phiên đa phương kế tiếp vào mùng 9 tháng Mười.

Nếu phiên đó thuận lợi thì phiên tiếp theo vào ngày 25 tháng Mười sẽ rà soát lại các thủ tục lần cuối cùng trước khi Việt Nam được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Sau đó Quốc hội Việt Nam sẽ thảo luận và phê chuẩn việc gia nhập WTO trước ngày hội nghị APEC khai diễn vào trung tuần tháng Mười Một tại Hà Nội.

Trong khi đó theo dự kiến thì Quốc Hội Việt Nam sẽ thông qua một đạo luật cuối cùng về WTO cho các doanh nghiệp Việt Nam trong tháng 11 năm nay. Điều này cho thấy Việt Nam rất quyết tâm trong việc hội nhập với cộng đồng thế giới thông qua việc gia nhập vào tổ chức WTO.