Nhận định của các chuyên gia kinh tế về việc Việt Nam gia nhập WTO

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Ngày 7 tháng 11 năm 2006 đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập của Việt Nam. Đó là nay trong danh sách các thành viên Tổ Chức Mậu dịch Thế Giới WTO có tên Việt Nam, thành viên thứ 150.

Nhân dịp này, Gia Minh hỏi ý kiến hai chuyên gia kinh tế. Người thứ nhất là Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cố vấn cao cấp của Bộ Kế họch & Đầu Tư và người thứ hai là tiến sĩ Phan Minh Ngọc, thuộc Đại học Kyushu Nhật Bản. Mời quí vị theo dõi.

LeDangDoanh150.jpg

Những phần việc còn lại

Quá trình đàm phán hơn 11 năm qua để có thể gia nhập Tổ chức Mậu Dịch Thế Giới WTO được đánh giá là một nổ lực của chính phủ Việt Nam. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh đến lúc này mọi việc thương thảo đã hoàn tất và ông cho biết họat động hiện nay của phía chính phủ Việt Nam:

“Việc đàm phán đã hòan tất. Hiện có một phái đòan cao cấp của Việt Nam đang ở Geneve để tham dự lễ gia nhập WTO. Sau khi gia nhập thì có lộ trình thực hiện các cam kết, và đây là công việc của chính phủ, doanh nghiệp và toàn dân.”

Điều nhiều người trong nước, nhất là doanh giới, đang mong đợi đó là những cam kết mà chính phủ Việt Nam đã cam kết với các đối tác thương mại khác. Chính thủ tướng Việt Nam vừa qua ra chỉ thị đến ngày 15 tháng 11 này các cam kết phải được công khai. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh giải thích lý do cần phải có thời gian và tin tưởng của ông về thời điểm công bố:

“Bản tiếng Anh thì có rồi, còn bản tiếng Việt thì phải có thời gian dịch. Tôi tin vào ngày 15/11 sẽ có.”

Nhiều ý kiến cho rằng khi vào WTO, ngành nông nghiệp gặp nhiều thách thức nhất, đối với vấn đề này, ông Lê Đăng Doanh có nhận xét:

“Sản phẩm nông nghiệp có mặt hàng đủ sức cạnh tranh nhưng có những mặt hàng còn yếu; do đó phải có sắp xếp tổ chức lại.”

Còn đối với các giới khác, ông có ý kiến: "Doanh giới phải làm sao để có thể cạnh tranh, nay là ngay trên sân nhà."

Bản thân là người theo dõi các vấn đề kinh tế vĩ mô trong nứoc, tiến sĩ Lê Đăng Doanh có lời khuyên vào lúc này: "Nay ai cũng hồ hởi. Giới trẻ là những người được hưởng lợi nhất, tôi mong doanh nhân và thế hệ trẻ hết sức học hỏi, hướng tới một thị trường rộng mở, nắm bắt các cơ hội vươn lên để Việt Nam trở thành một nuớc văn minh hiện đại. Nên tránh làm theo cách cũ."

Nhận định của trí thức Việt kiều

Tiến sĩ Phan Minh Ngọc thuộc đại học Kyushu Nhật Bản có đánh giá về phía Việt Nam trong nỗ lực gia nhập WTO: "Có lẽ VN đã làm hết khả năng, dù kết quả chưa thể thỏa mãn. Dù kiến thức của các quan chức về WTO hạn hẹp mà họ làm đuợc đến nay là nỗ lực lắm rồi. Có sự tư vấn của các tổ chức quốc tế nên phần nào cũng có ích cho quá trình đàm phán."

Tuy nhiên cũng có hạn chế: "Một ví dụ là việc VN đòi kiện thép Trung Quốc, rồi muốn áp đặt thuế suất khẩu lên than đá; những điều đó chứng tỏ họ chưa biết rõ về qui định của WTO."

Ông cũng nêu ra những thách thức trong thời hậu WTO: "Có bốn thách thức, như là việc chống bán phá giá. Trong trường hợp này họ cần có biện pháp để tránh."

Nhiều ý kiến đều cho rằng vào WTO đều có mặt lợi và những thách thức. Vấn đề là làm sao Việt Nam có thể khai thác yếu tố thuận lợi và biết khắc phục mọi khó khăn và từ đó vươn lên như điều mà tiến sĩ Lê Đăng Doanh gửi gấm nơi thế hệ trẻ Việt Nam.