Tình trạng đình công tại Việt Nam ngày càng gia tăng với qui mô lớn


2006.01.04

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Trong thời gian gần đây, những cuộc đình công tại Việt Nam, nhất là từ những công nhân làm việc tại các công ty có vốn đầu tư nước ngòai, xem chừng như ngày càng gia tăng. Thanh Quang tìm hiểu về diễn biến này và trình bày hầu quý thính giả như sau:

Nói chung những vụ đình công bắt nguồn từ mức lương tối thiểu của giới công nhân quá thấp, trong khi môi trường, điều kiện làm việc của họ tồi tệ. Đó là chưa kể chế độ ăn uống và sự chăm chóc y tế dành cho công nhân, nếu có, cũng dưới tiêu chuẩn có thể chấp nhận được.

textile2_200.jpg
Công nhân Việt Nam làm việc ở một xưởng sản xuất quần áo thể thao cho hãng Nike ở TP. HCM. Photo AFP

Một viên chức cao cấp thuộc Liên đoàn Lao động ở Sài Gòn cảnh báo rằng kể từ cuối năm ngoái, các vụ đình công xảy ra theo tốc độ mà ông gọi là “dồn dập”, nhất là trong số các công nhân ngành dệt may và giày da.

Được biết, các vụ đình công mới đây nhất – tức hôm thứ Ba vừa rồi - đã quy tụ tới hàng chục ngàn công nhân, diễn ra tại Khu chế xuất Linh Trung ở Sài Gòn và Khu chế xuất Sóng Thần tại Bình Dương.

Trước đó, vào khoảng cuối tháng 12 vừa qua, những nguồn tin trong nước cho biết đã có gần 18 ngàn công nhân tham gia đình công tại Khu chế xuất Freetrend ở Thủ Đức, yêu cầu được điều chỉnh nâng lương theo như kế họach mà giới chủ nhân từng cam kết nhưng không thực hiện.

Vào tháng 11 năm ngóai, khoảng một ngàn công nhân thuộc Công ty giày Rieker tại Khu chế xuất Điện Nam, Điện Ngọc ở tỉnh Quảng Nam cũng đã đồng loạt đình công vì họ bị trả lương quá thấp, lại làm việc trong môi trường không thích hợp. Nhưng được biết số công nhân bị chèn ép này sau đó đã bị giới chủ nhân sa thải.

Giải pháp?

Trước làn sóng đình công ngày càng tăng, giới hữu trách thành phố HCM cùng các ban, ngành liên hệ đã họp khẩn để ứng phó. Họ kiến nghị chính phủ sớm ban hành quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu cho giới công nhân.

Theo đại diện của Liên đòan lao động TPHCM, nếu chính phủ chập trễ trong vấn đề này, làn sóng đình công sẽ tiếp diễn, và có thể lây lan nhanh chóng.

Cuối ngày hôm qua, ông chủ tịch Liên đoàn Lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh công bố lời kêu gọi công nhân tại những doanh nghiệp có đầu tư FDI hãy giữ bình tĩnh.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Lời kêu gọi của ông Nguyễn Huy Cận còn nhấn mạnh là bức xúc của công nhân đòi tăng lương tối thiểu cho phù hợp mức giá sinh hoạt là chính đáng, nhưng cần phải chờ Thủ tướng chính phủ xem xét.

Tin từ Việt nam cho hay, hôm qua, sau khi công nhân hai công ty Freetrend và Kolland ở Thủ Đức đình công đòi tăng lương, thì đã có 6 cuộc đình công khác cũng nổ ra với tổng cộng trên 12 ngàn công nhân tham gia.

Công ty Latek đồng ý điều chỉnh mức lương khởi điểm, song không nói rõ là bao nhiêu. Công ty Chutek cũng hứa tạm thời cấp mỗi công nhân 80 ngàn một tháng. Phía công nhân cho là những nhượng bộ đó không đáp ứng được nhu cầu và công sức của họ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.