Ngành cà phê xuất khẩu Việt Nam tìm phương thức bán hàng mới

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

‘Cũ người mới ta’ các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang tập sự đưa hạt cà phê lên mạng, buôn bán bằng future contracts tức hợp đồng tương lai, để giảm bớt rủi ro trong kinh doanh. Phải chăng đây là một công cụ tài chánh tốt giúp phát triển bền vững ngành cà phê VN. Nam Nguyên tường trình:

Cách đây vài năm các doanh nghiệp cà phê Việt Nam đều xuất hàng qua phương thức truyền thống, ký hợp đồng bán cho khách hàng, nhưng giá cả thực tế chỉ được hai bên ấn định vào thời điểm giao hàng.

coffee200.jpg
Ngành cà phê xuất khẩu Việt Nam tiếp tục tìm kiếm hướng ra trong thời buổi cạnh tranh và hội nhập. AFP PHOTO

Người trong nghề gọi là hợp đồng chốt giá sau, trừ lùi một khoản chênh lệch so với giá ở thị trường Luân Đôn vào thời điểm giao hàng. Thông thường là trừ 70 tới 100 đô la một tấn đối với cà phê vối robusta.

Với cách thức này doanh nghiệp có thể trúng lớn và cũng có thể lỗ nặng, tuỳ theo giá thị trường thế giới lên hay xuống ở thời điểm giao hàng.

Công cụ tài chánh phòng ngừa rủi ro

Từ năm 2004, chính phủ chỉ định ngân hàng cổ phần kỹ thương Techcombank hợp tác với chuyên gia Singapore và hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam Vicofa, để thực hiện chương trình sử dụng công cụ tài chánh phòng ngừa rủi ro. Các bên đã huấn luyện cho doanh nghiệp, và tổ chức thí điểm đưa cà phê VN tham gia sàn giao dịch hàng hoá Luân Đôn.

Một doanh nhân cà phê ở Buôn Ma Thuột khái lược về hoạt động này: "Hiện nay vừa tham gia thị trường hàng thật vừa tham gia thị trường hàng future, các doanh nghiệp tham gia trên hai thị trường. Xuất theo giá trừ lùi cũng có, giao ngay cũng có mà future (hợp đồng tương lai) cũng có. Áp dụng cái này là chủ yếu để phòng chống rủi ro, giả thử mua hàng thật nhưng giá xuống thì bán trên kia (hợp đồng tương lai trên mạng giao dịch)."

Hợp đồng tương lai

Như quí vị vừa nghe nhà xuất khẩu nói về dạng future contract, tạm dịch là hợp đồng tương lai, đưa cà phê lên mạng điện tử của Sàn Giao Dịch Luân Đôn.

Theo định nghĩa chung thì, hợp đồng tương lai là thoả thuận về việc mua hay bán một lượng hàng hoá nào đó, tại một ngày xác định trong tương lai với mức giá được hai bên xác định ngay khi ký hợp đồng.

Trong một ý nghĩa nào đó có thể xem đây là buôn bán ảo trên mạng, buôn bán mà không thực sự có hàng hoá. Dân buôn cà phê Tây Nguyên thì gọi là buôn cà phê giấy. Doanh nghiệp muốn giao dịch hợp đồng tương lai với nhiều thứ liên quan như quyền chọn mua, chọn bán để tham gia Trung Tâm Giao Dịch Luân Đôn, hay bất cứ sàn giao dịch nào khác trên thế giới, đều phải cử người phụ trách đi tập huấn vì đây là kiến thức ngoại thương thời @ cũng khá phức tạp. Doanh nhân cà phê ở Đắc Lắc nhận định: "Có ích lợi nhiều vì khi tham gia thị trường kỳ hạn , thị trường VN vận hành gần hơn thị trường thế giới. Tới nay Vicofa đã mở được vài lớp tập huấn cho doanh nghiệp."

Hợp đồng tương lai giúp ích gì để doanh nghiệp phòng chống rủi ro. Một thí dụ được tờ Kinh Tế Thời Báo đưa ra, ngay khi doanh nghiệp ký bán một lượng cà phê thực sự, với thời hạn giao hàng sau ba tháng và giá sẽ chốt ở thời điểm giao hàng.

Để phòng ngừa rủi ro, doanh nghiệp ngay lúc đó ký bán một lượng cà phê cùng khối lượng tương tự thông qua trung tâm giao dịch Luân Đôn với kỳ hạn ba tháng. Đây chính là một hợp đồng tương lai. Ở hợp đồng sau này giá đã xác định trứơc, nên dù ba tháng sau thị trường xuống giá doanh nghiệp vẫn có lời để bù lại phần lỗ của hợp đồng xuất hàng thực.

Áp dụng vào thực tế Việt Nam

Nói đơn giản vậy, nhưng thực ra doanh nghiệp phải nhanh nhậy sử dụng quyền chọn mua chọn bán đúng lúc thì mới có hiệu quả. Ông Đoàn Triệu Nhạn phó chủ tịch đối ngoại hiệp hội cà phê cacao VN nhận định: "Vấn đề là quá mới mẻ, học tập chưa được nhiều chưa có kinh nghiệm nên có một số bị thua lỗ. Một số doanh nghiệp sau khi được tập huấn hàng ngày lên mạng buôn bán tưởng rằng không có gì ghê gớm khó khăn lắm."

Điểm đáng lưu ý là giao dịch hợp đồng tương lai trên mạng, có thể bị lạm dụng như kiểu kinh doanh chứng khoán. Thực tế ở Đắc Lắc có nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã lao vào buôn bán cà phê giấy (theo cách gọi của chính họ).

Trên nguyên tắc, ngân hàng trung gian chỉ mở tài khoản giao dịch hợp đồng tương lai cho pháp nhân tức là các doanh nghiệp hợp lệ, nên đã có những công ty làm trung gian thêm một lần nữa cho những cá nhân muốn lên mạng bán cà phê giấy.

Biến tướng và lạm dụng

Một chuyên gia tài chánh nói rằng, chẳng có gì đáng lo ngại, những ai không chuyên doanh cà phê muốn lao vào trò chơi trên mạng cứ để họ tham gia, nếu họ có bị vỡ nợ thì cũng chỉ là hiện tượng kinh tế thị trường loại bỏ những người không hiểu biết.

Số tiền lỗ lã do sử dụng giao dịch cà phê trên mạng như hình thức đánh bạc đã lên tới hàng triệu đô la, và tạo ra một cơn sốt ở Đắc Lắc. Những người này trong tay không có một hạt cà phê nào, và cũng chưa từng kinh doanh xuất khẩu cà phê.

Sự biến tướng này được ông Đoàn Triệu Nhạn của Vicofa nhìn nhận: "Tình trạng có thật, có một số người bị thua lỗ theo kiểu buôn bán chứng khoán, buôn cà phê trên giấy chứ cà phê thật họ không có."

Để tránh những biến tứơng và sự lạm dụng công cụ tài chánh dẫn tới đầu cơ. Ngày 24/10 Ngân Hàng Nhà Nứơc ra văn bản hứơng dẫn rằng, việc thực hiện giao dịch tương lai trên thị trường hàng hoá phải thực hiện trên cơ sở hàng hoá thực.

Theo tinh thần này, các ngân hàng làm trung gian môi giới phải có qui trình kiểm tra chứng từ, để đảm bảo giao dịch tương lai hàng hoá được thực hiện trên cơ sở hàng hoá thực. Mục đích là tránh sự lợi dụng hợp đồng tương lai để đầu cơ.

Triền vọng cho hàng nông sản VN

Trước thềm hội nhập WTO, cho tới nay Ngân Hàng Nhà Nứơc đã cấp phép tổng cộng 4 ngân hàng thương mại, được làm môi giới giao dịch hợp đồng tương lai trên thị trường hàng hoá.

Trong số này Ngân Hàng Kỹ Thương VN và Ngân Hàng Đầu tư Phát Triển VN đã thực tế mở dịch vụ cho doanh nhân buôn bán cà phê trên thị trường kỳ hạn Luân Đôn với mặt hàng cà phê robusta và thị trường New York với cà phê arabica, dù rằng ở VN lượng cà phê arabica là không đáng kể.

Trong giai đoạn hiện nay mới chỉ có một mặt hàng cà phê của VN là chính thức tham gia thị trường kỳ hạn quốc tế. Thật ra giao dịch qua hợp đồng tương lai có thể áp dụng với tất cả các hàng hoá khác như gạo, đường, cao su ngay cả dầu thô nữa.

Thực hiện được điều này và vận dụng có hiệu quả, doanh nghiệp không bị rủi ro không ép giá nông dân và đôi bên đều có lợi. Khi ấy nông sản Việt Nam sẽ bứơc vào ngôi chợ chung của thế giới, thay vì chỉ chạy vòng ngoài lệ thuộc vào tất cả mọi biến động không lường trước.