Ngành giáo dục Việt Nam vẫn còn tụt hậu so với nước ngoài


2005.04.28

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia, viên chức các nguồn tin trong nước bày tỏ quan ngại về tình trạng giáo dục Việt Nam tụt hậu so với nước ngoài, dù có một số cho rằng, sau 30 năm thống nhất đất nước, lãnh vực giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu và đang từng bước vươn lên.

Chỉ khoảng 1/3 học sinh Việt nam hiện nay biết xài máy điện toán. AFP PHOTO

Cách đây không lâu, tại buổi thảo luận của các đại biểu Quốc hội chuyên trách về Luật giáo dục sửa đổi, được biết đại biểu Nguyễn Lân Dũng đã bày tỏ quan ngại về hiện tình giáo dục Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng giáo dục Việt Nam đang trong tình trạng mà ông gọi là “lạc điệu” so với thế giới, từ chương trình cho tới phương pháp giảng dạy.

Nặng về lý thuyết

Ông lưu ý rằng hệ thống chương trình quá nặng về lý thuyết, khiến học sinh – theo lời ông – “học ngày học đêm, quên tuổi trẻ mà chất lượng thì vẫn thấp”. Vị dân biểu này quy trách cho Bộ GD & ĐT về tình trạng “lạc điệu” giáo dục Việt Nam.

Trong thời gian gần đây có nhiều ý kiến đề cập tới chất lượng giáo dục Việt Nam, nói chung cho rằng chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở bậc đại học, còn thấp, phương pháp giảng dạy lạc hậu lại chậm đổi mới, cách truyền thụ kiến thức trong nhà trường có khuynh hướng nặng về lý thuật, một chiều trong khi nhẹ về thực hành và thiếu sự phát huy tinh thần tự học cùng tính sáng tạo của học sinh, sinh viên.

Một nhà giáo dục ở Saigòn nhận xét: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Tình trạng “hổng kiến thức”

Những yếu tố bất lợi khác cũng góp phần làm trì chậm nền giáo dục Việt Nam, kể cả tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, nạn dạy thêm, học thêm tràn lan, nạn văn bằng, chứng chỉ giả, hiện tượng học giả bằng thật, và thời gian gần đây xuất hiện tình trạng gọi là “đủ các chiêu trong gian lận tuyển sinh đại học như thi thuê, làm giấy báo trúng tuyển giả, giấy chứng nhận điểm giả…

Có ý kiến trong nước cho rằng “dù muốn hay không, hiện trạng của nền giáo dục ở ta chắc chắn đã phạm phải những sai sót”; mục tiêu học tập chính của hầu hết học sinh phổ thông Việt Nam hiện giờ là nhằm thi đậu vào đại học, trong khi, vẫn theo ý kiến này, nguyện vọng của giáo viên muốn “bán tri thức” đề tăng thu nhập, tạo nên dòng thác gọi là “nhà nhà đua nhau vào đại học, người người đua nhau kiếm bằng cấp”, khiến dẫn đến “bằng thật, chất lượng giả”, “học hàm học vị cao nhưng kiến thức rỗng”.

Bạn nghĩ gì về tình hình giáo dục Việt Nam hiện nay? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Nhiều người quan tâm tới giáo dục nước nhà hiện băn khoan về tình trạng họ gọi là “hổng kiến thức, đặc biệt là kiến thức xã hội của một số học sinh”, sinh viên Việt Nam hiện nay, hay nói chung, “hổng kiến thức xã hội trong thế hệ trẻ hiện nay”.

Số người này chỉ trích phương cách gọi là “nuôi gà nòi” chỉ làm xấu thêm tình trạng “hổng kiến thức” đó. Được biết mỗi năm, các đoàn học sinh giỏi Việt Nam đạt được huy chương ở các giải quốc tế, nhưng đó chỉ là những “con gà nòi” được huấn luyện đặt biệt để “thắng độ”, không phản ảnh chất lượng và trí tuệ của hàng triệu học sinh, sinh viên Việt Nam.

Giáo viên bị nhiều áp lực

Trong khi nhiều học sinh, sinh viên lâm vào tình trạng “hổng kiến thức xã hội” vì chương trình đào tạo hướng các em chú trọng tới học thuật mà thiếu hoà nhập cộng đồng, thì đội ngũ giảng dạy bị nhiều áp lực, không có đủ thời giờ hay điều kiện cập nhật kiến thức, tiếp cận thực tiễn, khiến công tác nghiên cứu khoa học của họ bị hạn chế.

Điều này đang ảnh hưởng tới việc nhà trường cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao cho phù hợp với đà phát triển kinh tế thị trường và kỹ thuật hiện đại.

Khoảng cuối năm ngoái, viên chức từng nắm giữ chức Bộ trưởng Giáo dục và Đào Tạo, bà Nguyễn Thị Bình, có đề cập tới việc “Chấn hưng giáo dục: Bắt đầu từ ngưồi thầy”. Nhân dịp này bà than phiền về những tiêu cực xã hội đã và đang lan tràn vào nhà trường, khiến một “ số giáo viên bị sa sút phẩm chất, chạy theo đồng tiền, không thấy rõ trách nhiệm của mình…”

Một số giáo viên bị sa sút phẩm chất, chạy theo đồng tiền, không thấy rõ trách nhiệm của mình…

Nhưng có lẽ một sự thật khá phủ phàng – ít được quan tâm hay có nỗ lực giải quyết – là vấn đề đồng lương của nghề “bán cháo phổi” quá thấp khiến ảnh hưởng tới chức năng và công tác giảng dạy của người thầy.

Lương giáo viên thấp

Giới hữu trách hay đổ lỗi cho ngân sách giáo dục eo hẹp khiến ảnh hưởng tới lương bổng giáo viên, trong khi không thấy ra sức cải thiện bộ máy gián tiếp của ngành giáo dục – tức bộ máy quản lý giáo dục – lâu nay quá cồng kềnh, kém hiệu năng mà lại tiêu thụ một lượng lương bổng, phụ cấp chức vụ… đáng kể.

Các cơ sở trung gian đông nhân viên như phòng giáo dục quận, huyện, cùng quá nhiều chức sắc đủ lọai như thanh tra toàn diện, thanh tra chuyên đề, thanh tra định kỳ, thanh tra đột xuất…đã góp phần làm đồng lương giáo viên mãi ở mức “ba cọc ba đồng”.

Dĩ nhiên không phải vì thế mà người thầy để mất nhân cách, nhưng đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy của giáo viên.

"Phải nhìn thẳng vào sự lạc hậu"

Hồi tháng Hai vừa rồi, giáo sư Nguyễn Văn Đạo, Viện Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Kha học và Đào tạo Đại học Quốc Gia Hà Nội đã đề nghị là “phải nhìn thẳng vào sự lạc hậu của nền giáo dục Việt Nam” so với thế giới và so với yêu cầu của đất nước và của thời đại mới.

Giáo sư Đạo nói rằng “giáo dục nước ta đang là một gánh nặng cho học sinh, cho gia đình và cho cả xã hội”, và ông nói tiếp “ Hơn bao giờ hết, bây giờ là lúc cần chấm dứt bệnh thành tích trong quản lý, bệnh gian lận trong thi cử, nạn bằng giả, học giả, phải lành mạnh hoá môi trường giáo dục”.

Sự tụt hậu của giáo dục nước ta so với thế giới đang là một thách thức lớn, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là ở bậc đại học. Năng lực của hệ thống giáo dục chưa thích ứng được yêu cầu đổi mới kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế và phát triển con người ở thế kỷ 21...

Trong thời gian gần, khi báo cáo về tình hình giáo dục, Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Việt Nam đã nhận xét rằng:

“Sự tụt hậu của giáo dục nước ta so với thế giới đang là một thách thức lớn, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là ở bậc đại học. Năng lực của hệ thống giáo dục chưa thích ứng được yêu cầu đổi mới kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế và phát triển con người ở thế kỷ 21”.

6 giải pháp để phát triển giáo dục

Trước tình trạng này, Bộ trưởng GD & ĐT Nguyễn Minh Hiển, khi báo cáo về tình hình giáo dục Việt Nam trước Quốc hội hồi trung tuần tháng 11 năm qua, đã nhìn nhận chất lượng giáo dục thấp, phương pháp giảng dạy lạc hậu, chậm đổi mới, kỹ năng thực hành và khả năng tự học của học sinh còn thấp, nạn học thêm dạy thêm, bằng cấp giả chưa được giải quyết, cơ chế quản lý giáo dục chưa thích hợp với nền kinh tế thị trường, việc quản lý nhà nước còn nặng tính quan liêu.

Và ông đã đề ra 6 giải pháp để phát triển giáo dục trong vòng 5 năm tới.

Nhưng các giải pháp mà ông Bộ trưởng Giáo dục đề ra đã không làm hài lòng nhiều người, khiến có một độc giả trong nước cho rằng “6 giải pháp phát triển giáo dục đưa ra lại quá mờ nhạt, chung chung”. Và một ý kiến khác thì nói rằng “ điều mà cử tri cả nước mong chờ nhất: những giải pháp đột phá, lại không thấy xuất hiện”.

Theo nhà giáo dục ở Saigòn vừa rồi thì một giải pháp để giúp cải thiện giáo dục Việt Nam có thể như sau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.