Ý kiến của Giáo sư Võ Tòng Xuân về cải tổ cơ chế quản lý đại học


2007.01.02

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây cho phép các trường Đại Học tại Việt Nam quyền tự trị, vừa đem đến niềm vui cho giới học thuật vì được tự do hơn trong việc giảng dạy, nhưng đối với người quản lý thì đây là một gánh nặng về kinh phí mà những trường ở vùng sâu vùng xa khó lòng gánh vác.

Mặc Lâm có bài phỏng vấn Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng trường Đại học An Giang về vấn đề này mời quý vị theo dõi.

Mặc Lâm: Thưa giáo sư khi nhận được quyết định tự trị cho Đai học giáo sư thấy có lợi cho trường hay không hay là có sự thử thách rất lớn cho trường trong tương lai về lâu về dài?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Quyết định này sẽ áp dụng cho tất cả các trường đại học thành ra chắc chắn là sắp tới đây đại học An Giang cũng sẽ nhận được. Tự trị thì mình cũng có giới hạn vì kinh phí còn lệ thuộc vào nhà nước riêng với trường An Giang thì rất khó vỉ thuộc vùng sâu vùng xa.

Riêng đối với những trường ở thành phố thì họ thu học phí cao nên họ có thể cáng đáng được còn trường của mình thì các thành phần nông dân rất nghèo nếu mình thu học phí cao để trang trải những hoạt động của trường thì sinh viên không thể nào theo học được, vì vậy nếu tự trị thì chúng tội chỉ có thể tự trị cái phương pháp đào tạo cũng như các chương trình, hoạt động trong đào tạo còn kinh phí thì vẫn phải nhờ sự tài trợ của nhà nước.

Mặc Lâm: Theo tôi được biết thì trường Đại Học An Giang chú trọng về nông nghiệp vậy thì song song với nguồn tài trợ của nhà nước thì sinh viên có phải dớng tiền không thưa giáo sư?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Sinh viên về nông nghiệp đóng học phí tương đương khoảng 100 đô la một năm, sinh viên kinh tế thì hơn một chút, còn sinh viên sư phạm thì mình đào tạo cho các trường mẫu giáo, tiểu học hoặc trung học cho tương lai thì họ không phải đóng tiền và nhà nước bao cấp hoàn toàn ngoài ra đối với sinh viên sư phạm họ còn được học bổng mỗi tháng nữa. Vì vậy chi phí của trường càng tăng thêm.

Kinh nghiệm cho thấy chi phí đào tạo cho một sinh viên mỗi năm ít nhất cũng phải 5 triệu cho tới 5 triệu rưỡi, trong khi sinh viên chỉ đóng 1 triệu rưỡi thành ra nếu không có sự tài trợ của nhà nước thì mình làm không nổi. Các trường trên Thành Phố Hồ Chí Minh họ thu phí khoảng 4 triệu.

Điều quan trọng nhất của các Đại học muốn tự trị là phải thoát khỏi cái ách quá chặt của bộ Giáo Dục và Đào Tạo bởi vì họ quản lý từ việc nhỏ đến việc lớn ngay cả cái bằng cũng phải ra Hà Nội mua về rồi viết tên của sinh viên ra trường vì vậy khi mình muốn mở một ngành học mìh thấy nó thích hợp cho địa phương mình thì cũng phải ra Hà Nội để mà chạy thế nào để mà có giấy phép của Bộ Giáo Dục, thế cho nên tốn kém rất nhiều thời giờ. Tất cả các trương đại học tại Việt Nam điều sợ, vì vậy làm cách nào để được tự chủ trong việc giảng dạy.

Mặc Lâm: Thưa giáo sư, ngoài nguồn tài trợ của nhà nước trường có được sự tài trợ nào khác của một cơ quan quốc tế hay không?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Trong việc nghiên cứu thì mình nhận được sự hợp tác của quốc tế nếu không mình cũng không làm gì được. Khi tôi còn bên Đại Học Cần Thơ thì tiền hợp tác quốc tế mỗi năm cả triệu đô la với số tiền như vậy mình mới có thể làm việc được.

Số tiền này dành để mua sắm dụng cụ cũng như chi phí để nghiên cứu. Riêng về trường An Giang thì sự hổ trợ chưa nhiều, mỗi năm chỉ hơn trăm ngàn đô la chưa thấm vào đâu cả. Tôi nghĩ là trong thời gian sắp tới sẽ khá hơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.