Gia Minh, phóng viên đài RFA

Việt Nam hôm nay chính thức trở thành hội viên thứ 150 của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO. Từ Washington, biên tập viên Gia Minh của Ðài chúng tôi có tường trình chi tiết sau đây.
Đúng 5 giờ chiều nay, giờ Việt Nam, các nước thành viên Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO sẽ giơ tay đồng ý chọn Việt Nam là thành viên thứ 150 của tổ chức.
Theo dự trù, phiên họp và cuộc bỏ phiếu của Ðại Hội Ðồng WTO chỉ kéo dài trong vòng 30 phút đồng hồ, nhưng đánh dấu một chặng đường kéo dài 11 năm mà Việt Nam đã trải qua, với biết bao nhiêu nỗ lực và quyết tâm để trở thành hội viên của tổ chức.
Trong 30 phút đồng hồ ngắn ngủi đó, Ðại Sứ Eiril Glenne, Trưởng Ban Công Tác WTO sẽ thông báo kết quả đàm phán và công bố 4 văn kiện gia nhập của Việt Nam.
Luật lệ của WTO cũng quy định tất cả các nước đã là thành viên phải đồng ý nhận nước xin làm thành viên là Việt Nam thì cuộc bỏ phiếu mới có giá trị, nhưng từ ngày được thành lập đến giờ, chuyện phản đối vào giờ chót là điều chưa hề xảy ra.
Mục tiêu quan trọng
Dựa theo những kinh nghiệm mà WTO đã trải qua, người ta có thể nói chắc chắn Việt Nam sẽ được thu nhận. Cũng vì thế, một phái đoàn Chính Phủ rất hùng hậu do Phó Thủ Tướng Kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Gia Khiêm hướng dẫn đã rời Hà Nội từ mấy ngày qua, để đến Geneva dự buổi lễ.

Theo tin tức, đoàn Việt Nam khoảng 30 người, trong đó có rất nhiều bộ trưởng và thứ trưởng.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ðài Á Châu Tự Do chúng tôi Tiến Sĩ Lê Ðăng Doanh, cố vấn cao cấp của Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch Ðầu Tư nói rằng gia nhập WTO là một trong những mục tiêu quan trọng mà Chính Phủ Việt Nam theo đuổi, những nỗ lực thực hiện cam kết với tổ chức và với các nước thành viên cũng đã và đang được nhà nước ráo riết thực hiện, nhưng đồng thời, cũng có những âu lo đang chờ đón trước mặt. Ðiển hình là các doanh nghiệp của Việt Nam phải nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Tiến Sĩ Doanh cũng nói đến sự kiện các cam kết của Việt Nam đưa ra như cắt giảm thuế, bỏ trợ cấp, mở cửa thị trường, sẽ gắn liền với lộ trình kéo dài tới 12 năm trước khi chính thức được xem xét đạt tiêu chuẩn kinh tế thị trường.
Theo Tiến sĩ Doanh, đây là khoảng thời gian mà Việt Nam có thể vượt qua, để thật sự trở thành một quốc gia có nền kinh tế như phần đông các nước thành viên WTO.
Hoa Kỳ hoan nghênh
Tại Washington, ông Murray Hiebert, Giám Ðốc Văn Phòng Ðặc Trách Ðông Nam Á của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ bày tỏ hân hoan trước tin Việt Nam đang trên đường gia nhập WTO.
Tôi có thể nói là Phòng Thương Mại Hoa Kỳ rất vui mừng trước tin Việt Nam sẽ gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO. Rất nhiều công ty Mỹ đang bỏ vốn đầu tư, trao đổi thương mại với Việt Nam đã dồn nỗ lực vận động không ngừng nghỉ cho điều này.
Sự kiện Việt Nam vào WTO sẽ tạo thêm cơ hội cho các công ty của cả hai nước, riêng với Hoa Kỳ, các công ty bảo hiểm, các ngân hàng sẽ được thuận lợi hơn để gia nhập thị trường ở Việt Nam và các công ty của Việt Nam sẽ có cơ hội mua những loại hàng kỹ thuật cao do Mỹ sản xuất.
Việt Nam vào WTO còn có nghĩa là Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu, hủy bỏ trợ cấp, bảo vệ tác quyền, mở rộng cơ hội cho các doanh nhân, các công ty của Hoa Kỳ cũng như của Việt Nam.”
Được biết sau buổi lễ ký kết gia nhập, cuối tháng này Quốc Hội Việt Nam sẽ bỏ phiếu phê chuẩn các văn kiện Chính Phủ đã ký với WTO, sau đó, quyết định của Quốc Hội sẽ được thông báo cho tổ chức biết. Khoảng 30 ngày sau đó, Việt Nam sẽ chính thức trở thành hội viên.
Những điều vừa nói chỉ là vấn đề thủ tục, do đó tất cả mọi người đều có thể nói hôm nay ngày mùng 7 tháng 11 năm 2006 là ngày Việt Nam được WTO nhận làm thành viên thứ 150.
Gia Minh tường trình từ Washington DC.
Thông tin trên mạng:
- WTO | Accession status: Viet Nam
- US-Vietnam Trade Council