Dịch cúm gia cầm có thể tồn tại lâu dài tại Việt Nam

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Chính phủ Việt Nam vừa cảnh báo người dân là sẽ phải sống chung lâu dài với dịch cúm gia cầm và không loại trừ khả năng virút H5N1 lây nhiễm cho con người. Nam Nguyên trình bày thông tin này:

Nguy cơ dịch cúm gia cầm có xu hướng phát triển lâu dài trên diện rộng, được phó thủ tứơng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định tại hội nghị tổ chức hôm 12/3 tại Hà Nội. Ông cũng kêu gọi người dân Việt Nam chấp nhận tình trạng phải chung sống lâu dài với dịch.

Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức hội nghị này để tổng kết kinh nghiệm, và triển khai kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm 2007.

Cùng với cảnh báo của phó thủ tứơng Nguyễn Sinh Hùng, bộ trưởng nông nghiệp phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhận định là đến thời điểm hiện nay, không có vùng nào địa phương nào ở Việt Nam tuyệt đối an toàn về dịch và ông nhấn mạnh dịch cúm gia cầm có thể tái phát bất kỳ lúc nào ở bất cứ nơi nào.

Một người dân Hà Nội tự đưa ra lời trấn an: "Để cho dân thấy được tính chất nguy hiểm và sự lây lan của dịch cúm gia cầm, để cho dân ngừơi ta có thể bình tĩnh không mất bình tĩnh từ đó chủ động có những giải pháp cho tốt."

Về mặt chuyên môn, ông Đồng Văn Chúc, chi cục trưởng thú y Hải Dương đưa ra nhận định của mình: "Chống dịch cúm gia cầm là của cả hệ thống chính quyền và ngành chuyên môn, nhưng muốn chống dịch có hiệu quả thì phải thực hiện đồng bộ các biện pháp."

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, từ cúôi năm 2003 tới nay Việt Nam hứng chịu 5 đợt dịch cúm gia cầm làm 42 người chết, hơn 40 triệu gia cầm phải tiêu huỷ. Đợt dịch thứ 5 hiện nay khởi sự từ cuối năm 2006, đến nay đã có 90 ngàn con vịt và 12 ngàn con gà bị chết hoạc tiêu huỷ vì nhiễm virút H5N1. Tuy nhiên hơn một năm qua VN không ghi nhận có bệnh nhân bị lây nhiễm cúm H5N1.

Về tình hình đợt dịch thứ năm hiện nay, thì tổng cộng các ổ dịch đã bùng phát ở 11 tỉnh thành phố. Đầu năm 2007, miền Nam tái dịch trước ở 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sau đó dịch được khống chế và đến nay thì lại tái phát ở Vĩnh Long và Cần Thơ.

Riêng miền bắc thì dịch tái phát ngày mùng một Tết ở huyện Thanh Miện ở tỉnh Hải Dương, một ổ dịch hơn 10 ngàn con gà được phát hiện, lực lượng thú y tiêu huỷ toàn đàn và khoanh vùng chặn dịch.

Tuy nhiên ba tuần lễ sau vào ngày 10/3, có hiện tượng ngan chết hàng loạt ở một huyện khác của Hải Dương là Tứ Kỳ, khoảng 7 ngàn con ngan chết hoặc bị tiêu huỷ. Ông Đồng Văn Chúc chi cục trưởng thú y Hải Dương nói về việc này: " Chúng tôi đã gởi mẫu đi xét nghiệm nhưng chưa có kết quả cuối cùng".

Trong tuần lễ đầu tháng 3, dịch đã xảy ra cùng lúc ở Hà Tây và Hà Nội tuy chỉ là những ổ dịch nhỏ từ 500 tới 1 ngàn gia cầm. Một điểm đáng chú ý là ngành thú y báo cáo là tất cả các ổ dịch đều rơi vào các đàn vịt đàn gà chưa được tiêm phòng.

Tuy nhiên bộ trưởng Cao Đức Phát nhìn nhận là hiệu lực vắc xin đã giảm nhiều so với trứơc. Theo lời ông, năm ngoái tỷ lệ bảo hộ trong đàn gia cầm được tiêm là 67%, nghĩa là cứ 100 con tiêm phòng thì 33 con không có hiệu quả miễn dịch và có thể bị nhiễm H5N1. Kiểm tra vào Tết Đinh Hợi thì tỷ lệ bảo hộ chỉ còn 60%. Trong tình hình như thế, nhưng nhiều địa phương chỉ thực hiện tiêm phòng được khoảng một phần ba tổng đàn gia cầm.

Theo trích thuật của VietnamNet, bộ trưởng Cao Đức Phát bức xúc nói trứơc hội nghị về tình trạng gà ngủ trên cây, trâu bò thả rông trong rừng. Trâu bò nuôi ngay cạnh nhà, thậm chí người một phòng trâu bò một phòng. Mạng lưới thú y mỏng và nhiều nơi không có. Bộ trưởng NN&PTNT kể lại câu chuyện, có địa phương huy động 70 ngừơi cả ngày mới bắt được 30 con gà để tiêm phòng, vậy thì làm sao công tác chống dịch tốt được.

Đó là chưa kể tới tình trạng nguồn cung cấp vắc xin không chủ động lịch tiêm phải thay đổi vì thiếu thúôc như lời một cán bộ thú y ở đồng bằng sông Hồng cho biết: "Chúng tôi nhận được vắc xin N9 để tiêm cho đàn ngan, nhưng vắc xin cho gà thì chưa có, chắc sẽ nhận được trong thời gian ngắn."

Về vấn đề vắcxin, bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết trong tháng 3 sẽ nhập thêm 125 triệu liều vắc xin để các địa phương tiêm bổ sung.

Tại hội nghị, đại diện sở nông nghiệp phát triển nông thôn Cà Mau thừa nhận nếu dịch bùng phát là chuyện tất yếu, bởi vì Cà Mau không có mạng lưới thú y cơ sở, việc phát hiện dịch rất chậm kiểm soát dịch hết sức khó khăn, trong khi ngừơi dân nuôi vịt thả đồng phân tán với các đàn nhỏ, không có cách gì thực hiện tiêm phòng.

Về vấn đề không thể thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho các đàn gia cầm toàn quốc. Ông Hoàng Văn Năm Cục Phó Cục Thú Y giải thích: "Quy định rõ, người nuôi phải tiêm phòng, khai báo, phải nhận được vắc xin. Nhưng nhiều khi ở những trại lớn, chủ nuôi phải bỏ tiền ra, vì lý do này lý do khác đã không khai báo và không tiêm. Còn những trại nhỏ, không phải vì tiếc tiền vì được Nhà nứơc chi phí, nhưng với tư tưởng chủ quan, lại nữa đàn gia cầm nhỏ lẻ nên họ không mặn mà với việc tiêm phòng cho nên mới xảy ra dịch. Nếu trường hợp dân yêu cầu tiêm mà thú y không tiêm không có vắc xin thì đấy là trách nhiệm của chúng tôi"

Chỉ đạo tại hội nghị, phó thủ tứơng Nguyễn Sinh Hùng nói rằng, chống dịch đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính trị phải hành động quyết liệt. Theo ông, các ban chỉ đạo, các cấp uỷ, chính quyền địa phương có trách nhiệm lớn. Theo phó thủ tứơng, công tác chống dịch chỉ có hiệu quả nếu có sự hợp tác của ngừơi chăn nuôi, ngừơi kinh doanh và người tiêu dùng, Nhà nứơc chính quyền không thể chống dịch một mình.

Cả phó thủ tứơng Nguyễn Sinh Hùng và bộ trưởng Cao Đức Phát đều nói tới giải pháp lâu dài mà Việt Nam sẽ chỉ có thể từng bứơc thực hiện. Đó là thay đổi hành vi tiêu dùng của ngừơi VN, thay đổi nhận thức của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nói rõ ra là chấm dứt tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi vịt thả đồng tiến tới thực hiện chăn nuôi tập trung khép kín, kể cả giết mổ chế biến theo công nghiệp.

Một người dân Hà Nội cho rằng việc này là khó những cũng sẽ phải làm: "Muốn hay không muốn, chăn nuôi muốn phát triển và phòng chống dịch bệnh thì sẽ phải áp dụng các qui trình kỹ thuật bảo đảm an toàn. Đến lúc nào đó không còn thể làm theo cách cũ . Nhưng cái này phải từ từ nhận thức của dân phải dần dần được nâng lên thì mới giải quyết triệt để".

Một khía cạnh khác được hội nghị ngày 12/3 đề cập tới đó là nguy cơ lây nhiễm cúm H5N1 cho ngừơi. Thứ trưởng y tế Trịnh Quân Huấn nhắc tới sự kiện bên Lào đã có hai trường hợp người tử vong vì nhiễm cúm gia cầm. Ngoài ra ở các nứơc Indonesia, Trung Quốc, Ai Cập cúm H5N1 tiếp tục lây lan trên đàn gia cầm và trên người.

Theo lời thứ trưởng Huấn dự báo về một đại dịch toàn cầu vẫn còn có giá trị, điều lo ngại là vi rút H5N1 có thể đột biến và tái tạo tổ hợp thành một chủng vi rút mới có thể lây từ ngừơi sang ngừơi.