Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa xác định với Quốc Hội rằng, chính phủ đặt chỉ tiêu năm 2008 Việt Nam sẽ vượt qua ngưỡng các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp, tức là nứơc có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 905 đô la một năm. Người đứng đầu chính phủ Việt Nam hy vọng tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa GDP năm 2008 sẽ từ 8,5 tới 9%, lúc ấy GDP đầu ngừơi của Việt Nam sẽ đạt 960 đô la Mỹ mỗi năm và thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung-bình-thấp theo xếp loại của Ngân Hàng Thế Giới.

Mục tiêu này có hiện thực hay không, Nam Nguyên phỏng vấn Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Hồ Trọng Viện thuộc Viện Chính Trị Quốc Gia Thành phố HCM, trước hết ông đưa ra nhận định:
PGSTS Hồ Trọng Viện: Các nhà khoa học Việt Nam đã tính toán về các thông số và dự báo, đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu. Tuy nhiên, chỉ tiêu đó đạt được một cách hiện thực hay không còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố hiện thực khác nữa. Đó là chỉ tiêu đang phấn đấu và cũng đã có tính toán là có khả năng đạt được.
Thế và lực mới cho Việt Nam
Nam Nguyên: Thưa Giáo Sư, Việt Nam muốn vượt qua nguỡng của các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp để vào nhóm có thu nhập trung bình thấp, thì đỉều này thật ra mang ý nghĩa gì?
PGSTS Hồ Trọng Viện: Khi mà kinh tế phát triển thì nó có ý nghĩa về nhiều mặt, bởi vì nó tạo ra thế và lực mới cho Việt Nam hội nhập đầy đủ hơn vào các tổ chức trên thế giới, rồi thì là thực hiện thắng lợi đường lối kinh tế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội, và đặc biệt là giải quyết được nhiều vấn đề về mặt xã hội như là xoá đói giảm nghèo, như là phát triển hài hoà, như là công bằng xã hội, v.v. thì đều dựa vào tốc độ tăng trưởng này cả. Do đó bao giờ người ta cũng coi tăng trưởng kinh tế này là cơ sở nền tảng để giải quyết rất nhiều các vấn đề khác.
Nam Nguyên: Khi nói tới thu nhập bình quân đầu người, GDP đầu người, thì chỉ là số liệu để đánh giá nền kinh tế, nhưng sẽ phải lý giải thế nào về khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực nông thôn và thành thị có sự khác biệt quá lớn?
PGSTS Hồ Trọng Viện: Cái đó là một cái mà nước nào cũng phải chịu áp lực vì khi kinh tế tăng trương thì khoảng cách giàu nghèo càng dãn ra, cho nên Việt Nam chủ trường là vừa tìm cách để tăng trưởng cho nhân dân ngày càng giàu hơn lên, đồng thời có chính sách là hỗ trợ người nghèo để họ tạo ra điều kiện để mà thoát nghèo. Việt Nam đã thực hiện được một chính sách xoá đói giảm nghèo rất ngoạn mục được thế giới rất là hoan nghênh. Và Việt Nam năm nay cố gắng phấn đấu đưa tỷ lệ nghèo xuống còn chừng 11-12% chứ không phải 19% như trước đây nữa. Đó là một thành tựu hiện thực và được thế giới cũng như nhân dân thừa nhận.
Nam Nguyên: Các giới chức cao cấp của chính phủ mới đây có nói rằng cả cộng đồng đều có trách nhiệm đối với nông thôn để giảm khoảng cách đó đi, coi như một nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vì trên thực tế thu nhập của người nông dân, thu nhập của nhóm khu vực nông thôn, không tăng trưởng, không tăng kịp cái đà phát triển của xã hội, theo Giáo Sư thì vấn đề này ra sao ạ?
PGSTS Hồ Trọng Viện: Có thể nói đây là điều mà không một nước nào có thể giải quyết một cách triệt để vì khoảng cách giàu nghèo cứ dãn ra, bởi vì chúng ta làm sao cho đại bộ phận nhân dân giàu lên và như vậy một bộ phận sẽ vẫn giữ được cải thiện nhưng mà cải thiện chậm hơn, do đó khoảng cách giàu nghèo sẽ dãn xa ra. Không phải chỗ là mâu thuẫn giữa tầng lớp giàu và tầng lớp nghèo mà chính là xã hội đã tạo điều kiện cho một số người giàu lên nhanh hơn một bộ phận người khác. Đó là cái để dẫn đến chuyện phân hoá giàu nghèo chứ không phải dẫn đến chuyện vì lý do nào đó mà người ta cứ nghèo đi. Thực chất là một bộ phận người giàu lên nhanh hơn so với bộ phận người khác và do đó khoảng cách giàu nghèo sẽ dãn xa ra. Điều đó thì nhà nước sẽ có nhiều cái tác động nhưng không phải là nguy cơ để dẫn đến mâu thuẫn xã hội. Chiến lược phát triển quốc gia?

Nam Nguyên: Muốn thu hẹp cách biệt nông thôn - thành thị hiệu quả thì có phải điều chỉnh gì về chiến lược phát triển hay không, có phải đặt ra sự hy sinh nào hay không trong sự phát triển của Việt Nam?
PGSTS Hồ Trọng Viện: Theo cá nhân tôi thì không thấy có sự hy sinh nào cả mà vấn đề ở chỗ là nhà nước phải tạo điều kiện cho bộ phận người nghèo có thêm những thuận lợi hơn, giúp họ trên nhiều phương diện hơn để họ tự vượt lên hầu khắc phục cái nghèo của họ thôi. Chứ đồng thời nhà nước không có hạn chế chuyện những người khác giàu phải chờ đợi những người nghèo. Mà những người giàu thì chúng ta tạo điều kiện cho họ giàu hơn lên. Mà chính những người giàu hơn lên lại tạo điều kiện để kéo theo những người đang nghèo, họ sẽ được cải thiện hơn.
Cho nên nhà nước không phải hy sinh một cái gì đó để khắc phục tình trạng chênh lệch giàu nghèo, mà chính ra nhà nước tạo điều kiện để cho tất cả mọi người cùng có thể ngày càng giàu hơn lên, và trong đó những người nghèo thì được quan tâm hơn để người ta tăng được tốc độ sản xuất và thu nhập, để cho khoảng cách đó được hài hoà hơn thôi.
Nam Nguyên: Thưa Giáo Sư, có sự liên quan đến chính sách tam nông mà dường như Việt Nam không chú ý nhiều đến vấn đề này cho nên nông thôn có thể bị bỏ quên trong thời gian vừa qua hay không?
PGSTS Hồ Trọng Viện: Nhận thức đó không chính xác lắm là vì Việt Nam đã có rất nhiều nghị quyết nói về nông nghiệp đứng hàng đấu, rồi nông thôn là địa bàn trọng điểm, lấy nông nghiệp là khâu đột phá, rồi thì là công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, v.v. là rất được là chú trọng. Và chính tôi đã đi triển khai nghị quyết thì rất nhiều lần là chúng tôi đã nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp, của nông dân và nông thôn trong công nghiệp hoá.
Việt Nam hiện nay là 70% dân số sống ở nông thôn cho nên chính nông thôn là địa bàn để cho Việt nam đi lên. Nếu mà quên nông thôn, không quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn thì không thể nào Việt Nam tiến lên được.
Cho nên nếu nhận định rằng bỏ quên nông nghiệp, nông thôn thì có lẽ không được chính xác lắm. Tuy nhiên, còn nhiều cái hạn chế về điều kiện khách quan thì nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vẫn chưa đạt yêu cầu, do đó khoảng cách nông thôn và thành thị hiện nay vẫn còn tương đối khá xa. Và trong thời gian tới chắc chắn Việt Nam sẽ càng quan tâm hơn về điều đó.
Nam Nguyên: Ông Thứ trưởng Diệp Cảnh Tần (Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn) có nhận định là đầu tư của ngân sách nhà nước cho nông thôn chỉ có 10% trong tổng đầu tư toàn quốc nói chung, như thế là quá ít và ông có kêu gọi là nên có sự điều chỉnh. Ý kiến của Giáo Sư thế nào?
PGSTS Hồ Trọng Viện: Tôi cũng đồng tình với quan điểm đó. Tất nhiên cần phải tăng hơn nữa cho đầu tư của nông dân và nông thôn. Nhưng thực ra nông thôn Việt Nam hiện nay đang chiếm một địa bàn rất là rộng lớn, yêu cầu đầu tư là phải rất lớn mà GDP của Việt Nam ta lại rất là có hạn, đang phải đầu tư vào nhiều những công trình khác nữa.
Cho nên đó là bài toán đang rất khó giải quyết về vấn đề là đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nhưng thực chất là nông nghiệp, nông dân hiện nay đang quá khó khăn về những điêù kiện cơ sở hạ tầng, như là điện, như là giao thông, ngay cả những điệu kiện tinh thần, văn hoá v.v. thì cón rất là hạn hẹp. Do đó cho nên đúng thời gian tới thì chắc chắn là Việt Nam sẽ quan tâm hơn nữa về điều kiện sản xuất cũng như đời sống của nông dân nông thôn.
Nam Nguyên: Xin Giáo Sư một câu hỏi chót. Tham nhũng và lãng phí đang là quốc nạn của Việt Nam mà chính thủ tướng đã nhiều lần phải nêu lên thì có là nguyên nhân góp phần gây ra sự cách biệt giàu nghèo ở nông thôn và thành thị hay không?
PGSTS Hồ Trọng Viện: Theo tôi thì đảng và nhà nước Việt Nam rất dũng cảm, nhìn thẳng vào sự thật là tham nhũng ở Việt nam hiện nay đang là một quốc nạn và thế giới cũng cho Việt Nam là một trong những nước có tham nhũng thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Và điều này thì đảng và nhà nước Việt Nam đã hết sức kiên quyết đấu tranh để phòng chống tham nhũng và hiệu quả rất tiếc là chưa đáp ứng được điều mong muốn. Và tất nhiên đó là một trong những nguyên nhân làm hạn chế rất nhiều mặt hoạt động của kinh tế xã hội Việt Nam, trong đó có chuyện chưa làm được là chênh lệch giàu giàu nghèo ở Việt Nam cải thiện chưa được như ý.