Cô dâu Việt Nam tại Korea

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Ngày 13 tháng Năm vừa qua, một hội nghị quốc tế của các tổ chức ngoài chính phủ Châu Á đã diễn ra tại thủ đô Đài Bắc của Đài Loan. Hội nghị thảo luận để tìm hiểu về vấn đề phụ nữ di cư và nhập cư vào Đài Loan.

0:00 / 0:00
wedding_200.jpg
Đám cưới ở Việt Nam.

Nhiều vấn đề đã được nêu lên, liên quan đến vịêc phụ nữ Việt Nam đi lao động hay lấy chồng ở Đài Loan đã bị ngược đãi, xúc phạm nhân phẩm, rồi lại bị mất việc, bơ vơ nơi xứ người.

Hội nghị tìm hướng giải quyết, và chỉ đạt được một số giải pháp tạm thời, tuy nhiên cũng đã gióng lên được tiếng nói thống thiết, gợi cho dư luận Đài Loan chú ý đến hoàn cảnh thương tâm của nhiều phụ nữ Việt Nam phải xa quê huơng vì muốn lo cho gia đình, hay vì muốn tìm một cụôc sống dễ dàng hơn ở nơi xa xứ.

Việc giải quyết những vấn đề này còn tùy thuộc sự hiểu biết của chính quyền bản xứ và năng lực cùng thiện chí của những giới chức, cơ quan có trách nhiệm về phía Việt Nam, sau khi các tổ chức nhân đạo, thiện nguyện đã gắng làm hết sức mình như đã chứng tỏ trong hội nghị.

Sau những vấn đề của phụ nữ Việt ở Đài Loan như đã trình bày cùng quý vị trong nhìêu phóng sự trước đây, Thanh Trúc cũng có dịp tiếp xúc tìm hiểu về tình trạng các cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc, một xứ sở mà nam giới cũng ưa chuộng phụ nữ Việt Nam trong vai trò làm người hôn phối, chăm lo hạnh phúc gia đình.

Phụ nữ Việt Nam lập gia đình với người Hàn Quốc là đề tài của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay.

Tăng vọt một cách đáng chú ý

Góp mặt tại hội nghị quốc tế về phụ nữ Châu Á Di Cư Và Nhập Cư có bà Kim Min Jeong, cán sự xã hội người Hàn Quốc. Bà Min Jeong trình bày trong phần thuyết trình của bà là theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê Quốc Gia Nam Hàn, từ năm 2000 đến giờ, con số phụ nữ Việt lập gia đình với đàn ông Hàn Quốc tăng vọt một cách đáng chú ý.

Vẫn theo lời bà, đa số đàn ông thanh niên Hàn Quốc lấy vợ Việt Nam là cư dân ở nông thôn, có người ly dị, có người goá vợ, và hầu như không mấy kẻ thuộc vào thành phần khá giả trong xã hội.

Nói chuyện với Thanh Trúc qua điện thọai từ Trung Tâm Phúc Lợi Xã Hội ở Kyonggi, cách Seoul không bao xa, bà Kim Min Jeong cho biết phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc và theo chồng về nước tăng rất nhanh trong vòng ba năm qua:

(Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Bà nói là hồi năm ngoái, cứ trong 25 cuộc hôn nhân với người nuớc ngoài thì hết 10 lần là cô dâu từ Việt Nam tới. Năm 2000. số phụ nữ Việt lấy chồng Hàn chỉ vào khỏang bốn năm trăm, nhưng đến năm 2004 thì tăng thành năm ngàn cô.

Nhiều cô gái Việt Nam hãy còn rất trẻ mà chịu lập gia đình với những ông Hàn Quốc đáng tuổi cha chú của họ: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Chẳng khác nào cô dâu Việt ở Đài Loan

Bà nói hoàn cảnh của cô dâu Việt ở Hàn Quốc cũng chẳng khác nào hoàn cảnh oái oăm của cô dâu Việt ở Đài Loan. Được yêu cầu giải thích lý do, bà nói:

(Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Bạn nghĩ gì về sự kiện này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Đó là vì những công ty môi giới hôn nhân ở Hàn Quốc nối kết với hệ thống trung gian bằng nhiều hình thức lẫn nguồn cung cấp từ Việt Nam. Lại nữa, bà nói tiếp, những công ty môi giới ở Hàn Quốc thường ra sức quảng cáo là phụ nữ Việt Nam xinh đẹp, dể bảo, biết quí trọng gia đình.

Đàn ông Hàn Quốc muốn cưới vợ Việt Nam không khó, nhưng khi va chạm thực tế thì khỏang cách tuổi tác giữa chồng già vợ trẻ, rồi thì ngôn ngữ bất đồng, văn hoá dị biệt, những mâu thuẩn nẩy sinh và lớn dần lên. Bà Kim Min Jeong còn phân tích là những ông chồng Hàn Quốc ở thôn quê đi lấy vợ Việt Nam thường là người ít học, lại thêm cái định kiến bỏ tiền ra đi mua vợ về như một món hàng nên không có sự tương kính, từ đó bạo hành gia đình xảy ra mà nạn nhân là người vợ xa lạ kia.

Luật lệ Hàn Quốc

Tại Trung Tâm Phúc Lợi Xã Hội ở Kyonggi, nơi bà Kim Min Jeong làm việc, có một nhà trú ẩn cho nạn nhân của bạo hành gia đình. Sau đây là câu chuyện mới nhất về một cô dâu Việt Nam trong ngôi nhà này, từ quê nhà ở Đồng Nai theo theo ông chồng Hàn Quốc 54 tuổi về thành phố Usan được hơn một tháng.

Mời quí vị nghe phần trao đổi giữa Thanh Trúc và người này như sau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên) Qua cuộc đối thọai vừa rồi thì quí vị có thể hiểu rằng gần như không một cô dâu Việt Nam lỡ bước sa cơ nào muốn trở về nước.

Về trường hợp cô Liêm trong bài này, hy vọng ở lại Hàn Quốc để kiếm việc thật mong manh, nhất là khi cô mới theo chồng về nước chưa được hai tháng, chưa được nhập quốc tịch theo chồng. Là người chuyên trách giúp đỡ về mặt tâm lý nhưng quan trọng nhất là mặt pháp lý, bà Kim Min Jeong giải thích là theo luật lệ Hàn Quốc, một khi cô Liêm đòi ly hôn và chồng cô đồng ý thì cô không còn lý do chính đáng nào để lưu lại Hàn Quốc mà phải về nước ngay.

Huống nữa, bà nói tiếp, khi lên gặp cán sự xã hội, ông chồng 54 tuổi của cô Liêm nói là ông chấp nhận yêu cầu ly hôn của cô và sẽ mua vé máy bay cho cô trở về Việt Nam.

Không thể đổ tội cho cái nghèo

Câu hỏi mà Thanh Trúc muốn nêu lên ở đây là hà cớ gì đàn bà con gái Việt Nam thời này cứ đua nhau tìm mọi cách đi ra khỏi nước, hoặc lấy chồng, hoặc ở đợ, hoặc làm công việc nặng nhọc nơi xứ người. Vì nghèo túng, vì muốn trả hiếu cho cha mẹ, muốn bằng chị bằng em, hay là vì bị môi giới gạt gẫm.

Trong luân lý, đạo đức và tập quán gia đình của người Việt Nam, người con gái liều mình trả hiếu cho song thân và lo cho các em là điều thuờng được ca ngợi và gây lòng trắc ẩn cho xã hội.

Nhưng Thanh Trúc nghĩ là không thể đổ tội cho cái nghèo, cũng không thể viện lẽ con gái phải trả hiếu cho cha mẹ, bởi lẽ các cô không thể vì lo cho cha mẹ và các em mà làm cho gia đình phải mất đi một người con hiếu thảo, lúc các cô bị lâm vào những hoàn cảnh có thể đưa đến tuyệt mạng hay ê chề tủi nhục cả thể xác lẫn tinh thần. Thêm nữa, tuy đã từng đưa ra nhiều lời giải thích trong các lọat bài trước đây, mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi vẫn không sao lý gỉai được giấc mộng thọat đầu là gái thị thành lấy doanh gia Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, để tìm sự giàu sang, nhưng rồi lại đến hàng lọat cô gái quê sau này chịu lấy những người đàn ông con trai quê mùa ít học không phải là người mình.

Chính vì cứ liều thân mưu tìm những hạnh phúc xa xôi nên mới lâm vào cảnh bị bọn người bán rẻ lương tâm lường gạt, trong khi chính quyền cũng bất lực hay chưa có được biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa và cứu vớt người phụ nữ nước Việt truớc những hoàn cảnh này.

Giải pháp toàn diện

Một giải pháp toàn diện liên quan đến xã hội, kinh tế, văn hoá, là điều còn cần khá nhiều thời gian để cho các giới hữu quan biết lưu tâm và sau đó mới bắt đầu thực hiện có hiệu quả.

Trong lúc đó thì việc đầu tiên chị em phải làm là đừng trở thành những nạn nhân tự nguyện của tệ nạn mà Hội Nghị Quốc Tế Về Vấn Đề Phụ Nữ Di Cư Và Nhập Cư ở Đài Loan gọi là nạn buôn người thời hiện đại.

Các gia đình cũng cần tìm phương cách khác để thoát khỏi tình cảnh thiếu thốn, không để cho những đứa con gái yêu lấy chồng xa xứ qua sự môi giới không đáng tin cậy của nhiều công ty, tổ chức chỉ biết lấy lợi nhuận làm mục tiêu hoạt động. Mục Đời Sống người Việt Khắp Nơi đến đây tạm ngưng. Thanh Trúc sẽ trở lại đề tài cô dâu Việt ở Hàn Quốc với nhiều khía cạnh cạnh khác trong những chương trình tới.