Người Việt trên vùng Biển Hồ của xứ Chùa Tháp

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Trong mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tuần trước, quí vị đã cùng Thanh Trúc trải qua một ngày với dân chài Việt Nam trên bờ Tonlesap đục ngầu chảy qua thủ đô Phnom Penh của Xứ Chùa Tháp.

0:00 / 0:00
VietnameseCambodia200.jpg
Hình ảnh người Việt trên Biển Hồ ở Cambodia. RFA PHOTO/Thanh Truc.>> Xem hình lớn hơn

Hôm nay, chúng ta đi tới thành phố cổ kính Seam Reap, nơi có khu đền cổ Angkot Thôm Angkor Wat nổi tiếng, được coi là kỳ tích và di sản của thế giới. Biển Hồ mằm cách trung tâm Seam Reap 18 kilômét. Đây là một cái hồ rộng như biển, do nước từ thượng nguồn giòng Mekong đổ về rồi tụ lại đó.

Nói đến Biển Hồ là nói đến cảnh đất trời bao la, sóng nước chập chùng, bờ xa tít tắp bên kia không thể nhìn được bờ bến bên này. Nhiều chục năm nay, cùng với dân chài bản xứ, dân chài Việt Nam trôi dạt đến Biển Hồ, quần tụ thành một làng chài ven bờ. Mời quí vị đi thăm và trải qua một ngày với người Việt trên sông nước Biển Hồ, xem có khá hơn đời sống người Việt trên sông nước Tonlesap ở Phnom Penh không.

Cuộc sống lam lũ

Sau bốn tiếng đồng hồ chạy xe từ Phnom Penh đến Seam Reap, bây giờ quí vị cùng Thanh Trúc tiến vào Phnum Krom, còn gọi là Núi Dưới, tiếp giáp với Biển Hồ bằng một con lạch rộng. Đó là nơi trên bến dưới thuyền, lúc nào cũng thoang thoảng cái mùi tanh nồng của cá khô, mùi hăng hắc của dầu máy.

Trước khi vào tới bến giang đầu này, hẳn quí vị cũng đã thấy dọc hai bên đường là những nhà chòi lá ọp ẹp, nơi cư ngụ của một số cư dân Việt trên bờ. Nhà nào nhà nấy cửa nẻo trống trơn, không bóng người lai vãng. Ban ngày ai nấy đi làm hết, hoặc dưới Biển Hồ hoặc trên Seam Reap. Họ là dân lao động, đổ mồ hôi lấy bát cơm trên mãnh đất lam lũ này.

VietnameseCambodia200b.jpg

Như một vài du khách Tây Phương đến đây vì hiếu kỳ, quí vị phải trả giá kỹ lưỡng trước khi bước xuống một chiếc tắc rán, men theo con lạch ra Biển Hồ. Phần lớn chủ ghe và tài công là người Kampuchia. Giá mỗi chuyến từ cái bến đó dơ bẩn này ra Biển Hồ to rộng ngoài kia là 12 mỹ kim.

Chúng ta sẽ đi qua một vùng nước ao tù, vàng chạch bóng loáng vì xăng nhớt, rác rến, chất phế thải của người và vật đổ xuống. Người ta rửa cá để phơi khô từ nước của bến này, trẻ con bơi lội tắm rửa trong giòng nước đục ngầu hôi hám này, người lớn từ trên xuồng vốc nước này lên rửa ráy mặt mũi tay chân.

Xem ra giòng Tonlesap ở Phnom Penh, đã nhiễm bẩn lắm rồi, mà còn đỡ hơn nước ở con lạch dẫn ra Biển Hồ, nơi khoảng năm sáu trăm dân chài Việt sinh sống trên những bè cá hai bờ.

Đây rồi có mấy phụ nữ chèo những chiếc ghe nhỏ. Có lẽ sợ nắng táp nên ai nấy choàng khăn kín mít chỉ chừa đô mắt, thế nhưng những chiếc nón lá kia thì không lẫn vào đâu được.

Bây giờ mời quí vị bước qua chiếc bè của một gia đình Việt Nam khác. Có lẽ đây là một gia đình đông con.

Trẻ em Việt Nam

Quí vị thấy có phải người lớn người già ở ở Biển Hồ hể mở miệng ra là than cực than khổ không? Vậy còn người trẻ thì sao? Để Thanh Trúc hỏi chuyện hai thiếu nữ này xem nhé: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

VietnameseCambodia200c.jpg
Hình ảnh người Việt trên Biển Hồ ở Cambodia. RFA PHOTO/Thanh Truc.>> Xem hình lớn hơn

Và anh thanh niên niên tên Tâm, 28 tuổi: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Thì ra cũng có một số người trẻ trên Biển Hồ không theo nghề sông nước. Chiếc tắc rán đang đưa Thanh Trúc cập vào một cái bè có mang bảng hiệu tiếng Kampuchia và tiếng Việt Nam đàng kia: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Như Thanh Trúc đã thưa trước, Biển Hồ có nhiều hộ dân chài quay bè để nuôi cá sấu. Cá sấu Biển Hồ được tiếng là thịt thơm và ngọt. Có cả một nhà hàng nỗi nuôi cá sáu cho khách coi. Từ cái hầm lộ thiên bên dưới, những con cá sấu sần sùi xanh xám nằm phơi mình trong cái nóng oi bức, đưa bộ răng lởm chởm bén ngót.

Biển Hồ ngày Thanh Trúc tới không một gợn gió, sóng đưa những cụm lục bình tấp lại với nhau thành những vạt rộng. Đây đó tàu đánh cá lớn nhỏ neo lại thả câu. Cả một vùng bốc mùi tanh hôi, dù như màu nước không nổi váng bởi dầu nhớt như trong lạch, thế nhưng cái mùi khó thở vẫn đầy ắp trong không khí. Biển Hồ, mạch sống của dân chài Việt Nam tha hương bây giờ bị ô nhiễm trầm trọng như vậy đó. Cư dân bản xứ và người Việt sống quanh bờ thải tất cả những gì họ muốn vất bỏ xuống đó. Thiên nhiên, môi trường và hệ sinh thái của Biển Hồ đã và đang bị hủy họai. Thế mà mỗi ngày trẻ em Việt Nam lặn hụp như rái cá, uống đầy bụng thứ nước vàng chạch dơ dáy đó một cách tự nhiên.

Khu vực Núi Dưới trên vùng Biển Hồ không có điện, hộ nào khá giả thì chạy máy phát điện vài tiếng ban đêm. Như vậy Thanh Trúc phải đưa quí vị trở ra trước khi trời sụp tối.

Không đủ dầu thắp sáng

Về đến Seam Reap thì những tia nắng cuối cùng đã tắt lịm trên những đôi mắt nhìn xuống vừa như trầm mặc vừa như vô cảm của các tượng nữ thần trên tháp đến Angkor Thôm. Thành phố lên đèn khi trời vừa sụp tối.

VietnameseCambodia200d.jpg

Xe ra khỏi Seam Reap, chạy bốn tiếng nữa mới tới Phnom Penh. Ra khỏi thành phố là đi trong bóng tối. Con đường Seam Reap - Phnom Penh – Phnom Penh Seam Reap khi đêm về nhà cửa làng mạc cây cối hoàn toàn chìm khuất. Người ta chỉ nhìn thấy ánh điện khi về đến thủ đô Xứ Chùa Tháp mà thôi.

Cũng may đường không xấu lắm. Đây là đường liên tỉnh do Nhật Bản và Việt Nam xây dựng cho Kampuchia. Nhiều đọan bằng phẳng êm ả, nhiều đọan xem ra dằn xóc khá nhiều. Những trụ đèn thắp sáng con đường này là chuyện mà chính phủ Kampuchia phải làm, thế nhưng người, đất, cây cỏ, ruộng đồng nơi này cứ chờ mãi chờ mãi cái ánh sáng văn minh của con người..

Vào khi Việt Nam đã dẫn điện về tới các thôn làng quận huyện hay nhiều vùng sâu vùng xa, thì vùng quê Kampuchia ban đêm không đủ dầu thắp sáng. Xứ sở còn chậm lụt như vậy thì mong gì đời sống người Việt mình bên đó khá ra được.

Ngẫm lại, cuộc đời của đa số dân chài Việt Nam trên sông nước Biển Hồ sao mà leo lét như ánh đèn dạ quang người Kampuchia thắp trong đêm để bắt dế đem bán. Thanh Trúc chưa kể quý vị nghe dế chiên giòn là món ăn khoái khẩu đắt tiền ở Kampuchia và Thái Lan này đó.

Đến đây thì Thanh Trúc xin phép tạm biệt quí vị và sẽ trở lại tối thứ Năm tuần tới.

Theo dòng câu chuyện:

- Một ngày với người Việt trên sông nước Tonlesap ở Cambodia