Người Việt trên nước Đức (Bài 2)
2006.01.14
Minh Thùy, đặc phái viên đài RFA
Hiện nay tại Đức có trên 120.000 người Việt đang sinh sống, trong đó khoảng ¼ không có giấy tờ hợp pháp. Sự thành hình của cộng đồng này tương đối phức tạp vì người Việt đến Đức từ nhiều ngả khác nhau, và điều đáng chú ý hơn là hiện nay vẫn có những người tiếp tục rời bỏ quê hương để đến Đức sinh sống, hợp pháp cũng có mà bất hợp pháp cũng có.

Phần 1b: Một vài khuôn mặt tiêu biểu
Phái viên Minh Thuỳ của ban Việt ngữ gửi đến quý thính giả một loạt bài tìm hiểu về người Việt tại Đức. Dưới đây là bài thứ hai, nói về vài khuôn mặt tiêu biểu.
Một gương mặt thuyền nhân Việt Nam cũng là thành viên trong tổ chức Cap Anamur vừa được chính quyền và giới truyền thông Đức khen ngợi là ông Nguyễn văn Rị ở thành phố Mönchengladbach. Ông cùng gia đình vượt biên năm 1981 với đứa con gái nhỏ mới sinh được 10 ngày, được tàu Cap Anamur cứu thoát chết, cùng với 101 người khác.
Từ khi đến nước Đức, ngoài giờ làm việc, ông Rị hoạt động liên tục trong mọi công việc xã hội, từ thiện cứu giúp mọi người, kể cả những người từ Việt Nam, hay đang ở trại tị nạn viết thư riêng đến ông cầu cứu. Năm 2002 ông được Đức Giáo Hoàng Paulo đệ nhị ban tặng phẩm hàm cao quý “Pro Ecclesia et Pontifice” (Vì Giáo Hội và Giáo Hoàng), tháng 9 năm 2005 ông được nhận lãnh Bảo quốc Huân chương từ Tổng thống liên bang Đức. Ông nói khiêm tốn: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Ðến sau khi “Bức tường Berlin đổ”
Sau 30 năm đặt chân đến nước Đức, số thuyền nhân Việt Nam đạt được nhiều thành quả tốt đẹp trong học vấn cũng như vị trí trong xã hội Đức, cuộc sống ổn định. Với hai bàn tay trắng buổi đầu, họ được chính phủ Đức giúp đỡ chu đáo, được trợ cấp xã hội, bảo đảm sức khỏe, theo học miễn phí các lớp tiếng Đức hay học nghề, để tìm việc làm, hòa nhập vào xã hội Đức. Nếu bị thất nghiệp sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp tuy không nhiều nhưng tạm đủ sống, cho đến khi có việc làm mới.
Những người Việt Nam đến sau “Bức tường Berlin đổ” đa số sống ở các thành phố bên Đông Đức, không được hưởng những phúc lợi của chính phủ Tây Đức như số thuyền nhân trước đây. Họ phải chấp nhận điều luật mới “có việc làm, có gia đình và con nhỏ, không nhận trợ cấp xã hội” mới hy vọng được chấp thuận ở lại nước Đức, do đó họ phải bương chải tự lực mưu sinh.
Đa số trở thành những chủ hàng mini như chủ nhà hàng ăn, tiệm tạp hóa, cửa hàng rau quả, quần áo, cửa hàng Imbiss (bán Fast food). Tương lai không ổn định, cuộc sống căng thẳng, họ xem nước Đức như một vùng kinh tế mới để kiếm sống. Một số người tập họp thành băng đảng buôn lậu thuốc lá, tranh dành quyền lợi đưa đến việc phạm pháp, chém giết nhau vào những năm 1992-93, gây tai tiếng cho cả cộng đồng người Việt.
Cố gắng vươn lên
Tuy nhiên vẫn có những người khác đã cố gắng vươn lên, thành công vượt bậc, có cuộc sống khá giả, như chị Trịnh thị Mùi, giám đốc công ty ITC Pacific ở khu Marzahn, Berlin. Đi lao động ở Dresden từ năm 1987, chị cũng hai bàn tay trắng đến Berlin từ năm 1990, sau đó phải bương chải buôn bán nhỏ, đi bỏ mối hàng, đến nay chị trở thành giám đốc trung tâm thương nghiệp rộng 17.000 mét vuông, có 105 gian hàng, thêm một cao ốc 4 tầng có 120 phòng, sẽ thành khu vực văn phòng đại diện của các công ty lớn.
Chị cho biết nguyên nhân đã giúp chị thành công. Dù có được kết quả tốt đẹp trong kinh doanh, chị vẫn gặp khó khăn với nhà nước Việt Nam, chị nói: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Đến đây thì ở lại đây...Những người Việt Nam với những hoàn cảnh khác nhau, số phận khác nhau đã di tản đến nước Đức và ở lại đây ngày càng đông. Qua bao thăng trầm sóng gió, cuộc sống họ dần dần đi vào ổn định. Thế hệ thứ hai, con cái họ đang lớn dần, nhiều bạn trẻ đã tốt nghiệp đại học, thành danh trong mọi lãnh vực kinh tế, văn hoá, nghệ thuật, đem đến niềm hãnh diện cho cả cộng đồng người Việt.
Minh Thuỳ vừa gửi đến quý thính giả phần đầu của loạt bài về cộng đồng người VIệt tại Đức, với tựa đề, Đến đây thì ở lại đây, nói về sự hình thành của cộng đồng này.
Kỳ tới, Minh Thùy sẽ trình bày về một hiện tượng rất đáng lưu ý, là cho đến nay, vẫn có nhiều người muốn rời bỏ quê hương để sang Đức sinh sống. Con đường đi đầy gian truân của họ ra sao, và hiện nay họ sống như thế nào? mong quý thính giả đón nghe.
Những bài liên quan
- Người Việt trên nước Đức (phần 1)
- Bàn về ý kiến chủ động thu hút Việt Kiều của bà Tôn Nữ Thị Ninh
- Cơ sở chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật Sao Mai
- 4 thành phần người Việt định cư ở nước ngoài có thể lấy lại nhà trong nước
- Người Việt mang chè Việt đến thị trường Hoa Kỳ
- Đại hội sinh viên Việt Nam toàn cầu khai mạc tại Sydney, Australia
- Công an Tân Sơn Nhất không cho Mục sư Trần Đình Ái nhập cảnh vào Việt Nam
- Cộng đồng Mỹ gốc Việt với dự án xây dựng đài Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản
- Năm 2005 Việt kiều gởi về nước khoảng 4 tỷ đôla
- Xây dựng tượng đài kỷ niệm nạn nhân của các nước cộng sản chủ nghĩa
- Việt kiều về nước ăn Tết sẽ được cấp visa tại các bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng
- Phỏng vấn Dân biểu Trần Thái Văn về chuyến công tác tại Thái Lan
- Dân biểu Trần Thái Văn đến Thái Lan để vận động cho ông Lý Tống
- Biểu tình đòi nhân quyền và công bằng cho công nhân ngoại quốc tại Đài Loan
- Giới trí thức trẻ ở hải ngoại đóng góp được gì cho sự phát triển Việt Nam? (phần 3)
- Tình trạng buôn bán phụ nữ Việt Nam ở Đông Âu
- Hoa Kỳ truy tố 44 người Việt và Trung Hoa vì tội giả hôn thú
- 44 người Mỹ gốc Việt liên quan đến tổ chức đưa người nước ngoài vào Mỹ bị bắt giữ
- Dân biểu Trần Thái Văn vận động cho ông Lý Tống khỏi bị trả về Việt Nam
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 8-12-2005)