Giá xăng dầu lên xuống bất thường khiến người dân lo lắng

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Các cuộc xung đột ở những vùng có xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới khiến giá xăng dầu trồi sụt bất thường suốt những tháng qua gây bao lo lắng cho giới sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

OilFuel200.jpg
Một trạm đổ xăng ở Hà Nội hôm 4-7-2005. AFP PHOTO/HOANG DINH Nam

Tại Việt Nam, trong những ngày này, vấn đề tăng giá xăng dầu cũng là một thông tin quan trọng mà nhiều người dân, doanh giới, và cả các cơ quan chức năng đưa ra bàn bạc trong câu chuyện hằng ngày. Gia Minh trình bày vấn đề trong phần sau.

Petrolimex tăng giá thêm 2%

Các báo trong nước vào ngày thứ hai vừa qua đều loan tin Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, tên giao dịch là Petrolimex, bắt đầu từ ngày 7 tháng 8 đã cho tăng thêm 2% giá bán lẻ xăng dầu tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Những tỉnh này theo xếp loại của Việt Nam thuộc vùng hai, như các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cà Mau, Bạc Liêu.

Theo nhận định của các báo thì như vào cuối tháng tư vừa qua, nhà nước có động thái cho phép tăng giá xăng tại những tỉnh vùng biên trước khi bảng giá mới chính thức được công bố hai ngày sau đó; như vậy việc giá nhiên liệu bán lẻ tại các tỉnh vùng sâu vùng xa tăng như hiện nay báo hiệu cho một đợt tăng giá mới.

Ông Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương Việt Nam và cũng là cố vấn cao cấp của Bộ Kế hoạch Đầu tư, sau đợt tăng giá xăng dầu hồi tháng tư, có đưa ra nhận định về khả năng phải tăng giá xăng dầu ở Việt Nam.

Tuy vậy sau khi Petrolimex cho điều chỉnh tăng thêm 2% giá nhiên liệu bán lẻ tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa thì các quan chức có thẩm quyền của Việt Nam vẫn có ý kiến là chưa thể tăng giá xăng dầu trong nước vào lúc này.

Thứ trưởng Bộ Thương Mại, ông Phan Thế Ruệ, vào chiều ngày 7 tháng 8 khẳng định với báo giới trong nước là đến thời điểm này vẫn chưa có quyết định về việc tăng giá xăng dầu.

Chưa có thông tin định hướng

OilCars150.jpg

Ông Trần Văn Tá, thứ trưởng Bộ Tài Chính cũng tuyên bố trong trả lời báo chí là hiện không có bất kỳ thông tin định hướng nào của Bộ hay liên bộ. Ông còn nói rõ là nếu cần, các báo cứ đăng là ông không có ý kiến nào về vấn đề tăng giá xăng dầu ở thời điểm này.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, thuộc Bộ Thương Mại, ông Hòang Thọ Xuân, cũng cho biết là vào thời điểm này chưa có điều chỉnh; và bộ này vẫn bám sát tình hình thực tế. Còn việc tăng giá phải được hai bộ thương mại và tài chính thống nhất rồi đề xuất lên chính phủ.

Phía Petrolimex có đưa ra giải thích về biện pháp điều chỉnh tăng thêm 2% giá nhiên liệu bán lẻ tại các tỉnh vùng sâu vùng xa vào ngày 7 tháng 8 qua.

Chánh văn phòng Petrolimex, ông Vũ Thế Bằng, cho rằng trong thực tế việc điều chỉnh đã được tiến hành cách đây 3- 4 tháng theo đúng tinh thần cảu Quyết định 187/CP của chính phủ và quyết định số 0647 của Bộ Thương Mại. Một chuyên viên thuộc phòng kinh doanh của Petrolimex nói mức tăng vừa qua là nằm trong biên độ cho phép, và nay đến mức kịch trần.

Người dân lo lắng

Dù có những giải thích như thế, nhưng tâm lý của người tiêu dùng khi nghe tăng giá xăng dầu thì họ đều lo lắng. Lý do cũng đơn giản như giải thích của một người dân tại Thanh Hoá, nơi giá xăng dầu bán lẻ vừa tăng thêm 2% vào ngày đầu tuần.

Và các doanh nghiệp sản xuất hay vận chuyển cũng luôn tính đến yếu tố giá nhiên liệu xăng dầu trong hoạt động của họ. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vận chuyển Việt Nam, có ý kiến về tình hình giá nhiên liệu tăng.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam lâu nay luôn kiến nghị phải cho tăng giá bởi lẽ nếu nhà nước cứ duy trì mức giá hiện hành thì họ phải lỗ. Theo tính toán của một đầu mối kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam mà các báo trong nước trích dẫn thì theo giá xăng thành phẩm ở thị trường Singapore khi đưa về đến cảng Việt Nam thì bình quân mỗi lít xăng doanh nghiệp lỗ chừng một ngàn mốt.

Tại hội nghị của ngành tài chính diễn ra trong thời gian qua, ông thứ trưởng Trần Văn Tá đưa ra dự báo là cho đến cuối năm nhà nước phải bù lỗ từ tám đến chín ngàn tỷ đồng cho giá xăng dầu.

Trong thực tế thì lâu nay do giá xăng dầu trong nước được nhà nước bù lỗ, khiến giá trong nước rẻ hơn tại các nước láng giềng, thế nên đã xảy ra tình trạng xuất lậu xăng dầu sang biên giới. Tuy nhiên, nếu cho tăng giá xăng dầu thì lại ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Nhất là dân chúng khi thu nhập không tăng mà giá cả tăng theo giá xăng dầu thì đời sống thêm khó khăn.

Xuất khẩu nhưng lại phải nhập

Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô nhưng phải nhập các sản phẩm xăng dầu về để sử dụng do chưa có nhà máy lọc dầu. Nhiều nhà quản lý tại Việt Nam cho rằng bài toán về xăng dầu của Việt Nam sẽ được giải khi mà các nhà máy lọc dầu của Việt Nam đi vào hoạt động như Dung Quất ở Quảng Ngãi… Tuy nhiên thời điểm đó vẫn vẫn nhiều lẫn sai hẹn.

Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela, một trong số các nước quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, trong chuyến viếng thăm Việt Nam gần đây lên tiếng nhắc nhở là do không có nhà máy lọc dầu, Việt Nam đã bỏ mất hàng tỷ đô la mỗi năm.

Đối với nhiều người dân Việt những con số đó có vẻ xa vời đối với họ, trong khi giá xăng dầu tăng một hai ngàn gây bao lo lắng khi phải tính toán từng khoản chi tiêu nằm trong số lương hay thu nhập có hạn phải chi dùng từng ngày.