Vì sao sự đóng góp của người Việt hải ngoại vào trong nước còn rất hạn chế?


2005.03.20

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Nhà khoa học Bùi Trí Trọng, người Mỹ gốc Việt, chuyên gia về động cơ hỏa tiễn của NASA. Photo: Nasa.gov

Người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là giới trí thức, là nguồn lực có khả năng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, hội nhập của đất nước nhà. Tuy nhiên, sự khai thác và kết quả đóng góp của nguồn tiềm năng này vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân vì sao?

Những chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn lực khoa học và công nghệ rất quan trọng đối với đất nước trong quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế. Đó là nhận định của ông Tạ Nguyên Ngọc, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế-khoa học và công nghệ, thuộc Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, vừa được báo Tuổi Trẻ trích dẫn.

Hạn chế so với tiềm năng và nhu cầu

Ông Ngọc còn cho biết trong hầu hết các lĩnh vực khoa học-công nghệ từ điện tử, thông tin, sinh học, cho đến hàng không vũ trụ, và thậm chí là những ngành công nghệ cao mang tính cơ mật như điều hành nhà máy điện nguyên tử, chương trình nghiên cứu vũ trụ quốc gia, kỹ thuật truyền tin... đều có sự góp mặt của người Việt. Đáng chú ý là rất nhiều người Việt hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin- viễn thông.

Tuy nhiên, những đóng góp của lực lượng chất xám bên ngoài này đến nay vẫn còn rất hạn chế so với tiềm năng và nhu cầu. Theo báo Tuổi Trẻ, số trí thức người Việt ở hải ngoại về làm việc trong nước hàng năm chỉ chừng 200 lượt người (xin lưu ý từ "lượt người" vì một người có thể về nhiều lượt).

Hầu hết theo hình thức tự túc, ngắn ngày, kết hợp thăm thân nhân với công tác. Trên thực tế, có rất ít chuyên gia đầu đàn về nước mà theo lời Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế-khoa học và công nghệ thì hầu như không có trường hợp nào để lại dấu ấn rõ rệt trong một ngành, lĩnh vực, hay cơ sở nghiên cứu quan trọng nào.

Những rào cản

Giới trí thức người Việt ở nước ngoài có thể phân thành hai lớp. Một là cộng đồng người Việt hải ngoại. Hai là tầng lớp du học sinh từ trong nước ra ngoài học tập.

Những yếu tố nào ngăn trở dòng chảy của nguồn chất xám Việt quay về với cội nguồn dân tộc ?

Tầng lớp trí thức thế hệ trẻ sinh trưởng tại nước ngòai thì vì không có mối liên hệ với quê hương và người thân trong nước, hoặc vì không nói được tiếng Việt và ít hiểu biết về văn hoá nguồn cội, cho nên cũng không có nhiều động lực đóng góp cho quê cha đất tổ.

Trong khi đó, đối với những thế hệ đi trước, thì rào cản có lẽ xuất phát từ những lo lắng, e ngại về những bất cập, quan liêu, tiêu cực vẫn còn tồn tại trong nước. Đa số kỳ vọng một sự đổi mới, cởi mở hơn nữa.

Tiến sĩ Văn Quang là giảng viên môn Văn học Việt Nam, triết học Đông phương, và Việt Ngữ tại đại học Yale, một trong những đại học nổi tiếng ở Hoa kỳ, chia sẽ tâm tư của mình: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên.)

Tư duy bao cấp, lỗi thời

Chính vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế-khoa học và công nghệ, Tạ Nguyên Ngọc, cũng nhìn nhận rằng những chính sách đã ban hành đối với trí thức kiều bào còn thể hiện tư duy bao cấp, lỗi thời, chưa thật sự " chiêu hiền đãi sĩ", nên không có tác dụng thu hút và khuyến khích nguồn nhân lực dồi dào này.

Đây cũng là nguyên nhân lý giải cho tình trạng số trí thức trong nước ra ngoài du học thì có thể lên đến hàng ngàn, nhưng những người có ý định hoặc muốn quay về làm việc cho quê hương xứ sở thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Một người đã tốt nghiệp cao học và hiện đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Mỹ, cho biết cảm nghĩ: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên.)

Vụ trưởng Tạ Nguyên Ngọc đã trong cuộc phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ đã kêu gọi một chính sách đãi ngộ xứng đáng dành cho chất xám trong và ngoài nước. Theo ông, nếu được như vậy thì tiềm năng đóng góp của lực lượng này sẽ được nhân lên gấp bội.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.