Hình ảnh phụ nữ trong điện ảnh Việt Nam


2007.06.11

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam xuất hiện một số phim nhấn mạnh về hình ảnh người phụ nữ và được khá đông giới xem phim khen ngợi. Chẳng hạn như phim “Những Cô Gái Chân Dài”, “Gái Nhảy 1” và “Gái nhảy 2”; rồi gần đây nhất, cuốn phim được giải cao nhất của Hội Điện ảnh VN năm 2006: giải Cánh diều vàng là phim Áo Lụa Hà Đông.

Xem video clip trailer phim Vượ Sóng (Journey From The Fall)

Trong khi đó, ở hải ngoại, thì cũng có phim Vượt Sóng, được khá nhiều giải thưởng quốc tế và được cộng đồng người Việt nồng nhiệt đón nhận. Trong những phim vừa nói, hình ảnh của phụ nữ được các đạo diễn tạo dựng một cách rất phong phú và khác hẳn nhau.

Và, cũng theo lời nhận xét của một vị giáo sư người Mỹ gốc Việt tại trường đại học California of Riverside, Hoa Kỳ, hiện đang giảng dậy khoa Điện Ảnh và khoa Women’s Studies, thì càng ngày, những hình ảnh của người phụ nữ trong phim Việt Nam càng thay đổi nhiều và mang ảnh hưởng của Hollywood.

Trang Phụ Nữ kỳ này xin mời quí vị nghe giáo sư tiến sĩ Lan Dương, trình bày về hình ảnh của người phụ nữ trong phim ngày nay.

Chịu nhiều ảnh hưởng của điện ảnh Mỹ

Là một nhà nghiên cứu về điện ảnh và phụ nữ, tiến sĩ Lan Dương đã rất chú ý đến các phim Việt Nam ở trong nước cũng như tại hải ngoại. Ngay từ những năm 90, khi cuốn phim Mùi Đu Đủ Xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng và không lâu sau đó, phim Ba Mùa của đạo diễn Tony Bùi được phát hành, tiến sĩ Lan Dương đã để tâm tìm hiểu và có nhận xét rằng:

“Trong thập niên 90 có nhiều sự thay đổi giữa Việt Nam và hải ngoại, nhất là vì Đổi Mới vào năm 1987 và Lifting of the Embargo(bỏ cấm vận) giữa nước Việt Nam và nước Mỹ vào năm 1994. Vì vậy, Việt Kiều có thể về Việt Nam dễ hơn và quay phim ở Việt Nam.

DiemLienJourneyMovie200b.jpg
Diễm Liên trong phim "Vượt Sóng". Photo courtesy vuotsong.com

Và do Đổi Mới, những đạo diễn Việt Nam có thể xem phim từ khắp nơi để hiểu biết thêm về điện ảnh thế giới. Bởi vậy đạo diễn Trần Anh Hùng và Tony Bùi được quay phim ở Sài Gòn cho những phim như là "Cyclo" và "Ba Mùa."

Với hoàn cảnh xã hội thay đổi, hình ảnh người phụ nữ được đưa vào trong phim cũng thay đổi theo. Một số đạo diễn ở Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của điện ảnh Mỹ, chẳng hạn như:

“ Về đạo diễn Vũ Ngọc Đảng và phim "Những Cô Gái Chân Dài," có ảnh hưởng điện ảnh thế giới, nhất là điện ảnh Mỹ và MTV chẳng hạn. Về hình ảnh phụ nữ, Lan nghĩ rằng trong những phim của Trần Anh Hùng và Tony Bùi, hình ảnh phụ nữ khác nhiều đối với những phim của thế hệ trẻ ở Việt Nam.

Trong phim "Cyclo,""Mùi Đu Đủ Xanh,""Mùa hè chiếu thẳng đứng," và "Ba Mùa," nhân vật nữ khi nào cũng là người đàn bà tiết nghĩa và có kiên nhẫn, nhất là trong phim "Mùi Đu Đủ Xanh" và "Mùa hè chiếu thẳng đứng."

Theo tiến sĩ Lan Dương, điển hình người phụ nữ tiết hạnh trong phim Ba Muà là cô gái hái sen, tên KiếnAn, làm công cho nhà thơ bị phong cùi. Ngay cả cô gái mãi dâm tên Lan cũng được đạo diễn tạo thành người đàn bà tốt và cuối cùng, được Hải, chàng thanh niên đạp xích lô cứu giúp trở thành người có đức hạnh. Ở điểm này, tiến sĩ Lan Dương cho rằng, hình ảnh phụ nữ trong phim trở thành một lý tưởng của riêng đạo diễn mà thôi. Cô nói tiếp:

“Nói chung, trong những phim của Trần Anh Hùng và Tony Bùi nhân vật phụ nữ nhiều khi không được có cái nhìn riêng của họ. Họ thường chỉ là biểu tượng cho một tư tưởng hoặc là lý tưởng gì đó cho đạo diễn. Khi Trần Anh Hùng và Tony Bùi nói về nhân vật phụ nữ họ thường quay từ cái nhìn của nhân vật đàn ông.”

Sự khác biệt giữa hai loại phim

Cũng theo lời tiến sĩ Lan Dương, ngược lại, trong phim “Những Cô Gái Chân Dài," của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng hay “Gái Nhảy” của đạo diễn Lê Hoàng, thì nhân vật nữ được đạo diễn tạo dựng rất sống động. Các nhân vật chính nói lên hình ảnh thực của người phụ nữ hiện đại. Thưa qúi vị, vì sao lại có sự khác biệt giữa hai loại phim như thế? Tiến sĩ Lan Dương giải thích:

“Lan nghĩ rằng những đạo diễn người Mỹ gốc Việt và người Pháp gốc Việt, họ thường có suy nghĩ rất lãng mạn đối với nước Việt Nam và đàn bà Viêt Nam. Sự nhớ thương Việt Nam rất mạnh đã vào trong phim của họ. Họ tưởng tượng phụ nữ là lý tưởng trong xã hội Việt Nam.

DiemLienJourneyMovie200.jpg
Diễm Liên trong phim "Vượt Sóng". Photo courtesy vuotsong.com

So với những đạo diễn mà đang sống ở Việt Nam, họ thấy ngưòi Việt Nam hơi hiện thực. Chẳng hạn như trong phim “Gái Nhảy” của đạo diễn Lê Hoàng. Nhân vật chính là một người mãi dâm và bị HIV/AIDS, ngược hẳn lại với nhân vậtLan trong phim “Ba Mùa” của Tony Bùi.”

Thế còn những phim mới sản xuất trong năm 2005, 2006 vừa qua như Hạt Mưa Rơi Bao Lâu của Đoàn Minh Phượng và Đoàn Thành Nghĩa, Áo Lụa Hà Đông của Lưu Huỳnh, và Vượt Sóng của Hàm Trần thì sao?

Theo như lời tiến sĩ Lan Dương cho biết, “Hạt Mưa Rơi Bao Lâu” với nội dụng nói về thân phận của một phụ nữ trẻ, có tên Lý An, sống trong thời phong kiến ở miền quê Việt Nam. Vì muốn thoát khỏi sự gò bó, tù túng của làng và ham muốn ngắm nhìn thế giới bên ngoài, nên hậu quả là cô mang thai.

Chính vì điều này mà đã đẩy Lý An ra ngoài xã hội. Với phim này, tiến sĩ Lan Dương cho rằng hình ảnh người phụ nữ trẻ Lý An là một biểu tượng chống đối xã hội, chống lại chế độ gia trưởng, và có một nét gì đó rất nữ quyền, đòi hỏi sự bình đẳng với nam giới. Cô nói:

“Trong "Hạt Mưa Rơi Bao Lâu," nhân vật nữ là quan trọng nhất trong phim này. Và câu chuyện của Lý An, cho khán giả hiểu biết thêm về tình hình phụ nữ trong quá khứ. Thú vị là trong phim này Lý An không bao giờ cho ai biết người cha là ai. Theo Lan, sự nín lặng là 1 cách cho phụ nữ để chống lại những sự đòi hỏi của xã hội và chế độ gia trưởng. Vì vậy phim này có nét "feminist," nữ quyền.”

Riêng với phim Áo Lụa Hà Đông, người phụ nữ tên Dần nghèo khổ, suốt đời hy sinh cho chồng cho con, chịu cực trăm bề để mong sao may cho con được chiếc áo dài trắng mặc đi học. Về phim này, tiến sĩ Lan Dương cho rằng hình ảnh người phụ nữ được đưa lên màn ảnh đầy kịch tính, và quá lý tưởng, so với đời sống hàng ngày của phụ nữ Việt Nam ở thời kỳ chiến tranh:

“Nhân vật chính cũng rất mạnh, biết chịu đựng, biết kiên nhẫn. Nhưng, hình ảnh đó Lan không đồng ý tại vì cái đó quá lý tưởng. Theo Lan, trong phim Áo Lụa Hà Đông, nhân vật chính quá lý tưởng đối với đời sống phụ nữ hàng ngày.”

Bên cạnh đó, tiến sĩ Lan Dương cũng cho rằng cùng với thời gian, tính cách và hình ảnh của phụ nữ trong phim cũng thay đổi nhiều. Họ được nhắc đến với vai trò mạnh mẽ, độc lập và dứt khoát, không còn vẻ lệ thuộc vào phái nam như trước kia. Chẳng hạn như hai nhân vật nữ trong phim Vươt Sóng, bà nội và bà mẹ tên Mai. Cả hai đã vượt qua mọi gian nan thử thách và cố gắng hội nhập với cuộc sống hiện tại để hướng tới tương lai. Cô nói:

“ Hình ảnh của phụ nữ cũng thay đổi nhiều, chẳng hạn như phim "Vượt Sóng"của Hàm Trần nhân vât nữ rất mạnh như là nhân vật Bà Nội và Mai. Họ biết lo cho gia đình, họ biết cố gắng sống để lo cho cuộc sống hiện tại.”

Về mặt tính dục

Về mặt tính dục trong phim liên quan đến hình ảnh của phụ nữ , tiến sĩ Lan Dương cũng cho rằng, vào thời kỳ “đổi mới” ở Việt Nam, thì thái độ của công chúng và nhà nước cũng bắt đầu có cái nhìn cởi mở hơn về tính dục trong phim. Càng ngày, những phim ở Việt Nam càng có nhiều pha phô bày cơ thể của phụ nữ nhiều hơn. Cô nói:

“Năm 1987, bắt đầu đổi mới, thái độ của người Việt với tình dục trong phim cũng thay đổi, như trong phim Gái Nhẩy 1 và 2, và Những Cô Gái Chân Dài, cơ thể của phụ nữ được phơi bày ra.”

Tóm lại, theo tiến sĩ Lan Dương, ngày nay, hình ảnh của người phụ nữ trong điện ảnh Việt Nam có thể được chia làm hai loại rõ rệt: đối với những đạo diễn Việt kiều, phụ nữ trở thành biểu tượng cho một điều gì đó thật lý tưởng, thật đẹp.

Có thể vì sống ở hải ngoại nên tình cảm của các đạo diễn Việt Kiều dành cho quê hương thật mặn mà và thường không hiểu rõ và nắm bắt được hết cuộc sống thực ở Việt Nam nên thường hay cường điệu hoá nhân vật.

Trong khi đó, những đạo diễn ở Việt Nam thì lại đưa những nhân vật nữ lên màn ảnh với tính cách rất hiện thực. Nhưng dù ở khiá cạnh nào đi chăng nữa, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong phim ngày nay đang được những nhà đạo diễn khai thác nhiều ở cá tính mạnh mẽ và độc lập. Đó là điểm đáng cho chúng ta lưu ý.

Quí vị vừa nghe tiến sĩ Lan Dương, giáo sư giảng dậy khoa Điện Ảnh và khoa Women’s Studies của trường đại học California of Riverside, Hoa Kỳ, trình bày về “Hình ảnh người phụ nữ trong điện ảnh Việt Nam ngày nay”. Trang Phụ Nữ xin dừng nơi đây. Phương Anh xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp qúi vị trong chương trình kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.