Công tác đào tạo Giám đốc Điều hành doanh nghiệp tại Việt Nam

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Trong buổi tọa đàm về Chương trình “CEO trong thế giới phẳng” do báo Người Lao Động và Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh đầu tháng 10 vừa qua, các tham dự viên đều băn khoăn tìm biện pháp giải quyết cho vấn đề khiếm khuyết về số lượng cũng như chất lượng các Giám đốc Điều hành các doanh nghiệp Việt Nam.

BusinessElectric150.jpg
Doanh giới Việt Nam rất năng động nhưng chưa được đào tạo quy cũ. AFP PHOTO.

Vấn đề đào tạo các CEO hiện nay như thế nào? Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc trao đổi sau đây giữa Trường Văn và Giáo sư Tiến sĩ Hồ Đức Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Tế Phát triển thuộc trường Đại Học kinh Tế thành phố Hồ Chí Minh. Trước tiên GS Hồ Đức Hùng cho biết:

GS Hồ Đức Hùng: Thật ra cần phải có một chương trình đào tạo cho có bài bản, cho có căn cơ. Bấy lâu nay các giám đốc thường tiếp xúc vơi những chương trình có nhiều nguồn không được hình thành một cách có hệ thống kỹ năng về quản lý điều hành cần thiết cho nên tôi có đề nghị phải dần dần hình thành một cách chính qui để các giám đốc có được năng lực cần thiết đặc biệt là cạnh tranh trong môi trường toàn cầu.

Trường Văn: Giáo sư có nghĩ đến chương trình đào tạo CEO như chương trình MBA của Mỹ?

GS Hồ Đức Hùng: Tôi thấy chương trình đó tôi có dịp tham khảo, tiếp cận thì thấy nó có ý nghĩa thiết thực trong kinh doanh. Do đó có những môn học, những module tôi tham khảo và đưa vào chương trình cho các giám đốc tiếp thu.

Trường Văn: Thưa giáo sư hiện giờ có hai vấn đề, vấn đề thứ nhất là đào tạo quản trị viên xí nghiệp để họ thông thạo cách thức quản lý điều động để làm thế nào chi phí ít mà sản phẩm có hiệu quả nhiều và thứ nhì là luật quốc tế thích hợp với hội nhập hiện tại. Ý kiến của giáo sư về hai vấn đề này như thế nào?

GS Hồ Đức Hùng: Rất hay, trong chương trình chúng tôi cũng đưa vào bàn thảo về luật lệ quốc tế chẳng hạn như những luật lệ, những văn bản có liên quan đến WTO.

Trường Văn: Về phương diện giảng viên, giáo sư có tính mời giảng viên nước ngoài hay không?

GS Hồ Đức Hùng: Trước mắt không thể nào mời giảng viên nước ngoài vì chi phí rất cao. Chúng tôi thường sử dụng những giảng viên từng tu nghiệp ở nước ngòai chẳng hạn những người cũng từng được đào tạo về MBA, những giảng viên tham gia cũng có những văn bằng, những chứng nhận từ nhiều nước.

Do đó họ cũng có điều kiện giảng dạy cho có hiệu quả, đồng thời họ là người Việt nên những giảng dạy của họ, học viên dễ tiếp thu hơn. Nếu chúng ta có điều kiện sẽ mời giảng viên nước ngòai báo cáo về các chuyên đề hoặc nhữnglớp nâng cao.

Trường Văn: Thưa giáo sư về nguồn giảng viên là Việt Kiều ở các nước thì như thế nào?

GS Hồ Đức Hùng: Chúng tôi rất hoan nghênh Việt kiều ở các nước tham gia chương trình này. Chúng tôi cũng có nhã ý mời rất nhiều các Việt kiều đã có kinh nghiệm về giảng dạy nếu họ có điều kiện thì họ tham gia để nâng cao trình độ các CEO Việt Nam.

Trường Văn: Thưa giáo sư, trong buổi hội thảo có đưa ra là trong năm 2010 Việt Nam sẽ có khỏang 500 ngàn doanh nghiệp.

GS Hồ Đức Hùng: Cái đó là dự đóan về khuynh hướng phát triển, con số để chúng ta tham khảo thôi. Tuy nhiên với nhu cầu theo dự đóan đó thì việc đào tạo rất là cần thiết và cấp bách.

Trường Văn: Theo ý giáo sư, ngòai viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển còn các trường đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thì như thế nào?

GS Hồ Đức Hùng: Thực ra đối với môi trường của trường Đại học thì họ đào tạo theo kiểu chính qui chứ không phải đào tạo làm sao cho vừa học vừa làm còn chương trình của chúng tôi thì thật sự nhắm vào đội ngủ những người đang làm và bổ xung cho họ những kiến thức cần thiết.

Trường Văn: Như vậy giáo sư có tính trong tương lai phát triển Viện NCPTKT của giáo sư hay không?

GS Hồ Đức Hùng: Mong muốn của chúng tôi là nếu có thể được sẽ trở thành một trường tương đối chuyên nghiệp đào tạo các giám đốc điều hành.

Trường Văn: Hiện nay Viện NCKTPT chỉ có ở thành phố Hồ Chí Minh còn ở Hà Nội và các tỉnh thì sao?

GS Hồ Đức Hùng: Tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng có các nơi làm việc này nhưng các tỉnh thì chưa có thành thử hiện nay chúng tôi có tiến hành một số chương trình ở Nha Trang và Đồng Nai, sắp tới là Đà Nẵng.

Riêng ở Hà Nội thì họ rất tâm đắc và mong muốn tham dự chương trình này cho nên chúng tôi có ý muốn mở rộng tại một số địa phương để tạo đều kiện phát triển chương trình này.

Trường Văn: Cám ơn giáo sư đã dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện ngày hôm nay.