Giáo dân Hà Nội tiếp tục cầu nguyện bất chấp tối hậu thư của chính quyền

Bất chấp tối hậu thư của chính quyền Hà Nội, tối Chủ nhật 27-1, khoảng hơn một ngàn giáo dân tiếp tục canh thức cầu nguyện bên trong khuôn viên 42 Nhà Chung Hà Nội, nơi nửa thế kỷ trước là tài sản giáo hội công giáo, trụ sở làm việc của đức khâm sứ Toà Thánh.

Giáo dân Hà Nội tiếp tục cầu nguyện bất chấp tối hậu thư của chính quyền. Video cung cấp bởi cô Kim Thu.

>> Xem video clip bằng cửa sổ riêng này

Giáo dân từ các tỉnh tập trung về Hà Nội

Theo nguồn tin riêng của Đài Á Châu Tự Do, giáo dân từ các tỉnh, nhiều nhất từ Nam Định đã tập trung về khu vực vừa nói, để bảo vệ tượng Đức Mẹ và Thánh Giá mà họ đã cung thỉnh từ mấy ngày qua.

Đặc biệt sau vụ xô xát cuối tuần, dẫn tới việc giáo dân tràn vào cắm trại cầu nguyện bên trong khuôn viên 42 phố Nhà Chung Hà Nội.

Trong số những người bị thương sau cuộc xô xát với công an có cả luật sư Lê Quốc Quân.

Vietnamese_Catholics_ToaKhamSu2_200.jpg

Hôm thứ Bảy 26-1, báo chí do nhà nước kiểm soát đã lần đầu tiên loan tin về vụ tranh chấp, và lên án phía Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội vi phạm pháp luật.

Các hai tờ Hà Nội Mới và An Ninh Thủ Đô đã đăng tải nhiều bài viết chỉ trích các cuộc tụ họp cầu nguyện của giáo dân, và cho rằng đây là các hành động không thể chấp nhận được.

Sẽ áp dụng biện pháp mạnh?

Phản ứng trước các cuộc cầu nguyện của giáo dân, chính quyền xác định là sẽ áp dụng biện pháp mạnh để giải tán các cuộc tụ họp đông người.

Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội đã gởi công văn cho Toà Tổng Giám Mục lên án các hoạt động của giáo dân và giáo sĩ tại khu vực 42 Nhà Chung cũng như tại giáo xứ Thái Hà, yêu cầu giáo dân và giáo sĩ phải giải tán và di chuyển tượng Đức Mẹ cũng như thánh giá ra khỏi khuôn viên 42 Nhà Chung trứơc 5 giờ chiều ngày hôm qua Chủ Nhật 27/1/2008.

Tuy nhiên thời điểm 5 giờ chiều đã qua đi và cho tới 20 giờ tối Chủ Nhật, tin tức cho biết lực lượng công an Việt Nam chưa có hành động bố ráp vào khu vực này.

Xin nhắc lại, kể từ ngày 18/12/2007 hàng ngàn giáo dân Hà Nội đã tập trung cầu nguyện ở Toà Tổng Giám Mục, khu vực 42 Nhà Chung cũng như ở giáo xứ Thái Hà, với mục đích cầu nguyện mong chính quyền Việt Nam sớm trả lại tài sản giáo hội, bị cưỡng chiếm sau năm 1954.