Thanh Quang, phóng viên đài RFA
Thưa quý vị, chúng tôi được tin là tình cảnh của 27 người Việt tỵ nạn tại Campuchia hiện hết sức khó khăn do văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR sắp cắt hết tiền trợ hàng tháng dành cho họ, khiến nhóm người này đến trước trụ sở UNHCR ở Phnom Penh để phản đối.
Qua cuộc tiếp chuyện bằng điện thọai với biên tập viên Thanh Quang của đài Á Châu Tự Do, anh Nguyễn Phùng Phong, một trong 4 đại diện của nhóm người này, cho biết lý do Cao Ủy cắt trợ cấp như sau:

Anh Phong: Thưa họ nêu lý do rất vô lý. Họ bảo chúng tôi là người Việt Nam có ngoại hình giống người Campuchia, đất nước Việt Nam và Campuchia gần nhau, và đang có một triệu người Việt đang sinh sống ở đây, làm ăn tương đối thành đạt.
Nhưng đại diện của UNHCR ở đây không hiểu rằng chúng tôi là những người đang bị truy sát. Và từ khi tôi qua đây được hưởng quy chế tỵ nạn đến nay là tôi ở trên đất Chùa Tháp này được 15 năm rồi; tôi từng bị đánh đập, bị bắt bớ, bị truy sát nhiều lần. Mỗi lần như vậy tôi đều vào báo cáo với họ, cho họ thấy thực trạng đó. Nhưng họ không chịu nghe.
Thanh Quang: Như vậy Cao Ủy giải thích như thế nào về quy chế tỵ nạn đã dành cho 27 người Việt này?
Anh Phong: Dạ tất cả chúng tôi đã được quy chế này bởi chúng tôi đã ở trong những nhà tù. Như bản thân tôi từng ở nhà tù trong 16 năm tại Việt Nam, và tôi đã vượt ngục, rồi vượt biên giới Việt Nam để qua đây xin tỵ nạn.
Nói về quy chế tỵ nạn thì chúng tôi đã hoan tòan có được đầy đủ. Nhưng mà không biết tại sao vào giờ này họ để chúng tôi ở trong tình trạng như thế này.
Tập trung biểu tình phản đối
Thanh Quang: Thưa anh, hiện phản ứng của số người Việt tỵ nạn này như thế nào?
Anh Phong: Dạ nếu họ chính thức cúp trợ cấp cho chúng tôi thì phản ứng đầu tiên là chúng tôi kéo nhau đến đó, tổ chức biểu tình. Chúng tôi sẽ có biểu ngữ, cờ xí tự do. Chúng tôi yêu cầu họ phải cho chúng tôi cơm no, áo ấm tối thiểu. Và chúng tôi yêu cầu họ bảo vệ chúng tôi một cách hữu hiệu hơn.
Thanh Quang: Như vậy kế họach biểu tình diễn ra ở đâu?
Anh Phong: Dạ chúng tôi tổ chức tại ngay Văn Phòng UNHCR ở Phnom Penh này. Vì như vậy chúng tôi còn có hy vọng an tòan hơn là tổ chức ở chỗ khác. Nếu ở chỗ khác thì công an Campuchia và mật vụ Việt Nam sẽ hành sử theo luật giang hồ liền.
Thanh Quang: Như vậy các đại diện của nhóm 27 người Việt này để liên lạc với Cao Ủy là ai?
Anh Phong: Thưa ban đại diện gồm có tôi, Mục sư Ngô Đắc Lũy, Đại đức Thích Giác Luận cũng như anh Cẩm Công. Bốn anh em chúng tôi sẽ đệ đạt nguyện vọng trong nhóm, cũng như thông tin ra bên ngòai qua tất cả các mạng, qua quý đài.
Kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài
Thanh Quang: Thưa qúy vị, chúng tôi đã tiếp chuyện với Đại đức Thích Giác Luận, khi Đại đức cùng một số người Việt tỵ nạn đang có mặt trước Văn phòng UNHCR tại Pnom Penh. Kính chào Đại Đức.
ĐĐ Giác Luận: Xin chào anh.
Thanh Quang: Thưa Đại Đức, cuộc biểu tình hiện như thế nào?
ĐĐ Giác Luận: Hôm nay anh em đã sắp đặt sẵn rồi. Nhưng trong tình hình như vậy thì bên UN cảm thấy bất an nên cũng có sự xoa dịu lại. Bây giờ đã có sự chuyển hướng.
Thanh Quang: Thưa chiều hướng đó là như thế nào?
ĐĐ Giác Luận: Bây giờ có lẽ là anh em phải sắp đặt thảo luận lại.
Thanh Quang: Thưa theo nhận xét của Đại Đức thì triển vọng có thể ra sao?
ĐĐ Giác Luận: Bây giờ đúng ra thì chúng tôi đang rơi vào thế bấp bênh mà người ta có quyền có lực nên họ sắp đặt chiều hướng trên cơ mình không hà. Nên chúng tôi thấy cuộc đấu tranh của chúng tôi đây rất là cô lẻ, cần nhiều sự hỗ trợ từ bên ngòai.
Thanh Quang: Thưa nếu nguyện vọng của nhóm người việt tỵ nạn, trong đó có Đại Đức, không được giải quyết thì cuộc đấu tranh sẽ như thế nào?
ĐĐ Giác Luận: Cái đó thì mỗi người một ý. Nhưng vấn đề ở đây còn có yếu tố bên ngòai nữa. Do đó chúng tôi không thể xác định trước như thế nào được.
Tình cảnh người Việt ở Campuchia
Thanh Quang: Thưa qúy vị, hiện giờ anh Nguyễn Phùng Phong cũng đang có mặt trước trụ sở UNHCR. Anh cho biết kế họach đấu tranh của nhóm người tỵ nạn này trong những ngày sắp tới.
Anh Phong: Mục đích là chúng tôi cho họ biết chúng tôi có phản ứng tối thiểu, đó là biểu tình, và sẽ tuyệt thực. Nói chung là tùy theo thái độ của họ mà chúng tôi sẽ phản ứng như thế nào. Và tới ngày mùng một tháng sau thì chúng tôi sẽ phản ứng mạnh hơn nữa. Chúng tôi sẽ có những thỉnh nguyện thư gởi ra các tổ chức liên hệ bên ngòai.
Thanh Quang: Nói chung là tình cảnh của người Việt tỵ nạn tại Campuchia hiện ra sao?
Anh Phong: Thưa rất bi đát. Về mặt tinh thần thì chúng tôi không được quan tâm. Còn về vật chất thì chúng tôi thật là thiếu thốn. Trong cuộc sống hiện tại như thế này mà mỗi tháng chúng tôi chỉ lãnh được 85 đô la để trang trải mọi thứ.
Do đó anh em chúng tôi đều phải sống trong những ổ chuột, ra đường thì luôn luôn lo sợ bị đánh đập, bị áp bức, bị truy sát. Tình cảnh của anh em chúng tôi phải nói là rất thê thảm mà không biết kêu cầu ai. Chúng tôi van xin với tất cả tổ chức bên ngòai hãy cứu giúp chúng tôi.
Thanh Quang: Và anh Trần Quốc Thắng cũng trong nhóm người tỵ nạn này cho biết thêm
Anh Thắng: Bây giờ người Việt tỵ nạn mình đang gặp khó khăn, không có tiền trả mọi thứ, nên sống cũng như ăn mày. Khổ lắm.
Anh em tụi tui ở đây tính không ra là tại sao các dân tộc khác không bị cắt trợ cấp, mà 27 người Việt tỵ nạn tại Campuchia lại bị cắt?