Những thay đổi trong nếp sống của các bạn trẻ người dân tộc
2005.06.13
Gia Minh, phóng viên đài RFAM
Hiện nay, vấn đề đổi thay trong nếp sống, đặc biệt là của lớp người trẻ, là thời sự được quan tâm đặc biệt. Những thay đổi đó là kết quả tất yếu của bao giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội mỗi lúc một tăng giữa các cộng đồng, những vùng miền và các quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, không riêng gì lớp trẻ sống ở các vùng thành thị dọc miền xuôi, mà ngược lên mạn miền núi, sự đổi thay cũng dần hiện rõ như bóng dáng của các dạng thời trang tân thời đang từ từ thế cho các bộ trang phục truyền thống dân tộc’ đặc trưng trong sinh hoạt hằng ngày của nhiều người thiểu số.
Đa phần các bạn trẻ dân tộc nay cũng được tiếp cận mọi phương tiện sinh hoạt hiện đại như đi xe máy, sử dụng Internet, nghe nhạc ngoại quốc…
Trong chương trình kỳ này mời quí vị nghe ba bạn trẻ dân tộc đề cập đến những đổi thay trong cuộc sống của chính các bạn, cũng như đối với buôn làng khi mà tác động của làn sóng văn hoá mới, ảnh hưởng từ thực tế thị trường, và những chương trình hỗ trợ được đưa đến các sơn bản cách xa ánh sáng đô thành.
Người thứ nhất là bạn Rchăm H’Lê, người dân tộc Gia Rai tại Tây Nguyên, và hai bạn Hạng Thị Châu cùng Giàng A Xang dân tộc Mông tại vùng núi Tây Bắc.
Học tập tại trường lớp là sinh hoạt đầu tiên mang lại thay đổi trong nếp nghĩ, cách sống cho các bạn. Dù rằng điều kiện khó khăn do xa xôi cách trở; và phần nào cũng vì cuộc sống khó khăn, việc học tập lên các cấp cao đối với con em người dân tộc vẫn chưa được phổ biến lắm. Rchăm H’Lê là một trong số ít ỏi những người dân tộc Gia Rai tại Tây Nguyên tốt nghiệp đại học.
Cô tốt nghiệp ngành nông nghiệp thế nhưng suốt 10 năm qua kể từ năm 1995, HLê chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu vùng đất Tây Nguyên cho du khách cả trong nước lẫn từ những đất nước xa xôi khác đến để thưởng thức cảnh đẹp núi rừng hùng vĩ của Tây Nguyên, cũng như văn hoá đặc trưng của các dân tộc tại đó hay trở về thăm lại những vùng đất từng là chiến trường trước kia.
Rchăm HLê cho biết về công việc của cô, đôi nét về sinh hoạt hiện nay của của người dân Tây Nguyên khi tiếp xúc với thế giới văn minh:
(Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Tương tự như Rchăm HLê, chàng trai Giàng A Xang ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai cũng đang theo học năm cuối trường nông lâm tại tỉnh nhà và anh cho biết công việc đang làm cũng như nhận xét về tình hình dân chúng tại quê anh:
(Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Bạn nghĩ gì về sự thay đổi này? Xin email về
Tâm lý của du khách khi đến vùng nào cũng muốn được chính dân địa phương hướng dẫn cho họ. Từ nhu cầu thực tế đó một số bạn trẻ dân tộc tại Sa Pa, cũng như RChăm Hlê, bước đầu làm hướng dẫn nghiệp dư và dần dần trở thành chuyên nghiệp. Hạng Thị Châu, người dân tộc Mông tại Sa Pa kể chuyện hướng dẫn và học tiếng của cô như sau:
(Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Tiến bộ, văn minh và tiện nghi là những ước vọng bao đời của con người; tuy nhiên những nét truyền thống vẫn là vốn quý mà nếu không biết giữ gìn thì nét riêng của dân tộc không còn nữa.
Bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc trong thời đại mới với bao đổi thay nhanh chóng vượt bực do khoa học kỹ thuật đem lại, cũng như từ tư duy mới của con người trong thế kỷ 21, là một công việc thật khó khăn.
Hẳn ai trong chúng ta khi được nghe giới thiệu về Sapa đều muốn có dịp đến tham gia vào sinh hoạt lãng mạn, trữ tình, đầy chất thơ của ‘Chợ Tình” nơi ấy. Một sinh hoạt rất đặc trưng bao đời của người dân tộc Mông, nơi mà trai gái háo hức đến để hát giao duyên, tìm người bạn tâm đầu ý hợp.
Thế nhưng chính các bạn người dân tộc Mông phải luyến tiếc khi nói đến Chợ Tình Sapa thời nay:
(Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Quí vị và các bạn vừa nghe ba bạn trẻ người dân tộc đề cập đến sinh hoạt và nhận xét của họ về đời sống hiện nay. Bên cạnh những đổi thay tích cực do tác động của lối sống mới, họ đang phải đối diện với trăn trở làm sao duy trì cho được bản sắc văn hoá dân tộc của chính họ.
Trăn trở đó không chỉ dành riêng cho các bạn dân tộc, mà đó còn là câu hỏi lớn đặt ra cho các cơ quan chức năng và mỗi một người trẻ Việt Nam khi sống trong thời hội nhập, trước bao cơn lốc của lối sống mới việc hoà nhập nhưng không để bị hoà tan hẳn không đơn giản chút nào. Mục Nhịp Sống Trẻ kỳ này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.
Những bài liên quan
- Anh Nguyễn Đức Tân tranh cử chức dân biểu liên bang ở California
- 3 công dân Mỹ giúp đỡ người Hmong bị chính phủ Lào trục xuất
- Phỏng vấn 2 hoa hậu Phạm Thu Hằng và Nguyễn Thị Huyền
- Công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Bùi Văn Ga, hiệu trưởng trường ĐHBK Đà Nẵng
- BK02, nhóm sinh viên viết phần mềm phục vụ người Việt
- Đường dây nóng dành cho tuổi ‘teen’ về giới tính
- Giới trẻ tại Việt Nam nghĩ gì về biến cố 30-4-1975 và tương lai đất nước?
- Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về ngày 30 tháng 4 năm 1975?
- Gương thành công của chủ trang trại nuôi bò sữa ở Tuyên Quang
- Ðức ông Giuse Mai Ðức Vinh và những hoài niệm về Đức Giáo Hoàng
- Các Tín đồ công giáo trẻ tại Việt Nam trước tin Đức Giáo Hoàng tạ thế
- Phỏng vấn Nguyễn Lâm, trong nhóm làm phim "Journey from the Fall"
- Giới trẻ Việt Nam ngày nay nghĩ gì về vấn đề nam nữ bình quyền?
- Phỏng vấn chủ nhân quán "Cà phê thư viện Intello"
- Câu chuyện thành công 2 thanh niên Việt Nam trẻ tuổi