Tác phẩm “Cánh đồng bất tận” được chuyển ngữ và phát hành tại Hàn Quốc
2007.10.28
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Tác phẩm “Cánh đồng bất tận” của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư vừa được chuyển ngữ và phát hành tại Hàn Quốc từ đầu tháng này. Kể từ lần đầu tiên xuất hiện trên tuần báo Văn Nghệ tháng 8 năm 2005, truyện đã được đông đảo bạn đọc trong nước đánh giá rất cao và nhận Giải thưởng Văn học của Hội nhà văn Việt Nam hồi năm ngoái, tuy trước đó không lâu, tác giả của nó từng bị Ban tuyên giáo tỉnh Cà Mau chỉ trích gay gắt chỉ vì những hiện thực được lột tả trong “Cánh đồng bất tận.”
Với ba ngàn ấn bản trong đợt in thứ nhất của Nhà xuất bản Asia tại Seoul, đây là một trong số rất ít các tác phẩm văn học Việt được giới thiệu tới độc giả xứ Hàn. Trà Mi có cuộc phỏng vấn với ông Seo Jae-young, đại diện nhà xuất bản, để tìm hiểu thêm:
Trà Mi: Trước tiên, xin ông cho biết cơ duyên nào tác phẩm “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư được Nhà xuất bản Asia chú ý đến?
Ông Seo Jae-young: Nhà xuất bản Asia chúng tôi phát hành Tạp chí Văn học Asia mỗi quý. Hầu hết các thành viên trong ban biên tập cũng là hội viên trong nhóm mang tên “Hội các nhà văn trẻ Hàn Quốc muốn tìm hiểu Việt Nam”, với mục tiêu nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hoá, và nghệ thuật của Việt Nam.
Người biên dịch truyện “Cánh đồng bất tận” ra tiếng Hàn là ông Ha Jae-hong, cũng là một thành viên trong Hội này. Ông ta hiện đang là nghiên cứu sinh về văn học Việt Nam tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM. Ông ta biết đến tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư và giới thiệu với chúng tôi, là một nhà xuất bản chuyên phát hành các tác phẩm văn học của Châu Á tại Hàn Quốc.
Trà Mi: Vì sao Nhà xuất bản Asia quyết định giới thiệu cuốn sách với độc giả Hàn Quốc?
Ông Seo Jae-young: Ban đầu quyển sách được dịch ra với ý định giới thiệu trên Tạp chí Asia hàng quý của chúng tôi. Một số thành viên trong Ban biên tập của tạp chí cũng như một số các nhà văn Hàn Quốc rất ngạc nhiên và thích thú khi đọc qua bản dịch này vì lối hành văn và cách kể truyện trong tác phẩm này rất khác biệt so với những tiểu thuyết Việt Nam mà chúng tôi có dịp được biết đến trước đây.
Ban đầu quyển sách được dịch ra với ý định giới thiệu trên Tạp chí Asia hàng quý của chúng tôi. Một số thành viên trong Ban biên tập của tạp chí cũng như một số các nhà văn Hàn Quốc rất ngạc nhiên và thích thú khi đọc qua bản dịch này vì lối hành văn và cách kể truyện trong tác phẩm này rất khác biệt so với những tiểu thuyết Việt Nam mà chúng tôi có dịp được biết đến trước đây.
Nó rất đặc biệt và độc đáo. Tuy nhiên, truyện quá dài không thể đăng hết trên Tạp chí Asia. Cho nên, chúng tôi đã quyết định sẽ phát hành dưới dạng sách truyện và giới thiệu đến bạn đọc ở Hàn Quốc.
Trà Mi: Trước đây, khi trình làng tại Việt Nam, “Cánh đồng bất tận” từng gây nhiều tranh cãi. Có người khen hay, nhưng cũng có ý kiến phê phán rằng truyện này phản ánh hiện thực một cách quá đáng với những ngôn từ thô tục, đến nỗi chính tác giả Nguyễn Ngọc Tư đã bị Ban tuyên giáo tỉnh Cà Mau yêu cầu phải tự kiểm điểm. Quan điểm của ông ra sao?
Ông Seo Jae-young: Đối với môi trường văn hoá Hàn Quốc, truyện này chẳng có gì là thô tục hay nhạy cảm cả. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nơi vẫn còn tồn tại chủ nghĩa xã hội, thì có thể tác phẩm này bị coi là hiện thực quá đáng hay khêu gợi tình dục. Từ tác phẩm này, chúng ta thấy rằng dòng văn học hiện đại của Việt Nam có thể được chia thành 2 giai đoạn, trước và sau Nguyễn Ngọc Tư.
Qua tiểu thuyết của cô, người ta có thể cảm nhận được sự thay đổi nhận thức về xã hội và cuộc sống. Tác phẩm của Tư có thể sẽ khiến cho các tác phẩm văn học khác tại Việt Nam trở nên lỗi thời. Và các cây viết mới kiểu “Nguyễn Ngọc Tư” sẽ xuất hiện.
Ngay đất nước Hàn Quốc của chúng tôi đây cũng đã từng trải qua những kinh nghiệm về độc tài chính trị, nhưng chúng tôi đã vượt qua rồi, và đã quen với những quyển tiểu thuyết hiện thực và cởi mở như thế này từ lâu rồi.
Trà Mi: Ông cảm nhận như thế nào về sự tiếp nhận của độc giả Hàn Quốc đối với tác phẩm “Cánh đồng bất tận”?
Ông Seo Jae-young: Sách đã được phát hành ra thị trường khoảng 3 tuần nay, và chúng tôi đã nhận được những phản hồi từ bạn đọc. Mặc dù chưa phải là phổ biến rầm rộ, nhưng cũng có khá nhiều phản hồi. Nhiều nữ độc giả bày tỏ sự xúc động khi đọc tác phẩm này.
Có người cho biết qua đó, họ hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam. Thậm chí có người còn nói rằng sau khi đọc “Cánh đồng bất tận”, họ mong muốn có dịp đến thăm Việt Nam. Những cảm nhận này có một ảnh hưởng tích cực đến cái nhìn của người Hàn Quốc đối với các cô dâu Việt Nam đang sinh sống tại đất nước chúng tôi. Người ta cho rằng không có gì giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một xã hội hơn là văn chương. Và tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư đã làm được điều đó.
Trà Mi: Đây có phải là lần đầu tiên một tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu đến độc giả Hàn Quốc?
Ông Seo Jae-young: Không, đây không phải là lần đầu. Mặc dù không có nhiều tác phẩm văn học Việt được giới thiệu tại Hàn Quốc, nhưng những tiểu thuyết đã từng xuất hiện ở đây đều rất hay và thú vị, chẳng hạn như cuốn “Áo Trắng” của tác giả Nguyễn Văn Bông được rất nhiều sinh viên đại học biết đến vào những năm 80.
Vào cuối thập kỷ 90 bước sang năm 2000, tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và quyển “Nếu anh vẫn còn sống” của Văn Lê ra mắt độc giả Hàn Quốc và rất phổ biến. “Cánh đồng bất tận” của Ngọc Tư đang tíêp nối xu hướng này.
Trà Mi: Vì sao văn học Việt Nam ít được chuyển dịch và phát hành tại Hàn Quốc?
Ông Seo Jae-young: Bởi giới độc giả Hàn Quốc đang hướng về văn chương phương Tây, ít người để ý đến các tác phẩm văn học Châu Á, và mục tiêu của Nhà xuất bản Asia chúng tôi là hướng người đọc chú ý đến nền văn chương Châu Á nhiều hơn nữa. Tuy chưa nhiều, nhưng những quyển sách đã được trình làng tại Hàn Quốc là bằng chứng cho thấy các tác phẩm văn học Việt Nam có sức thu hút đối với độc giả nước tôi.
Trà Mi: Nói riêng về quyển “Cánh đồng bất tận”, theo ông, yếu tố nào thu hút nhất đối với độc giả Hàn Quốc: nội dung câu chuyện, tính tranh cãi, hay là những mảng hiện thực của xã hội Việt Nam được mô tả trong truyện?
Ông Seo Jae-young: Chính nội dung của câu chuyện đã hoàn toàn cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối. Người Hàn Quốc biết đến Việt Nam từ cuộc chiến tranh trước đây, từ các chuyến du lịch tham quan, từ các cô dâu người Việt trên đất Hàn, hay từ các công nhân Việt xuất khẩu qua đây.
Về hoàn cảnh lịch sử, hai nước có một số điểm khá giống nhau. Cho nên, bạn đọc Hàn Quốc cảm thấy gần gũi và dễ chia sẻ với các tác phẩm văn học Việt. Trong số đó, có nhiều nam độc giả ở độ tuổi 30-40, tức thế hệ đấu tranh chống lại độc tài chính trị ở Hàn Quốc hồi những năm 90. Họ là những độc giả khó tính, luôn tìm tòi những tác phẩm có giá trị, có ý nghĩa.
Trà Mi: Xã hội Việt Nam đang ngày càng trở nên quen thuộc với văn hoá Hàn Quốc qua phim truyền hình và các sản phẩm văn hoá, tiêu dùng khác. Ngược lại, sự hiểu biết của người Hàn Quốc về văn hoá Việt Nam ra sao?
Ông Seo Jae-young: Tôi nghĩ văn hoá Việt Nam cũng dần trở nên quen thuộc đối với người Hàn. Chẳng hạn như mấy tháng nay ở đây bộ phim nhiều tập nhan đề “Cô dâu vàng” đang được trình chiếu trên TV vào giờ cao điểm hàng ngày, nói về các cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc.
Vả lại, ở Hàn Quốc cũng có các quán ăn Việt và cộng đồng người Việt, tuy không nhiều. Đôi khi tôi cũng thấy có một vài bộ phim tài liệu hay quảng cáo về du lịch Việt Nam nữa.
Trà Mi: Theo ông, yếu tố nào giúp làn sóng văn hoá Hàn Quốc xâm nhập mạnh mẽ vào các nước Châu Á đặc biệt là tại Việt Nam?
Ông Seo Jae-young: Tôi cho rằng đó là nhờ vào công nghệ và sự đầu tư tiếp thị quảng bá. Ngoài ra, cũng phải kể đến các giá trị văn hoá, truyền thống tương đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Trà Mi: Sau “Cánh đồng bất tận”, trong tương lai, nhà xuất bản Asia có dự định sẽ tiếp tục phát hành nhiều thêm các tác phẩm văn học Việt Nam?
Ông Seo Jae-young: Vâng, dĩ nhiên. “Hội các nhà văn trẻ Hàn Quốc tìm hiểu về Việt Nam” là lực lượng nồng cốt của nhà xuất bản Asia chúng tôi. Cho nên, các tác phẩm thú vị nhất mà chúng tôi đang nhắm tới là văn học Việt Nam và tôi tin rằng trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa các quyển sách hay của Việt Nam được chuyển ngữ và giới thiệu đến công chúng Hàn Quốc.
Trà Mi: Chúng tôi cũng rất hy vọng điều đó và xin chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Những bài liên quan
- Nhà báo Phan Khôi, người mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới
- Nói chuyện với nhà báo Võ đắc Danh (phần 2)
- Nói chuyện với nhà báo Võ đắc Danh (phần 1)
- Nguyễn thị Minh Ngọc: nhà văn, diễn viên, đạo diễn và nhà biên kịch (phần 1)
- Nhà văn Hoàng Đạo và Thạch Lam của Tự Lực Văn Đoàn
- 2 nhà văn Nhất Linh và Khái Hưng của nhóm Tự Lực Văn Đoàn
- Tìm hiểu về nhóm Tự Lực Văn Đoàn
- Phỏng vấn nhà thơ Viên Linh về giải thưởng do báo Khởi Hành khởi xướng
- Nói chuyện cùng nhà văn Trần thị NgH