Trà Mi, phóng viên đài RFA
Sử dụng hàng ngoại với giá rẻ. Đó là một trong những mong đợi của giới tiêu dùng trong nước đối với việc Việt Nam trở thành hội viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Đến nay, niềm hy vọng đó đã được đáp ứng ra sao?

Trước giờ, thị hiếu của đa số khách hàng Việt Nam vẫn là ưa chuộng hàng ngoại hơn hàng sản xuất trong nước, như lời phát biểu của một bà nội trợ là khách hàng quen thuộc của siêu thị Maximmark, quận 10:
“Thì dĩ nhiên phải xài hàng ngoại rồi, hàng ngoại dù sao cũng tốt hơn. Người Việt Nam khoái hàng ngoại lắm, hàng nội cạnh tranh không lại.”
Theo cam kết gia nhập WTO, ngay từ đầu năm nay, Việt Nam phải tiến hành cắt giảm thuế cho hơn 1800 mặt hàng nhập khẩu, chủ yếu đối với các sản phẩm tiêu dùng, hàng thực phẩm, và đồ gia dụng ngoại nhập.
Cho nên, nhiều người kỳ vọng với thuế suất nhập khẩu giảm như thế, thì từ nay, giới tiêu dùng nội địa sẽ là thành phần trực tiếp được hưởng lợi, vì có thể mua sắm nhiều sản phẩm ngoại chất lựơng cao với giá “mềm” hơn trước.
Thế nhưng, khảo sát trên thị trường thành phố đựơc đăng tải trên báo Tuổi trẻ mới đây ghi nhận cho tới nay, giá cả của đa số các sản phẩm ngoại nhập vẫn không có dấu hiệu được điều chỉnh. Chỉ vài mặt hàng xuống giá, nhưng mức giảm cũng chưa đáng là bao so với mức thuế nhà nước áp dụng cho hàng nhập khẩu kể từ tháng giêng.
Ngược lại, có một số mặt hàng còn tăng giá lên thêm: "Nói chung không thấy giá giảm gì cả, quần áo, thực phẩm, đồ hộp của nước ngoài lúc nào cũng mắc, có giảm đâu, cũng bình thường, có rẻ hơn gì đâu. Do đơn vị đầu mối không giảm, đến tiểu thương bán lẻ lại cũng đâu có giảm."
Nói chung không thấy giá giảm gì cả, quần áo, thực phẩm, đồ hộp của nước ngoài lúc nào cũng mắc, có giảm đâu, cũng bình thường, có rẻ hơn gì đâu. Do đơn vị đầu mối không giảm, đến tiểu thương bán lẻ lại cũng đâu có giảm.
Chưa có biện pháp kiểm soát thị trường
Đó là phản ảnh từ phía người tiêu dùng. Còn các nhà phân phối, họ giải thích ra sao trước tình trạng này? Ông Bình, công tác tại phòng xuất nhập khẩu của một siêu thị có uy tín ở phía Nam, cho biết tình hình chung:
“Thuế nhập khẩu vào thì đã đựơc điều chỉnh rồi nhưng hiện tại mấy nhà cung cấp vẫn chưa điều chỉnh giá. Họ để giá bình ổn, từ từ giảm lần lần thôi chứ không giảm liền một lúc. Nói chung tình hình giá cả hiện nay chưa có gì biến chuyển hết. Một số mặt hàng vải vóc, thực phẩm thì có giảm giá chút đỉnh chứ còn sản phẩm điện tử thì cũng vẫn vậy, chưa động tĩnh gì.
Chỉ có điều hàng sản xuất trong nước giá của họ bán lại cho mình thì cao hơn giá hàng ngoại mình nhập vào. Gía mua vào, cùng một chủng loại, nhưng hàng nhập khẩu thì rẻ hơn hàng Việt Nam thì có, nhưng bán ra trên thị trường thì hàng ngoại cũng không hạ giá chỉ có tăng chương trình khuyến mãi thôi, chứ giá vẫn vậy à.”
Còn đại diện hệ thống siêu thị tại Hà Nội thì cho báo giới biết rằng cho tới giờ vẫn chưa thấy một đơn vị cung cấp hàng ngoại nào thông báo giảm giá.
Một lý do khác cũng được các doanh nghiệp bán lẻ viện dẫn cho tình trạng thuế hàng nhập khẩu giảm mà giá thành của các sản phẩm ngoại trên thị trường vẫn không xê dịch so với thời điểm trước khi Việt Nam gia nhập WTO là vì hàng tồn kho còn nhiều, đến khi nào tiêu thụ hết và mua vào loạt hàng mới với thuế suất giảm thì sẽ bắt đầu điều chỉnh giá bán đầu ra trên thị trường một cách hợp lý.
Chính phủ thực hiện cam kết giảm thuế cho hàng nước ngoài, nhưng lại chưa có biện pháp kiểm soát thị trường và thực hiện việc giảm giá cho chính người tiêu dùng nội địa, khiến nhiều người tỏ ra thất vọng. Người dân mong mỏi điều gì?
Mình là dân lao động bình thường, mong giảm giá rẻ rẻ để tiêu xài nhưng không có thì đành chịu. Giảm giá thì người ta xài nhiều hơn, còn không giảm thì người ta xài ít đi vì thấy mắc đâu ai dám mua.
Còn nhớ trước thềm Việt Nam hội nhập sân chơi mậu dịch thế giới, một trong những lý do khiến dân chúng ủng hộ và nao nức chờ đón sự kiện này là hy vọng sẽ có cơ hội tiếp cận cũng như sử dụng hàng hoá của các nước trên thế giới với giá phải chăng, hợp lý. Viễn ảnh đó đến bao giờ sẽ trở thành hiện thực? Xin dành câu trả lời cho các cơ quan hữu trách.