Hiền Vy, thông tín viên đài RFA
Ngày 23 tháng 9 năm 2007 giới hâm mộ nghệ thuật điện ảnh Houston đã hội ngộ tại đại sảnh đường Stafford Performing Arts để vinh danh nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh, người phụ nữ Việt Nam đã phục vụ nghệ thuật trong suốt 50 năm qua. Hiền Vy từơng trình từ Houston, Texas.

Đối với một phụ nữ Việt Nam, phục vụ nghệ thuật điện ảnh không ngừng nghỉ trong suốt 50 năm, trải qua bao nhiêu biến cố thời cuộc, quả là một thành đạt hiếm có. Kiều Chinh tên thật là Nguyễn Thị Chinh sinh năm 1937 tại Hà Nội. Sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước năm 1954 đã vào Nam một mình. Gặp nhiều khó khăn nhưng đã vượt qua để sống còn ...
“ Khi Nam Bắc chia đôi thì hàng triệu người bỏ miền Bắc di cư vào Nam thì Kiều Chinh cũng lạc loài trong hàng triệu người di cư đó. Lúc mới đầu xa gia đình rất là khó khăn khổ sở. Cám ơn Trời Phật, Bề trên đã giúp cho vượt qua để sống còn ”
Năm 1957 Kiều Chinh mở đầu sự nghiệp điện ảnh với vai chính trong phim Hồi Chuông Thiên Mụ với hãng phim Tân Việt bằng sự tình cờ như có một xếp đặt vô hình:
“Điện ảnh tìm tới tôi chứ không phải tôi đi tìm điện ảnh. Tình cờ hôm đó tôi đang đi ngoài đường, thì có một người Mỹ tới vỗ vai và hỏi tôi có biết nói tiếng Anh không. Tôi quay lại nhìn và nghĩ rằng ông ta nhầm người.
Có lẽ hiểu được cái nhìn của tôi nên ông ta xin lỗi và nói là ông ta trong một nhóm làm film từ Hollywood tới. Ông đạo diễn Joseph Mankiewicz đang ngồi bên kia đường, nói là thấy tôi đi bên này đường có cái dáng của một người Việt Nam mà ông ta đang tìm kiếm thì ông ta mời tôi qua để nói chuyện. Họ đưa cho tôi một cái script, lúc đó họ sửa soạn quay cuốn film Người Mỹ Thầm Lặng tức là The Quiet American.
Trước khi trở lại để quay thử, tôi có xin phép gia đình nhà chồng, mà chồng tôi lúc đó đang ở bên Mỹ, thì gia đình không chấp nhận chuyện đó. Tôi trở lại hãng film và trả lời là tôi không đóng film được, nhưng họ vẫn mời tôi tới dự buổi tiếp tân để bắt đầu quay film. Tôi tới dự reception đó thì gặp được ông Bùi Diễm, hãng film của ông đang kiếm người để đóng trong phim Hồi Chuông Thiên Mụ.
Điện ảnh tìm tới tôi chứ không phải tôi đi tìm điện ảnh. Tình cờ hôm đó tôi đang đi ngoài đường, thì có một người Mỹ tới vỗ vai và hỏi tôi có biết nói tiếng Anh không. Tôi quay lại nhìn và nghĩ rằng ông ta nhầm người.
Ngày hôm sau ông Bùi Diễm nhờ tài tử Lê Quỳnh đến nhà để xin phép cho tôi đi đóng film. Gia đình chồng tôi hỏi về vai trò tôi đóng và về chuyện film thì anh Lê Quỳnh nói đây là vai một NiCô trong Chùa Thiên Mụ. Gia đình tôi là gia đình Phật giáo nên các cụ vui vẻ cho đi đóng phim. Đó là lý do tôi được đi đóng film và trở thành tài tử, kể từ film Hồi Chuông Thiên Mụ “
Năm 1965 Kiều Chinh đã đóng chung với các tài tử nổi tiếng của Mỹ như Burt Reynolds trong phim “Operation C I A”.
Năm 1970, Kiều Chinh là diễn viên chính trong film chiến tranh Người tình không chân dung. Năm 1973 trong Đại Hội Điện Ảnh Á Châu tại Đài Bắc, Người Tình Không Chân Dung đã nhận được 2 giải thưởng là “phim chiến tranh hay nhất” và “Nữ diễn viên xuất sắc nhất”.
“Có thể nói Người Tình Không Chân Dung là cuốn film đầu tiên và duy nhất có sự hiện diện đông đủ các binh chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Nếu không có sự hợp tác của quân đội và chính phủ thì không có một tư nhân nào có thể thực hiện được. Lúc đó trung tá Trần văn Ân đại diện cho Bộ Tổng Tham Mưu liên lạc với các tổ chức dân sự.
Việc điều động như là một sự phối hợp chính xác về phương tiện, về thời gian, về nhân sự và luôn cả về khía cạnh an ninh của việc điều động quân sĩ với những cảnh vĩ đại như là cảnh 3 ngàn quân lính hát bài Việt Nam Việt Nam trên bãi biển Nha Trang. Cho một cảnh quay máy bay cất cánh, cảnh trực thăng phải điều động thế nào, cảnh cả mấy chục chiếc xe tăng đổ bộ, rồi cảnh cả một đoàn convoy vừa từ mặt trận về.
Tất cả những cuộc điều khiển cho sự quay phim giống như là điều khiển một cuộc hành quân lớn vậy đó. Những ngày quay phim đó, từ mặt trận này đến mặt trận khác, rồi tới cảnh quay ở nhà thương. Đây là kỷ niệm mà trong đời không bao giờ có thể quên được. Hằng ngày Kiều Chinh phải gặp gỡ những chiến binh bị thương, người mù mắt, người cụt chân, người cưa cánh tay, rồi những bà mẹ ngồi quạt cho con, những người vợ tới khóc lóc, rồi những đứa con ôm chân của bố ...
Phim Người Tình Không Chân Dung không hề được quay ở một phim trường nào cả mà hoàn toàn là quay ở ngoài mặt trận cũng như là những nơi thật sự có chiến tranh. Và trong phim này các tài tử đóng phim cũng toàn là các anh trong nhà binh. Nam tài tử chính là trung tá biệt kích Vũ Xuân Thông, Dương Hùng Cường, Hà huyền Chi, Minh Đăng Khánh, Minh Trường Sơn, trung tá Nguyễn Mộng Hùng, Trần Quang, Tâm Phan ... ”
Nhiều người cho rằng phim Người Tình Không Chân Dung đã đưa Kiều Chinh lên đài danh vọng, nhưng với Kiều Chinh thì danh vọng không phải là điều Kiều Chinh nghĩ đến:
“Kiều Chinh chỉ nghĩ là mình đã rất vinh dự có mặt trong một cuốn phim mà có đầy đủ hình ảnh của binh chủng của VNCH. Đây là một cuốn phim trở thành tài liệu của quân đội miền Nam Việt Nam, quí vô cùng ”

Theo sau sự thành công vượt bực của Người Tình Không Chân Dung, Kiều Chinh đã ký nhiều hợp đồng với các hãng phim ngoại quốc, cùng lúc đó cuộc chiến Việt Nam ngày càng khốc liệt.
Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 75, Kiều Chinh đã hoàn tất 2 cuốn phim quay tại Bankok và đến ngày 15 tháng 4 khi phim Full House vừa quay xong tại Singapore, thì Saigon đang rất sôi động. Trong khi hàng triệu người đang tìm đường rời Việt Nam thì Kiều Chinh đã vội vàng trở về nước, bởi lúc ấy, chồng và gia đình chồng đang ở VN trong khi các người con thơ dại của Cô lại đang học ở Canada.
“Các con kêu gọi bố mẹ phải rời Vietnam, thì lòng Kiều Chinh bị ray rức giữa cảnh đi hay ở, vì một nửa muốn ở lại với hy vọng gặp được Bố là người vẫn mong đợi bao nhiêu năm, nhưng lòng người Mẹ đã nghĩ tới các con nhiều hơn, Sợ nếu bị kẹt lại thì các con sẽ bị rơi vào hoàn cảnh giống như mình đã bị xa Bố từ năm 1954, nên tôi đã quyết định ra đi một mình sang Canada với các con... Ôm được 3 con trong lòng với sự xúc động mẹ con được sum họp thì cũng đồng thời nước mắt trào ra nhức nhối, khổ đau với cái tin là Sàigon đã thuộc về bên kia ...”
Từ Canada, với sự giúp đỡ của Tippie Hedren, Kiều Chinh đến HoaKỳ và tiếp tục sự nghiệp diễn xuất của mình trong loạt phim M*A*S*H* chiếu dài hạn trên các hệ thống truyền hình. Nhiều người cho rằng có vài chuyện phim đã dựa trên câu chuyện về cuộc đời của chính Kiều Chinh:
“Trong một buổi tiệc ra mắt của film JAW, bà Tippie mời tôi cùng đi. Tôi rất là lạc lõng. Tôi đứng một mình trong góc thì có một ông producer của MASH, ông thấy tôi đứng như vậy thì hỏi mọi người và ông ấy được trả lời đó là một tài tử nổi tiếng của Việt Nam mới tới đây như một người nghệ sĩ lưu vong. Câu chuyện chỉ dựa trên lần gặp gỡ tôi thôi, chứ không phải là chuyện cuộc đời của tôi ”
“Thời gian đóng film đó tôi rất xúc động vì lúc ấy mình mới di cư sang đây, còn rất vất vả Và mình lập lại bằng con số 0. Mất quê hương, mất tiếng nói, mất cả tên tuổi... mà bây giờ mình được trở lại trên sàn quay với như là một người tài tử chính thì tôi rất xúc động nhưng đến ngày cuối cùng khi quay film xong, tôi trở về, đóng cửa phòng lại thì nước mắt trào ra ... tôi khóc...
Thời gian đó tôi nghĩ rằng sau đó mình sẽ đóng nhiều vai lớn lắm sẽ nổi tiếng ... nhưng sự thật không phải vậy. Khi đó film MASH xong rồi tôi cũng làm việc liên tục, không có năm nào ngừng cả nhưng không có những vai lớn lao như lúc đầu mình tưởng tượng đâu.”
Năm 1980 Kiều Chinh vừa là cố vấn kỹ thuật vừa là tài tử trong film “The Children of An Lạc” chiếu trên hệ thống truyền hình CBS nhiều lần. Film quay tại Phi Luật Tân, nói về chuyện di tản các trẻ em mồ côi Việt Nam. Kiều Chinh đóng vai cô giáo, giữ trách nhiệm lo di chuyển các em:
“Đây là một câu chuyện có thật về một chuyến bay di tản các em trong cô nhi viện trước 75 mà bị nổ tung, gần như là khoảng 300 em đã chết trong chuyến bay đó. Và sau đó có chuyến bay khác di tản các em cô nhi sang Mỹ mà theo hình ảnh của lịch sử giữ lại thì Tổng Thống Ford đã đứng đón khi máy bay đáp xuống phi trường Mỹ. Cuốn film đó được chiếu rất nhiều lần và được nhiều giới khán giả Mỹ xem vì đây là một film phỏng theo sự thật”
Trong một buổi tiệc ra mắt của film JAW, bà Tippie mời tôi cùng đi. Tôi rất là lạc lõng. Tôi đứng một mình trong góc thì có một ông producer của MASH, ông thấy tôi đứng như vậy thì hỏi mọi người và ông ấy được trả lời đó là một tài tử nổi tiếng của Việt Nam mới tới đây như một người nghệ sĩ lưu vong. Câu chuyện chỉ dựa trên lần gặp gỡ tôi thôi, chứ không phải là chuyện cuộc đời của tôi .
Năm 1986 Kiều Chinh đóng film The Girl who spelled Freedom, Người thiếu nữ khao khát tiếng Tự Do, vai một người đàn bà Lào, dẫn 5 con đi vượt biên. Họ đã đến được bến bờ tự do. Một cô con gái của Bà đã thắng giải nhất trong cuộc thi Spelling Bee, tổ chức hàng năm tại Mỹ và đã được vào Toà Bạch Ốc gặp Tổng Thống HoaKỳ. Kiều Chinh cho biết Người Thiếu Nữ Đánh Vần Tiếng Tự Do đã trở thành phim tài liệu:
“Đây cũng là một câu chuyện thực... Cuốn phim này được chiếu rất nhiều lần và về sau này trở thành như cuốn phim tài liệu cho các học sinh trung và tiểu học nên rất nhiều thế hệ trẻ coi phim này”
Trong loạt phim Việt Nam War Stories, đóng cho hệ thống HBO năm 1989, Kiều Chinh bị phân vân lẫn lộn giữa một quá khứ thật của đất nước và sự dàn dựng của ánh đèn,
“Đây là những cuốn film về chiến tranh VN qua mắt nhìn của người Mỹ mà thôi. Tuy nhiên vì vừa là diễn viên vừa là cố vấn về kỹ thuật trong cuốn film nên hằng ngày phải trực diện với cảnh chiến tranh, cảnh đổ nát, cảnh chết chóc, cảnh nhà cháy, cảnh khổ đau, nên lòng mình nó ngổn ngang. Tôi bị lẫn lộn bởi sự kiện lịch sử, của quê hương mình, của đồng bào mình và sự việc xảy ra dưới ánh đèn, trước máy quay phim.”
Năm 1993 Kiều Chinh đóng vai Suyan trong film The Joy Luck Club, viết từ cuốn truyện nổi tiếng cùng tên của Amy Tan. Chuyện về 4 bà Mẹ Người Tàu sang Mỹ lập nghiệp. Có thể nói đây là cuốn phim Á Châu đầu tiên được Hollywood chú ý và được khán giả Mỹ thích nhất thời bấy giờ. Sau khi phim trình chiếu một thời gian, Kiều Chinh đi đến đâu cũng được khán giả nhận diện ...
“Sau thời gian chiếu, lúc đó ở Los Angels có bạo động. Một buổi tối tôi đi chợ trễ, khi đẩy xe ra parking lot thì có một người thanh niên cao lớn, chạy tới. Tôi sợ quá vì đang có riot xảy ra, nên tôi tưởng người thanh niên này đánh mình hay làm hại gì mình, tôi vội vàng cầm cái chìa khóa và nắm chặt cái ví ở vị thế sẵn sàng chủ động thì người thanh niên này ôm chầm lấy tôi, tôi sợ quá thì anh ta nói “tôi cám ơn bà trong vai trò người mẹ của film The Joy Luck Club vì mẹ tôi vừa mới mất, coi phim này tôi khóc quá …”
Trong thời gian từ 1993 đến nay, Kiều Chinh đã đóng rất nhiều phim nữa, nhưng có lẽ gần đây nhất và đặc biệt nhất phải kể đến vai Bà Nội trong phim Vượt Sóng mới chiếu khoảng thời gian 30 tháng Tư, 2007. Journey of the Fall đã làm không biết bao nhiêu đồng hương cũng như khán giả Mỹ khóc sụt sùi kể cả khán giả nam giới.
“Chẳng phải khán giả khóc không đâu, tôi là người đóng phim, là nhân vật của film mà mỗi lần coi tôi đều khóc. Tôi đã coi trên 10 lần vì mỗi lần phim chiếu ở đâu thì đạo diễn Trần Hàm và nhà sản xuất Lâm Nguyễn đều gởi tôi đi theo phim. Mỗi lần ngồi trong bóng tối cùng khán giả xem phim thì tôi đều khóc.
Tôi không phải là thuyền nhân, cũng không bị ở tù như các anh em trong quân đội của mình đã đi tù cải tạo, nhưng qua film này tôi hiểu được những người bị đi tù cải tạo, thông cảm hơn những thuyền nhân bị khổ như thế nào. Câu chuyện không phải là viết cho riêng ai, hay là viết cho một hoàn cảnh, bởi vì đạo diễn Trần Hàm hay Lâm Nguyễn đã phỏng vấn cả ngàn người cải tạo và thuyền nhân để lấy sự thật, rồi viết lại, để thấy lịch sử đã xẩy ra cho năm 1975 khi Sàigòn thất thủ.
Và hàng trăm ngàn người đi tù cải tạo và sau đó hàng bao nhiêu ngàn người đi vượt biên bằng đường biển và biết bao nhiêu người đã bỏ mình ngoài biển cả. Những ngày lập lại đời sống trên xứ lạ quê người khó khăn như thế nào.
Gần như người Việt Nam nào đi coi cũng khóc vì ai cũng tìm thấy đây là câu chuyện của chính mình, của chính gia đình mình hay của chính những người thân yêu, của bạn bè mình đã trải qua và hầu như gia đình nào cũng muốn cho con cháu đi coi để những thế hệ trẻ biết được cha ông đã trải qua những gì.
Hôm chiếu phim ở Sundance Film Festival, khi vừa xong, đèn bật lên, nước mắt tôi hãy còn chảy thì có một người đàn ông Việt Nam chạy đến quì xuống bên chân tôi, khóc và nói cảm động quá, cảm động quá Kiều Chinh ơi”
Với sự góp mặt trên 100 cuốn phim trong 50 năm phục vụ điện ảnh, Kiều Chinh đã nhận được nhiều giải thưởng cao quí nhưng cũng trải qua không ít thăng trầm trong cuộc đời. Hồi tưởng lại những vui buồn trong thời gian sinh hoạt nghệ thuật, Kiều Chinh xúc động gửi lời cám ơn đến tất cả mọi người Cô đã gặp cũng như đến tất cả khán giả đã thương mến Cô
“ Kiều Chinh xin gửi lời cám ơn chân thành đến tất cả mọi người mà trên con đường dài 50 năm Kiều Chinh đi qua đã gặp trong sinh hoạt điện ảnh. Kiều Chinh muốn nói chữ Cám Ơn bằng nhiều thứ tiếng tới những dân tộc mà Kiều Chinh đã làm việc và xin cám ơn vô cùng đến khán giả của Kiều Chinh trong suốt 50 năm qua. Xin chúc tất cả mọi người mọi điều tốt đẹp. ”