Công luận phản đối cổ phần hoá bệnh viện Bình Dân

0:00 / 0:00

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Hãy cứu lấy Bệnh Viện Bình Dân, ý kiến của các nhà trí thức và chuyên gia đã đồng loạt phản đối chương trình cổ phần hoá bệnh viện Bình Dân ở Saigon. Tại sao công luận lại có nhiều bức xúc như vậy. Đây là đề tài chúng tôi đọc báo trên mạng cùng quí thính giả.

HopitalDoctor200.jpg
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân. Hình của báo Lao Ðộng.

Chính phủ Việt Nam có chủ trương thí điểm cổ phần hoá một số bệnh viện ở TP.HCM trong đó nổi bật là bệnh viện Bình Dân. Ý tưởng này đã có từ năm 1998, và khi câu chuyện này trở thành một kế hoạch với đề án cụ thể, thì nảy sinh luồng dư luận phản bác kịch liệt.

Bệnh viện Bình Dân có bề dày lịch sử nửa thế kỷ, là bệnh viện đầu ngành về mổ nội soi, ngoại niệu, thận. VN Express trích lời ông Nguyễn Thế Dũng, giám đốc sở y tế TP.HCM bảo vệ quan điểm cần cổ phần hoá bệnh viện này với lý do cơ sở vật chất xuống cấp và hiện đang trong giai đoạn trả nợ đầu tư trang thiết bị là 65 tỷ đồng.

Theo lời ông Dũng, muốn đổi mới công nghệ cho người dân được hưởng trang thiết bị hiện đại, không còn con đường nào khác ngoài việc cổ phần hoá.

Chúng tôi trao đổi nhanh với một nhà trí thức có mặt trong buổi thảo luận ngày 5 tháng 6 của Uỷ Ban Mặt Trận Tổ Quốc TP.HCM, đó là bác sĩ Huỳnh Hoà Thanh, nguyên phó giám đốc bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM:

“Quan điểm của ông là lợi nhuận khai thác từ chính người bệnh nghèo là có tội với dân. Việt Nam chưa tới trình độ phát triển để có thể cổ phần hoá bệnh viện, bởi vì hiện nay bảo hiểm y tế giá trị phục vụ còn quá thấp chưa bao giờ phù hợp kỹ thuật cao. BS Huỳnh Hoà Thanh phản bác ý kiến cổ phần hoá bệnh viện công, chứ không riêng gì trường hợp BV Bình Dân…”

Bức xúc

Quan điểm của ông là lợi nhuận khai thác từ chính người bệnh nghèo là có tội với dân. Việt Nam chưa tới trình độ phát triển để có thể cổ phần hoá bệnh viện, bởi vì hiện nay bảo hiểm y tế giá trị phục vụ còn quá thấp chưa bao giờ phù hợp kỹ thuật cao. BS Huỳnh Hoà Thanh phản bác ý kiến cổ phần hoá bệnh viện công, chứ không riêng gì trường hợp BV Bình Dân

Vietnam Net tường thuật cuộc thảo luận ngày 5 tháng 6 của uỷ ban mặt trận tổ quốc ở TP.HCM, theo đó nhiều đại biểu căng thẳng đến mức bức xúc kêu gọi rằng hãy cứu lấy bệnh viện Bình Dân.

Theo nhà báo, hầu hết các đại biểu trong buổi thảo luận cho rằng, chức năng Nhà nứơc qua các bệnh viện công, là chăm sóc sức khoẻ nhân dân, sức khoẻ người nghèo, nếu cổ phần hoá bệnh viện là chuyển từ chức năng phục vụ sang làm kinh doanh. Tờ báo trích lời ông Đinh Phong chủ tịch hội nhà báo TP.HCM nói rằng, cổ phần hoá bệnh viện công là kinh doanh siêu lợi nhuận trên sức khoẻ người dân.

Vietnam Net trích lời Tiến sĩ Phạm Minh Trí, chủ tịch hội khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM, theo đó cổ phần hoá Bệnh Viện Bình Dân là cầm đèn chạy trứơc ôtô, trong khi chưa có ôtô và chưa có cả đèn.

Theo lời ông Trí, hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nhất là cho người nghèo, là một hoạt động chính trị xã hội, chứ không phải xã hội hoá đơn thuần. Tiến sĩ Trí cho rằng cổ phần hoá bệnh viện là chạy theo mục đích lợi nhuận, kinh doanh, từ bỏ mục đích chính trị là chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Mặc dù đề án có bao gồm giải pháp sau khi đã thực hiện cổ phần hoá thì Bệnh Viện Bình Dân vẫn thực hiện chức năng khám chữa bệnh cho người nghèo, bằng nguồn cổ tức của phần vốn Nhà nứơc chuyển sang, nhưng các đại biểu đều nhất quyết không tin. Ông Phạm Văn Hải phó chủ tịch UBMTTQ TP.HCM nhận định rằng, tiền chăm sóc bệnh nhân được xen từ lợi nhuận của cổ đông, làm sao chăm sóc được tốt.

Trả lời Nam Nguyên, Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội bày tỏ quan điểm của ông đối với vấn đề cổ phần hoá bệnh viện Nhà nứơc:

“Ở đây có vấn đề là khi cổ phần hoá thì bệnh viện phải hoạt động kinh doanh, mà như vậy thì người nghèo gặp khó. Bệnh viện sẽ có thể từ chối bệnh nhân nghèo vì lý do phải bảo vệ quyền lợi cổ đông tư nhân.”

Sự ngụy biện trắng trợn

Trong cuộc thảo luận ngày 5/6 tại TP.HCM, giáo sư Trần Đình Bút cho rằng đề án cổ phần hoá bệnh viện Bình Dân có sự khuất tất về phương pháp tính toán, xác định gía trị bệnh viện tức là xác định giá trị doanh nghiệp.

Ở đây có vấn đề là khi cổ phần hoá thì bệnh viện phải hoạt động kinh doanh, mà như vậy thì người nghèo gặp khó. Bệnh viện sẽ có thể từ chối bệnh nhân nghèo vì lý do phải bảo vệ quyền lợi cổ đông tư nhân.

Theo Vietnam Net, giáo sư Bút cho thấy là đề án không tính đến giá trị đất đai và giá trị thương hiệu, ông cho rằng đó là sự nguỵ biện trắng trợn, biến tài sản lớn của toàn dân thành tài sản của cá nhân. Giáo sư Trần Đình Bút tính toán rằng, với diện tích 20 ngàn mét vuông tại vị trí quá lý tưởng, mặt bằng của bệnh viện có giá trị hơn 2 ngàn tỷ đồng.

Trong đề án ấn định vốn điều lệ của bệnh viện chỉ có 150 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nứơc 90 tỷ đồng, vốn huy động từ tư nhân 60 tỷ. giáo sư Bút nhận định là nếu so với giá trị đề án nêu, thì mua 1 cổ phần bệnh viện Bình Dân sẽ lãi gấp 23 lần.

Đó là chưa kể là thương hiệu bệnh viện Bình Dân cũng không được tính toán vào phần giá trị doanh nghiệp. Đối với những lo ngại về việc cổ phần hoá khuất tất sẽ làm thất thoát tài sản Nhà nứơc vào tay tư nhân. Một doanh nhân ở TP.HCM phát biểu:

“Không phải chỉ có Bình Dân thí điểm, ở một số bệnh viện khác đã có chuyện ban giám đốc họp nhân viên lại để nói về nhu cầu cổ phần hoá. Đồng thời ban giám đốc động viên thuyết phục nhân viên nhượng lại số cổ phần ưu đãi của họ cho ban giám đốc. Như thế ở hội đồng quản trị vẫn là người Nhà nứơc, nhưng lợi nhuận không còn của Nhà nứơc mà chảy vào túi những người này.”

Thưa quí thính giả, qua các bài báo mà chúng tôi trích đọc, có thể nhìn thấy các tác giả đề án cổ phần hoá bệnh viện Bình Dân đã có nhiều sơ hở , mặc dù Sở Y Tế TP.HCM là đơn vị chủ trì thì ủng hộ hết mình.

Nếu đề án này chỉ dừng lại trên giấy tờ, nếu bệnh viện Bình Dân vẫn cứ mãi mãi là bệnh viện công lập, thì người nghèo vẫn còn chỗ dựa. Tuy vậy những người không hài lòng sẽ là ban giám đốc, cán bộ công nhân viên bệnh viện Bình Dân.

Bởi vì họ dự kiến được mua cổ phần giảm giá tới 40% so với đấu giá bình quân, tính theo ưu đãi mỗi năm thâm niên được mua 100 cổ phần. Ngoài ra cán bộ công nhân viên mỗi người còn được mua thêm 100 cổ phần ngang mức đấu giá trung bình.