Tăng học phí, lợi hay hại?

0:00 / 0:00

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Chuyện đồng loạt tăng học phí ở TP.HCM gấp ba lần, đang là đề tài tranh luận trên các báo in cũng như báo mạng. Hà Nội cũng râm ran dù chuyện tăng tiền học mới thí điểm cho 5 trường mầm non. Hôm nay chúng tôi tổng hợp thông tin các báo điện tử về vấn đề này cùng quí thính giả.

EducationStudent200.jpg
AFP PHOTO

Trường công lập trên địa bàn TP.HCM sẽ tăng học phí gấp ba ngay từ năm học 2007-2008. Theo tường thuật của Tuổi Trẻ Online thì điều này đã gần như chắc chắn, UBND TP đã chấp thuận chủ trương này theo đề nghị của Sở Giáo Dục và Sở Tài Chính, Hội Đồng Nhân Dân TP cũng thảo luận đề tài này trong phiên họp ngày 3/7.

Một cán bộ về hưu ở TP.HCM đưa ra nhận xét của mình: "Chính quyền muốn lo cho đời sống giáo viên được tốt hơn, để họ khỏi chạy vạy này nọ…thành ra phải tăng học phí thôi…"

Chuyện tăng tiền trường đã gây ra một làn sóng phản biện dữ dội trong công luận, không kém gì chuyện làm ngừng đề án cổ phần hoá Bệnh Viện Bình Dân mới đây.

Thanh Niên Online có bài với tựa ‘Học phí tăng, người nghèo rơi nước mắt’ tờ báo dành chỗ trình bày ý kiến độc giả. Hầu như đều là ý kiến phản bác chủ trương tăng học phí đột ngột và quá cao. Bạn đọc Hoàng Điệp ở quận Gò Vấp cho biết thu nhập hàng tháng của gia đình khoảng 3 triệu đồng, nhà có hai cháu còn nhỏ đang đi học.

Với mức tăng học phí gấp ba lần như dự kiến thì sẽ phải cho một cháu ở nhà, vì hiện nay vật giá mọi thứ đều tăng quá cao.

Trường công, trường tư, trường quốc tế

Theo Vietnam Net, ông Đinh Phong, nguyên chủ tịch Hội Nhà Báo TP.HCM góp ý tại hội nghị Uỷ Ban Mặt Trận Tổ Quốc ngày 28/6 rằng, các lãnh vự y tế, giáo dục cần chứng tỏ bản chất xã hội chủ nghĩa là lo cho người nghèo. Cần phân định rõ trường công, trường tư, trường quốc tế.

Ông Đinh Phong cho rằng, loại hình trường không phải công lập, có thể có mức học phí cao để phục vụ những gia đình có tiền. Còn đã là trường công thì phải có mức học phí thật rẻ để những gia đình lao động bình thường, gia đình nghèo có thể cho con em đi học. Ông Đinh Phong còn đưa ra nhận định là, trước đây Việt Nam còn khó khăn, nhưng từng áp dụng chế độ giáo dục và y tế miễn phí, nay cuộc sống đã khá hơn, sao lại tăng mức thu.

Vị cán bộ hưu trí cũng tán thành nhận xét vừa nói: "Ưu việt của xã hội chủ nghĩa là đi học miễn phí, nhà thương miễn phí Cái đó nhà nước phải lo…. Bây giờ người thu nhập thấp thì quá thấp và đông, người thu nhập cao thì quá cao và số ít. Mất quân bình ở chỗ này."

Sự giải thích của Sở Giáo Dục Đào Tạo về chủ trương tăng học phí cho phù hợp mức tăng lương tối thiểu của Nhà nước không được dư luận đồng tình. Như lời ông Đinh Phong thì đặt cơ sở như vừa nói là không hợp lý, danh nghĩa tăng lương gấp ba lần nhưng thực chất có được bao nhiêu. Vả lại lương đâu phải chỉ để chi cho học phí, mà còn phải trang trải các khoản chi tiêu khác.

Trên hầu hết các báo, trong đó có Tuổi Trẻ Online, SGGP điện tử, Bà Dương Ngọc Thanh, phó giám đốc sở GD-ĐT TPHCM nói rằng mức thu học phí công lập hiện nay tại TP.HCM được xây dựng và thực hiện từ năm 1998, từ đó đến nay mức lương tối thiểu đã được Nhà nước nâng lên nhiều lần, gộp chung thì vào khoảng 312% tức hơn ba lần một chút.

SGGP đưa ra mức tăng học phí cụ thể, theo đó trước kia một hoc sinh bậc mầm non công lập đóng đủ các khoản thu vào khoảng 58 ngàn một tháng, nay sẽ có thể phải đóng 400 ngàn đồng tức tăng gần 7 lần. Dĩ nhiên không phải trường nào cũng tăng giống nhau và bậc học mầm non là tăng nhiều nhất, giới chức Sở GD-ĐT nói rằng tuỳ khu vực, tuỳ trường bậc học nhà trẻ bán trú thấp nhất 290 ngàn và cao nhất là 390 ngàn chưa kể tiền ăn của các cháu.

Riêng bậc tiểu học là chịu ít ảnh hưởng nhất, học sinh học 1 buổi không phải đóng học phí mà chỉ đóng 30 ngàn đồng một tháng gọi là phí xây dựng trường lớp. Học hai buổi thì thu phí 90 ngàn đồng tháng. Ở bậc trung học cơ sở lúc trước đóng gộp nhiều thứ phí khoảng 24 ngàn một tháng thì nay tăng lên 90 ngàn đồng. Bậc học phổ thông mức học phí mới là 140 ngàn một tháng so với trước kia là khoảng 39 ngàn. Vị Cán bộ hưu trí TP.HCM nhận xét:

“ Trường công đóng tiền nhiều lắm, đủ thứ linh tinh. Bây giờ lo con đi học ở Việt Nam là cả một vấn đề.”

Mức khả thi?

Thật ra những con số vừa nói chỉ có tính cách hình dung, theo Thanh Niên Online, ở Saigon hiện vẫn có loại trường công lập theo mô hình trường tiên tiến. Điển hình là Trung Học Phổ Thông Lê Qúi Đôn học phí 800 ngàn một tháng, và Trung Học Cơ Sở Nguyễn Du học phí 930 ngàn một tháng. Học phí của các trường này được xác định theo cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ chất lượng cao, mức học phí này phải được lãnh đạo thành phố và Sở GD-ĐT thông qua.

Tất nhiên, chủ trương tăng học phí gấp ba bốn lần cũng phải có những lý do được mô tả là chính đáng trên khía cạnh nào đó. Bà Dương Ngọc Thanh, phó giám đốc sở giáo dục đào tạo TP.HCM nói với báo SGGP rằng, mức thu học phí hiện hành không được xây dựng trên cơ sở thu đủ chi sau khi được phân bổ ngân sách.

Thành phố dành 20% ngân sách cho giáo dục nhưng cũng chỉ đủ cho 1/3 mức chi thực tế của nhà trường. Ngoài chuyện tăng gấp ba lần, theo đề nghị mới thì sau này phụ huynh chỉ đóng 1 loại tiền gọi chung là học phí mà thôi. Hiện nay phụ huynh ngoài học phí còn phải đóng góp 9 khoản lặt vặt khác.

Việc phải tăng học phí công lập gấp 3 lần, theo người đại diện sở giáo dục đào tạo TP.HCM là nhằm thực hiện điều chỉnh tiền lương mới, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, theo hàm ý là có hỗ trợ thu nhập cho giáo viên và nhân viên nhà trường.

Bà Dương Ngọc Thanh nhấn mạnh sẽ có những biện pháp để tránh việc học sinh phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí, qua các chương trình miễn giảm học phí và cấp học bổng cho học sinh nghèo.

Đồng hành cùng những ý kiến được báo chí phản ánh, một nhà doanh nghiệp trẻ phát biểu:

“Tăng học phí nhiều như thế không khả thi, tuy cũng có những người dư tiền đóng học phí cao như thế, nhưng còn những người lao động, người thu nhập bình thường họ không thể nào kham nổi. Sẽ đưa đến tình trạng nhiều học sinh bỏ học, mà như thế thì chính phủ sẽ không cho thực hiện tăng học phí đâu…”

Cùng với các thông tin từ TP.HCM, ở Hà Nội ngành chức năng cũng có kế hoạch thí điểm chuyển đổi 5 trường mầm non thuộc Sở GD-ĐT sang trường cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Mức học phí của 5 trường này sẽ tăng gấp 3 lần, bao gồm Mầm Non A, Mầm Non B, trường 20/10, trường Mầm Non Việt Triều và Việt Nam-Bulgarie.

Cụ thể thì có trường sẽ tăng học phí mẫu giáo lên tới 600 ngàn một tháng ngay từ niên học mới 2007-2008. Trong 2 năm đầu 5 trường này sẽ là thí điểm trường công lập tự chủ tái chánh với cơ sở vật chất của Nhà nước nhưng không được cấp ngân sách kể cả tiền trả lương gáio viên. Sau đó 5 trường Mầm Non vừa nói sẽ tiến hành cổ phần hoá để chuyển sang tư thục. Nếu chương trình này thành công, Hà Nội sẽ mở rộng mô hình ra các quận huyện.

Cũng như tại TP.HCM, câu chuyện tăng học phí trường công lập Mầm Non ở Hà Nội bị phản ứng chống đối dữ dội. Đa số ý kiến các báo đăng tải cho thấy người lao động, người thu nhập trung bình e ngại con em họ bị gạt ra khỏi 5 trường Mầm Non vừa nói kể từ niên học này.