Nhiều con sông đang hứng chịu ô nhiễm vì chất thải từ các nhà máy


2007.09.30

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Nhiều con sông của Việt Nam đang hứng chịu ô nhiễm vì chất thải từ các nhà máy, trong đó có hai con sông huyết mạch của thành Phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai là sông Sài Gòn và sông Thị Vãi.

SaigonRiver200.jpg
Nhiều con sông của Việt Nam đang hứng chịu ô nhiễm vì chất thải từ các nhà máy. AFP PHOTO

Báo chí đã báo động nhiều lần về tính chất nghiêm trọng của sự ô nhiễm nhưng cho tới nay vẫn chưa có một quyết định cứng rắn nào được đưa ra nhằm hạn chế những công ty dọc hai bên bờ sông ngưng thải các hóa chất độc hại chưa qua xử lý xuống giòng chảy của hai con sông này. Mặc Lâm có bài về vấn đề này sau đây mời quý vị theo dõi.

Vấn đề ô nhiễm môi trường đã trở thành mối ám ảnh đối với dân chúng Việt Nam trong những năm gần đây. Từ những phát hiện của các cơ quan chức năng qua những vụ việc có tầm ảnh hưởng nhỏ trong một khu vực đến những cảnh báo có tầm ảnh hưởng đến hàng chục ngàn, rồi hàng triệu con người trong các thành phố thông qua các nhà máy công nghiệp thải độc chất xuống các nguồn nước không những di hại trước mắt mà về lâu về dài có khả năng tàn phá sức khỏe của nhiều thế hệ.

Hệ thống hành chánh tròng tréo

Từ thực phẩm đến nguồn nước. Từ không khí đến môi sinh, ngày nào báo chí cũng lên tiếng cảnh báo những vi phạm có tính chất trầm trọng của nhiều nhà máy trong các khu chế xuất nhưng chưa có một biểu hiện cần thiết nào nhằm răn đe hay chế tài các đơn vị vi phạm.

Hệ thống hành chánh tròng tréo đã vô hiệu hóa mọi nổ lực của chính quyền địa phương và lợi dụng những sơ hở này, nhiều nhà máy tiếp tục thải độc chất chưa qua xử lý khiến môi trường sống tại nhiều thành phố trong cả nước đứng trước nguy cơ ô nhiễm.

Một trong những di hại thấy rõ nhất là tình trạng của nhà máy nước Tân Hiệp, một nhà máy cung cấp nước sạch cho hàng triệu cư dân thuộc Thành Phố Hồ Chí Minh nay đang trong tình trạng báo động vì có nguy cơ không thể xử lý nổi nguồn nước. Lý do vì giòng sông Sài Gòn liên tục hứng chịu hàng trăm ngàn tấn hóa chất độc hại được thải ra mỗi ngày từ các nhà máy dọc theo hai bờ sông này.

Trên trang báo Tuổi Trẻ phát hành ngày 25 tháng 9 vừa qua, có đăng một bài viết mang tên "Cảnh báo cái chết của một nhà máy nước" nói về tình trạng thực tế của nhà máy nước Tân Hiệp đang trên đà bị trói tay vì khả năng lọc nước không thể thực hiện được trước những loại độc chất ngày càng nhiều và đa dạng.

Bài báo mô tả những khó khăn mà nhà máy Tân Hiệp không thể vượt qua để cung cấp nguồn nước sạch cho hàng triệu con người trong thành phố. Những người chứng kiến sự ô nhiễm đã không thể tin vào mắt của mình khi hàng tấn hóa chất độc hại được thải xuống giòng sông khiến cả một vùng sông Sài Gòn trở thành đen đặc mùi xú uế.

Cái nồng độ amoniac tăng lên cao đây là một trong những điểm gây tác động trong môi trường lỏng tác hại đến sinh vật. Khi giòng nước có nồng độ amoniac nhiều thì vi sinh vật như các loại rong tảo phát triển nhanh do đó các loại tôm cá không thể sống được vì nồng độ oxy hòa tan trong nước xuống quá thấp.

Bà Nguyễn Thị Hương, phó ban kỹ thuật phụ trách kiểm nghiệm nhà máy nước Tân Hiệp cho biết trong các chất gây ô nhiễm nặng nề đang đến độ báo động là nồng độ amoniac tăng cao gấp 20 lần so với tiêu chuẩn an toàn quy định, khiến quá trình xử lý nước liên tục gặp khó khăn và sắp đi đến mức không thể xử lý được nữa.

Mức nguy hại của các hóa chất

Không phải chỉ có sông Sài Gòn bị ô nhiễm mà thôi, một con sông khác nằm trong tỉnh Đồng Nai kế cận Thành Phố Hồ Chí Minh cũng đang dẫy chết vì ô nhiễm, đó là sông Thị Vãi chạy dọc theo vùng đông nam bộ thuộc Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và Thành Phố Hồ Chí Minh đang trong tình trạng hấp hối vì mức độ ô nhiễm trở nên khó tin.

Cả hàng chục cây số dọc theo con sông là hình ảnh đen đặc và không có dấu hiệu cuộc sống của bất cứ chủng loại nào từ các loại thủy sinh đến các loại tôm cá đều biến mất vì nồng độ oxy hòa tan trong nước xuống thấp quá mức báo động khiến không còn sự sống trong dòng sông này. Nguyên nhân cũng do chất thải công nghiệp mà ra.

Sông Thị Vãi còn bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, mùi hôi, vi khuẩn và các chất kim loại nặng khác trong đó có chì và xinauya đều vượt mức cho phép nhiều lần. Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, một chuyên gia về hóa chất nhận xét mức nguy hại của các hóa chất này như sau:

“Cái nồng độ amoniac tăng lên cao đây là một trong những điểm gây tác động trong môi trường lỏng tác hại đến sinh vật. Khi giòng nước có nồng độ amoniac nhiều thì vi sinh vật như các loại rong tảo phát triển nhanh do đó các loại tôm cá không thể sống được vì nồng độ oxy hòa tan trong nước xuống quá thấp.”

Dư luận cho rằng vì không ai chịu trách nhiệm cụ thể trong việc các chất thải độc hại được tuồn ra sông hồ mà không qua xử lý. Cũng không ai chịu trách nhiệm từng khu vực có sự hiện diện của các nhà máy công nghiệp và điều này đang dẫn đến việc các cơ quan chức năng nhìn nhau mà không có phương án đối phó.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.