Phương Anh, phóng viên đài RFA
Từ bao nhiêu năm nay, vấn đề giao thông luôn là thực trạng đáng buồn và đáng sợ ở Việt Nam. Báo điện tử Hà Nội Mới, ra ngày 30 tháng 8 vừa qua cho biết, theo thống kê của Ủy Ban An Toàn Giao Thông quốc gia thì chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã có 7.700 vụ tại nạn giao thông xảy ra trên toàn quốc, và làm gần 7000 người chết và gần 10.000 người bị thương.

Hàng ngày, trên các kênh truyền hình, truyền thanh, đều có nhiều chương trình hội thoại về giao thông để giáo dục và kêu gọi mọi người có ý thức giữ luật giao thông hầu tránh xảy ra tai nạn xe cộ. Thế nhưng, việc này hình như vẫn chưa có tác dụng gì cả.
Có lẽ vì thế mà vào đầu năm học năm nay, Bộ Giáo Dục Đào Tạo của Việt Nam ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông bằng cách nội dung giáo dục trật tự an toàn giao thông sẽ được đưa vào giảng dậy chính trong nhà trường. Đồng thời, sẽ trở thành môn học chính khoá cho các học sinh, từ cấp mẫu giáo cho tới học sinh trung học phổ thông.
Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này mời quí vị nghe các ý kiến của một số giáo viên, phụ huynh và học sinh về môn học An Toàn Giao Thông.
Nâng cao ý thức của học sinh
Để hiểu rõ thêm về việc tiến hành triển khai môn học mới An Toàn Giao Thông trong nhà trường như thế nào, Phương Anh đã liên lạc với cô Diệp Lan, trường phổ thông cơ sở Phan Đình Giót, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, là giáo viên đoạt giải xuất sắc cấp thành phố về chuyên đề an tòan giao thông năm học 2006-2007. Cô đã từng làm việc với Bộ Giáo Dục –Đào Tạo để soạn và sửa tài liệu giảng dậy cho môn học này.
Theo lời cô cho hay, hiện nay đã có những bài cố định ở trong sách giáo khoa của môn giáo dục công dân. Bộ Giáo Dục và Đào Tạo còn có cả một chương trình mà bộ đã soạn trong một giáo trình giáo dục về trật tự an toàn giao thông cho học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông.
Việc giảng dậy cho các cháu về an toàn giao thông được triển khai ngay từ đầu năm học, và tháng 9 cũng là tháng hưởng ứng phong trào an toàn giao thông. Để giảng dậy an toàn giao thông cho các cháu thì phải linh hoạt. Một tuần các cháu có 1 tiết giáo dục công dân và giáo viên dùng tiết đó kết hợp giảng dậy cho các cháu.
Giáo viên chỉ việc dùng tài liệu đó và kết hợp với kiến thức thực tế của mình để giảng dậy cho các cháu. Nhờ đó, sẽ nâng cao ý thức của học sinh hơn. Cô nói:
“Trước đây trong chương trình của học sinh cấp hai, chỉ có một hai tiết các cháu được học về ATGT, việc này không đủ để ý thức dần vào học sinh vì quá trình giáo dục nào cũng phải thường xuyên.”
Ngòai ra, theo lời cô cho biết, để giảng dậy chương trình an tòan giao thông không phải là dễ dàng vì đây là môn học rất khô khan, lại nằm trong bộ môn giáo dục công dân nên học sinh đa số đều không hứng thú cho lắm. Tuy nhiên: "Việc giảng dậy cho các cháu về an toàn giao thông được triển khai ngay từ đầu năm học, và tháng 9 cũng là tháng hưởng ứng phong trào an toàn giao thông. Để giảng dậy an toàn giao thông cho các cháu thì phải linh hoạt. Một tuần các cháu có 1 tiết giáo dục công dân và giáo viên dùng tiết đó kết hợp giảng dậy cho các cháu.
Ngoài ra, có những tiết hoạt động ngoài giờ và dùng những tiết đó để dậy cho các cháu về an toàn giao thông. Việc này tuỳ thuộc vào giáo viên kết hợp với những bộ môn, với những giờ học. Thực ra, dậy các cháu mà nói rằng ra đường các cháu phải thế này, phải thế kia, thì các cháu sẽ quên ngay vì các cháu rất hiếu động…nên phải cho các cháu tham gia trực tiếp, đặt ra những tình huống cụ thể để cho các cháu tự giải quyết lấy để khi các cháu ra ngoài đường thì có thể áp dụng.”
Phải kết hợp với gia đình, phụ huynh học sinh
Cô cũng cho biết rằng, việc giảng dậy môn An Tòan Giao Thông phải được kết hợp với gia đình, nhất là các phụ huynh học sinh, vì: "Việc này rất khó bởi vì các cô hay nhà trường dậy các cháu phải chấp hành giao thông tốt, nhưng khi ra khỏi môi trường thì lại khác. Ví dụ như học sinh của tôi, khi tôi dậy, thì có cháu đứng dậy, học sinh lớp 7, hỏi ngay: " Cô ơi tại sao đến đèn đỏ phải dừng lại, con thấy mẹ con toàn vượt đèn đỏ".
Nếu nhà trường mà dậy các cháu thật tốt, nhưng khi các cháu tham gia giao thông cùng với người lớn, mà người lớn cụ thể là bố mẹ các cháu chẳng hạn, cố tình vi phạm thì rất nguy hại.”
Về phần cô giáo mẫu giáo Thanh Hằng, hiện đang dậy tại trường Mẫu Giáo Sơn Ca quận Phú Nhuận, ở TPHCM, thì cho biết rằng, việc dậy cho các cháu ngay từ thuở ấu thơ biết về an tòan giao thông thì được triển khai từ lâu, và:
“Nội dung đơn giản hơn. Thí dụ như nhóm trẻ từ 25 đến 36 tháng thì chỉ yêu cầu chaú nhận biết được đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng, chỉ cần biết đèn xanh thì đi, đèn đỏ thì đứng lại. Còn lên 3, 4 , 5 tuổi thì yêu cầu càng lúc càng khó hơn. Thí dụ như biết đi bộ thì phải đi trên lề đường, chạy xe thì phải đi phiá tay phải, xe máy thì phải chạy sát lề đường, xe hơi thì chạy tuyến giữa…
Phải học vì đó là kiến thức cơ bản. Cho nên tầng lớp học sinh là cần phải học. Đặc biệt là dân trí của Việt Nam bây giờ thì mức độ lưu thông trên đường của những người dân vẫn chưa cao, nên phải có một tầng lớp gọi là hiểu về luật giao thông, tôn trọng luật giao thông. Vì thế, phải triển khai từ ngay bây giờ. Theo như tôi thì phải triển khai ngay từ các cháu mẫu giáo…Khi đó càng lớn, ý thức giao thông càng tốt, lúc bấy giờ tình trạng giao thông mới tốt hơn.
Khi dậy các cháu điều gì cũng phải kết hợp với phụ huynh. Trong sổ hay các buổi họp đều liên hệ với phụ huynh và yêu cầu phụ huynh phối hợp với nhà trường để vấn đề giáo dục cháu phải được thống nhất, nghĩa là cha mẹ cũng phải làm gương cho con cái luôn. Đối với mẫu giáo thì đây là một chuyên đề lớn, còn cấp 1, cấp 2, cấp 3 là một môn chính khoá.”
Khi hỏi thăm cô việc này có đạt hiệu quả phần nào với phụ huynh và các cháu hay không, cô cho biết: "Hiệu quả thì khi ra đường mới thể hiện. Chính phủ thì vẫn kêu gọi an toàn giao thông tối đa vì tai nạn xảy ra quá nhiều."
Một phụ huynh có con đang theo học cấp 2 ở Tân Định, Hai Bà Trưng, thì bi quan với việc đưa môn An Tòan Giao Thông thành môn học chính. Theo chị, việc giảng dậy này chẳng làm giảm thiểu được tình trạng giao thông hiện nay, vì:
“Nếu đưa vào chương trình học chăng nữa, em nghĩ cũng không đỡ vì cái đó thành một cái thói quen, một lề lối nên bao nhiêu năm rồi cứ nói là an toàn, an toàn, rồi cuối cùng xảy ra thường xuyên. Mặc dù hô hào cũng dữ lắm nhưng hình như ý thứ của người dân cũng chưa có. Các em được học ở trường nhưng khi ra đường thì vẫn bị thành phần khác không học đụng vô. Nếu các em thực hiên, giữ đúng luật, nhưng người khác không thực hiện thì các em vẫn bị lãnh.”
Trong khi đó, ông Doanh, chủ nhân của dịch vụ Ômô tô taxi ở quận 6, TPHCM, thì tán đồng với việc đưa vào nhà trường môn An Tòan Giao Thông. Và, theo ông, việc này phải được dậy thật kỹ lưỡng ngay từ lớp Mẫu Giáo hay cấp 1, vì khi các cháu đã sang cấp 2, cấp 3, đã có ý thức rồi mới được học thì có lẽ hơi muộn. Ông nói:
“Phải học vì đó là kiến thức cơ bản. Cho nên tầng lớp học sinh là cần phải học. Đặc biệt là dân trí của Việt Nam bây giờ thì mức độ lưu thông trên đường của những người dân vẫn chưa cao, nên phải có một tầng lớp gọi là hiểu về luật giao thông, tôn trọng luật giao thông. Vì thế, phải triển khai từ ngay bây giờ. Theo như tôi thì phải triển khai ngay từ các cháu mẫu giáo…Khi đó càng lớn, ý thức giao thông càng tốt, lúc bấy giờ tình trạng giao thông mới tốt hơn.”
Ý kiến của học sinh
Vừa rồi là ý kiến của phía giáo viên và phụ huynh, thế còn học sinh thì phản ứng ra sao sau khi đã qua một tháng học tập môn an tòan giao thông? Em Minh Phúc, học sinh trường phổ thông trung học Nguyễn Du, TPHCM nói:
“Theo cháu thấy thì học bộ môn Trật Tự An Toàn Giao Thông cũng bình thường, nhưng nhiều học sinh trong cấp 3 thì không áp dụng được nhiều. Học thì học cho có, chứ không áp dụng được vì ra đường vẫn vậy, vẫn chạy theo bản năng của tụi nó, chứ không tuân theo luật giao thông học trong trường, chỉ có một số nào đó thôi.
Học thì không sinh động, chỉ học lý thuyết thôi, chứ không thực hành gì hết. Phải có một cách dậy nào đó sinh động, chứ nói qua miệng không thì không áp dụng được nhiều.”
Trở lại với cô Diệp Lan, giáo viên xuất sắc cấp thành phố về chuyên đề an tòan giao thông, ở Hà Nội, thì việc cải thiện tình trạng giao thông hiện nay ở Việt Nam thì tùy thuộc vào nhiều yếu tố, cô nói:
“Tôi nghĩ rằng việc cải thiện tình hình giao thông bằng cách dậy cho các học sinh phổ thông không phụ thuộc tất cả vào việc giáo dục cuả nhà trường mà nó phụ thuộc vào giáo dục của cha mẹ, của những người chung quanh sinh sống nữa. Chúng tôi, những người giảng dậy luôn có ý thức tập cho các cháu thói quen tham gia giao thông thật tốt.
Còn việc quyết định thời gian cải thiện giao thông tốt hơn thì chúng tôi không thể quyết định được vì còn phụ thuộc nhiều vào tác nhân xung quanh. Tôi cũng hy vọng nếu việc giáo dục giao thông được cải thiện và tiến hành ở tất cả địa phương, ở tất cả trường học, thì trong một thời gian sớm sẽ cải thiện được như chúng ta mong đợi.”
Quí vị vừa nghe ý kiến của các giáo viên, phụ huynh và học sinh về môn học An Tòan Giao Thông. Có lẽ, tình trạng giao thông tồi tệ ở Việt Nam hiện nay vẫn còn là bài tóan khó có lời giải đáp. Phải chăng, đành phải chờ đến thế hệ mai sau chăng, như lời than thở của cô giáo Thanh Hằng:
“Nhìn chung là người Việt Nam chạy xe là vi phạm luật lệ, cho nên là phải giáo dục lại từ lớp trẻ bây giờ, 10, 20 năm mới có tác dụng, mà tác dụng khá tốt thôi. Còn phải chờ lớp cha mẹ trẻ, và con trẻ, phối hợp với nhau mới có tác dụng, chứ già rồi thì khó chỉnh sửa. Chẳng hạn như đèn đỏ, cũng phải đậu lấn vạch một chút…”
Mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi thính giả vào kỳ sau.