Một nhà sư gốc Khmer Nam bộ bị hoàn tục và mất tích ở Cambodia

0:00 / 0:00

Nguyễn Bình, thông tín viên RFA tại Phnom Penh

Tại Cambodia, có một nhà sư gốc Khmer Nam bộ bị buộc phải hoàn tục với cáo buộc có hoạt động nhằm phá hoại tình hữu nghĩ giữa hai nước Việt Nam và Cambodia, sau đó thì mất tích. Phóng viên Nguyễn Bình từ Cambodia có bài tường trình về vụ việc này như sau.

KhmerKromCambodia200.jpg
Các vị sư sãi gốc Khmer Nam Bộ tập họp trước hoàng cung. PHOTO RFA/ Nguyen Binh.

Sư Tum Sa Khone, 40 tuổi, người gốc Châu Đốc đến tu tại một ngôi chùa thuộc tỉnh Takeo của Cambodia bị lãnh đạo phật giáo nước này buộc phải hoàn tục vào 30 tháng 6 vừa qua với cáo buộc phá hoại tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cambodia.

Tổ chức nhân quyền ADHOC tại tỉnh Takeo cho biết sau khi bị hoàn tục, nhà sư bị đưa lên xe công an rồi mất tích.

Ông Prak Sarang, đại diện tổ chức nhân quyền ADHOC tại tỉnh Takeo nói rằng từ ngày 30 tháng 6 cho tới nay, ông đã liên hệ nhiều cơ quan trong tỉnh Takeo như công an, viện kiểm sát và tòa án để tìm hiểu xem sư Khone phạm tội gì? và bị giam giữ ở đâu? Các nơi đều trả lời là không biết.

Vào sáng ngày 2 tháng 7, các tổ chức nhân quyền của người Khmer gốc Nam bộ ở thủ đô Phnom Penh ra thông cáo báo chí cho biết họ rất băng khoăng về trường hợp mất tích của sư Khone và yêu cầu chính phủ Cambodia bảo vệ sư này.

Các nhân chứng ở huyện Kirivong, tỉnh Takeo cho biết trước đây lãnh đạo phật giáo tỉnh đã từng đến chùa Phnom Den 2 lần, nơi sư Khone làm chủ trì buộc sư làm thủ tục hoàn tục, nhưng phật tử xung quanh chùa không đồng ý nên không hoàn tục được.

Đến ngày 30 tháng 6, họ dùng kế “điệu hổ li sơn” bằng cách mời sư Khone lên tỉnh họp bàn về việc làm lễ nhập hạ. Vào lúc khoảng 3 giờ chiều ngày hôm đó, khi sư Khone vừa đến trụ sở phật giáo tỉnh thì bị lãnh đạo tôn giáo và công an trực sẵn ở đó buộc hoàn tục. Sau đó công an tỉnh Takeo đưa sư Khone lên xe rồi đi mất.

Trước khi bị hoàn tục vài giờ, sư Tum Sa Khone nói với Đài RFA rằng Tăng thống Tep Vong và Nuon Nget của Cambodia cáo buộc sư có những hoạt động nhằm phá hoại tình đoàn kết giữa hai nước Việt Nam và Cambodia. Sư nói rằng sư bị sốc trước cáo buộc này và yêu cầu họ đưa ra chứng cứ thì họ từ chối.

Chùa Phnom Den, do sư Khone làm trụ trì, giáp biên giới Việt Nam, có nhiều phật tử Khmer từ An Giang thường xuyên qua lại làm lễ. Sư Khone cho biết từ vài năm nay công an mật Việt Nam thường lui tới chùa này, có lúc họ đến công khai và hăm dọa các vị sư ở trong chùa không cho cung cấp sách báo văn hóa phẩm tiếng Khmer cho người Khmer ở An Giang.

Sư Khone xác nhận rằng sư thường xuyên gởi báo, tạp chí và video tiếng Khmer cho người Khmer ở tỉnh An Giang với mục đích để họ có điền kiện bảo tồn bản sắc dân tộc, không bị đồng hóa. Có lẽ vì lý do này, nên chính quyền Việt Nam đặt chùa Phnom Den trong phạm vi theo dõi.

Ông Chau Na, một phật tử ở chùa Phnom Den cũng xác nhận rằng việc sư Khone đưa văn hóa phẩm từ Cambodia sang Việt Nam là công khai, mọi người ở đó đều biết, vì văn hóa phẩm ấy thuộc dạng được phổ biến công khai ở Cambodia. Và không ai nghĩ việc làm đó ảnh hưởng xấu đến quan hệ của hai nước. Theo ông biết sách báo tiếng Việt cũng được đưa vào Cambodia hàng ngày, và ông không thấy Cambodia gây rắc rối cho người Việt nếu họ muốn bảo tồn bản sắc văn hóa của họ.

Ông Trần Mạnh Rinh, phát ngôn viên tổ chức liên minh Khmer Kampuchea Krom (KKF) có trụ sở ở Mỹ cho rằng việc lãnh đạo phật giáo Cambodia buộc sư Khone hoàn tục là vi phạm giáo lý nhà phật. Hành động này mang màu sắc chính trị chống cộng đồng Khmer Krom của ông.

Ông Trần Minh Rinh cũng cho biết, việc hoàn tục sư Khone được thực hiện sau chuyến thăm Cambodia của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Tổng Cục an ninh Tây Nam bộ của Việt Nam vào ngày 5 tháng 6 vừa qua. Trong chuyến thăm Cambodia này đoàn Việt Nam không có cuộc tiếp xúc với chính phủ Cambodia mà chỉ có cuộc hội đàm với Tăng thống Tep Vong và các vị lãnh đạo phật giáo Cambodia.

Hơn nữa, tổ chức ông theo dõi sự kiện này một cách chú ý và được biết công văn của Tăng thống Nuon Nghet nói về việc hoàn tục sư Khone không được phổ biến ở Cambodia mà được phổ biến rộng rãi ở tỉnh An Giang từ khoảng giữa tháng 6 vừa qua.

Ngoài ra chính quyền An Giang còn tuyên truyền trong đồng bào Khmer ở đó bằng lời lẽ qui chụp rằng sư Khone và hội đoàn người Khmer Krom ở Cambodia là thành phần phản động, có âm mưu phục quốc.

Do đó ông nghi ngờ Việt Nam nhúng tay vào chuyện này để lôi kéo Cambodia vào quỹ đạo xung đột giữa cộng đồng Khmer Krom và Việt Nam.

Ông Trịnh Bá Cầm, phát ngôn viên đại sứ quán Việt Nam tại Cambodia nói với tờ nhật báo tiếng Anh The Cambodia Daily rằng ông không biết trường hợp này.