Giới trẻ Việt Nam ngày nay thiếu hiểu biết về giới tính và an toàn tình dục

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Nhân ngày dân số thế giới 11/7, Ủy ban dân số-gia đình-và trẻ em vừa công bố kết quả thống kê, báo động tình trạng giới trẻ Việt Nam ngày nay thiếu kiến thức, kém hiểu biết về các kỹ năng sống cơ bản liên quan đến giới tính, an toàn tình dục, và sức khoẻ sinh sản.

WealthGirls200.jpg
Giới trẻ Việt Nam ngày nay thiếu hiểu biết về an toàn tình dục, và sức khoẻ sinh sản. AFP PHOTO

Khảo sát cho thấy trên 22% thanh thiếu niên có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Đáng quan ngại hơn, khoảng 30% trường hợp nạo phá thai hiện nay là các phụ nữ trẻ, chưa lập gia đình.

Để tìm hiểu thêm về thực trạng này, Trà Mi trao đổi với anh Thành Vinh, chuyên gia tâm lý nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn về tình yêu, hôn nhân, gia đình cho giới trẻ, hiện đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước tiên, anh Vinh cho biết nhận xét của mình về những con số thống kê mà Ủy ban dân số-gia đình-và trẻ em mới đưa ra:

Anh Thành Vinh: Những con số thống kê đó là hoàn toàn có thật, tương đối chính xác.

Trà Mi: Là một người có kinh nghiệm lâu năm tư vấn tâm lý về tình yêu-hôn nhân-gia đình cho giới trẻ, anh đánh giá như thế nào về nhận thức và sự hiểu biết của thanh thiếu niên ngày nay trong các lĩnh vực này?

Anh Thành Vinh: Họ vẫn còn rất mơ hồ trong các vấn đề này. Thanh niên bây giờ yêu sớm, quan hệ sớm nhưng lại không hiểu và không lường trước đựơc những hậu quả. Họ không trang bị cho mình những mảng kiến thức đó, dẫn đến những con số thống kê đáng giật mình về quan hệ trước hôn nhân và nạo phá thai trong giới trẻ như thế. Thậm chí có nhiều cô gái đến tháng thứ 3 mới nhận biết mình mang thai.

Trà Mi: Nguyên nhân chính của thực trạng này là gì, thưa anh?

Họ vẫn còn rất mơ hồ trong các vấn đề này. Thanh niên bây giờ yêu sớm, quan hệ sớm nhưng lại không hiểu và không lường trước đựơc những hậu quả. Họ không trang bị cho mình những mảng kiến thức đó, dẫn đến những con số thống kê đáng giật mình về quan hệ trước hôn nhân và nạo phá thai trong giới trẻ như thế. Thậm chí có nhiều cô gái đến tháng thứ 3 mới nhận biết mình mang thai.

Anh Thành Vinh: Bởi vì quan điểm giáo dục của Việt Nam mình chưa dám mạnh dạn đưa giáo dục vào học đường ngay từ nhỏ. Cấp 3 mới bắt đầu dạy cho các em những kiến thức sơ sơ về giới tính lồng ghép trong môn sinh hay giáo dục công dân chứ chưa có hẳn một môn giới tính học hay tâm lý học ở nhà trường.

Ngoài ra, tính chất giáo dục của mình chưa dám thật sự mạnh dạn trong tuyên truyền do ảnh hửơng của quan niệm Á Đông sợ vẽ đường cho hưu chạy. Tuyên truyền thì có nhưng không cụ thể hoá vấn đề. Thầy cô giáo trình bày về các vấn đề này cũng ngại ngùng, thẹn thùng.

Nhà trường không trang bị kiến thức mà ngay chính bản thân các bạn trẻ cũng không tự tìm hiểu sách báo. Các bậc phụ huynh dù có khuyên con giữ gìn nhưng sự giáo dục này cũng không đi tường tận vào vấn đề vì e ngại. Vì thế kiến thức của thanh niên về giới tính rất là mù mờ.

Trà Mi: Thế còn vai trò của các phương tiện thông tin, báo đài trong lĩnh vực này?

Anh Thành Vinh: Có báo chí truyền thông cũng có tác động nhưng nhiều bạn trẻ cũng không quan tâm và phớt lờ, vả lại việc tuyên truyền cũng bị giới hạn, chưa thật sự rộng khắp.

Trà Mi: Nhưng vì sao lại bị giới hạn như vậy, thưa anh?

Anh Thành Vinh: Thứ nhất, kinh phí hạn hẹp. Thứ hai, nhân sự thiếu. Thêm vào đó, một số trường không dám mạnh dạn mở ra những phòng tư vấn.

Trà Mi: Sẵn đây xin hỏi thăm anh về các dịch vụ tư vấn tâm lý-tình yêu-hôn nhân gia đình ở Việt Nam hiện nay?

Anh Thành Vinh: Phần đông do tư nhân mở ra hoặc của một số trung tâm liên kết với Hội Khoa học tâm lý giáo dục thôi. Các dịch vụ tư vấn đều thu lệ phí.

Bạn nghĩ gì về việc này? Nên hay không nên đưa giáo dục giới tính vào trường học? Xin email về Vietweb@rfa.org

Trà Mi: Dịch vụ tư vấn tâm lý thì đã thấy có, thế còn các dịch vụ tư vấn về sức khỏe sinh sản hay kế hoạch hoá gia đình cho thanh niên thì sao?

Anh Thành Vinh: Cũng có nhưng không nhiều. Việt Nam làm rất sơ sài, chỉ mang tính chống đỡ tạm bợ chứ không không có tính chiến lược.

Trà Mi: Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng ngày xưa không có các dịch vụ tư vấn, cũng không có phương tiện truyền thông đại chúng phổ biến thông tin nhiều như ngày nay, giáo dục trong nhà trường cũng không đề cập đến giới tính…thế thì vì sao ngày nay lại có tình trạng báo động về tình trạng thiếu hiểu biết của thanh niên về kỹ năng sống cơ bản?

Anh Thành Vinh: Dư luận ngày xưa về các mối quan hệ trước hôn nhân rất nặng nề, khiến người ta dè dặt. Các cụ xưa đựơc kèm cặp trong gia đình không có điều kiện mở rộng giao lưu xã hội như hiện nay.

Ngoài ra, hồi xưa cũng ít các dịch vụ như bia ôm, nhà hàng khách sạn, quán bar, nhà nghỉ…Bây giờ những cái này mọc ra nhan nhản, mà giới trẻ ngày nay lại sống tự do hơn, ít ràng buộc vào gia đình hơn, có điều kiện đi làm xa nhà, môi trường tiếp xúc rộng, mối quan hệ nhiều hơn….và đặc biệt là sự du nhập văn hoá phương tây ồ ạt mà không đựơc sàng lọc, cũng không đựơc chuẩn bị một nền tảng kiến thức cơ bản…

Thế nên quan niệm của những người làm tuyên truyền là bây giờ thà vẽ đường cho hưu chạy đúng còn hơn để nó chạy sai đường càng nguy hiểm, vì bây giờ đàng nào nó cũng đã chạy rồi.

Trà Mi: Là một chuyên viên tư vấn tâm lý, đặc biệt cho giới trẻ, theo anh làm thế nào có thể nâng cao đựơc kiến thức cũng như kỹ năng sống cho thanh niên ngày nay?

Anh Thành Vinh: Nên đưa giáo dục giới tính vào trong nhà trường, cần phải đưa càng sớm càng tốt. Thông qua hoạt động tập thể của phường xã địa phương lồng ghép tuyên truyền, phổ biến thông tin về giáo dục giới tính nhằm tác động giới trẻ. Các bậc phụ huynh cần phải giải thích và mua sách báo để giúp con cái hiểu biết về các kỹ năng sống cơ bản…

Cần phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong lĩnh vực trang bị kiến thức và sự hiểu biết cho thanh niên bước vào đời. Việc này đòi hỏi sự quan tâm rất cao của những người trách nhiệm.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay.