Người Việt đầu tiên được bổ nhiệm vào chức vụ Phó toàn quyền tiểu bang Nam Úc


2007.07.05

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Ông Lê Văn Hiếu, công dân Australia, là người gốc Việt đầu tiên trước nay được bổ nhiệm vào chức vụ Lieutenant Governor, tức Phó Toàn Quyền bang South Australia, còn gọi là Nam Úc. Câu chuyện về ông phó toàn quyền South Australia Lê Văn Hiếu là đề tài của mục Đời Sống Khắp Nơi tối nay.

LeVanHieu200.jpg
Ông Lê Văn Hiếu phát biểu tại cuộc họp báo sau khi Thủ hiến tiểu bang Nam Úc Mike Rann loan báo Nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm ông Hiếu vào chức vụ phó toàn quyền tiểu bang. Photo courtesy abc.net.au

Sinh năm 1954 tại Quảng Trị, tốt nghiệp trung học ở Đà Nẵng, theo học khoa Chính Trị Kinh Doanh tại viện đại học Dalat, năm 1977 ông Lê Văn Hiếu vượt biên đến Úc, cư ngụ tại South Australia từ đó đến giờ.

Trước khi được bổ nhiệm chức Phó Toàn Quyền Nam Úc, ông Lê Văn Hiếu là người Á Châu đầu tiên giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng Đa Văn Hóa Và Sắc Tộc Sự Vụ của tiểu bang này. Bày tỏ cảm tưởng trước việc ông Lê Văn Hiếu và chức vụ danh dự Phó Toàn Quyền mà ông vừa được bổ nhiệm, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, chủ tịch cộng đồng Liên Bang Úc Châu cho biết:

"Đó là một vinh dự chung cho tất cả người Úc gốc Việt đang sinh sống tại Australia. Ngay khi nhận được tin chúng tôi đã gởi điện chúc mừng ông Hiếu. Ông Hiếu không phải là người xa lạ với cộng đồng.

Nói chung lại việc ông được bổ nhiệm vào một chức vụ có tính cách quan trọng như thế đã làm tăng cái uy tín và làm đẹp hình ảnh người Việt tại Úc. Ông Hiếu mà chúng tôi đã biết là người có tấm lòng hướng về cộng đồng và hướng về tổ quốc Việt Nam, chắc chắn ông sẽ còn đóng góp nhiều vào công cuộc vận động sau này cho một nước Việt Nam dân chủ cũng như giúp người Việt hội nhập thành công vào xã hội Úc."

Bây giờ mời quí vị cùng Thanh Trúc trò chuyện với vị tân Phó Toàn Quyền bang Nam Úc. Từ thành phố Adelaide bang South Asutralia, ông Lê Văn Hiếu trình bày tiến trình bổ nhiệm ông như sau:

Ông Lê Văn Hiếu: Đây là một tiến trình không diễn ra công khai nên tôi cũng không biết làm thế nào có sự lựa chọn như vậy. Có điều tôi cũmg xin nói rõ tiểu bang Nam Úc này có truyền thống tiên phong về những mặt cải tiến xã hội.

Chẳng hạn Nam Úc là nơi đầu tiên trên thế giới dành quyền bầu cử đồng đều giữa phụ nữ và nam giới. Ngoài ra Nam Úc cũng là tiểu bang đầu tiên chấp nhận quyền làm chủ đất đai của thổ dân ở tại Úc. Tôi được hân hạnh là người Á Châu đầu tiên và đặc biệt người Việt Nam đầu tiên được giữ chức vụ Phò Toàn Quyền đại diện cho nữ hoàng ở tại tiểu bang này.

Thanh Trúc: Chắc hẳn ông phải có một quá trình họat động có thể gọi là nổi bật, được chính quyền địa phương chú ý thì họ mới bổ nhiệm ông vào chức vụ đó được.

Ông Lê Văn Hiếu: Tôi chỉ xin nói sơ qua về quá trình sinh sống tại tiểu bang này. Khi đến đây năm 1977 tôi phải theo học tiếp chương trình đại học tại vì tốt nghiệp ở Việt Nam xong thì qua tới đây cái bằng của tôi không được chấp nhận.

Tôi phải học lại từ đầu tới cuối. Sau khi học xong bằng cử nhân kinh tế và luật kinh doanh thì tôi lại tiếp tục cao học về quản trị hành chánh. Tốt nghiệp xong tôi làm việc trong một công ty kế toàn rất lớn ở Úc một thời gian. Sau đó làm việc với tư cách chuyên viên cao cấp cho văn phòng thuế vụ của Liên Bang Úc Đại Lợi.

Một thời gian sau thì tôi lại trở thành giám đốc cơ quan Giám Sát Thanh Tra Công Ty, Thị Trường Đầu Tư Và Chứng Khóan Úc Đại Lợi. Trong thời gian đó về mặt sinh họat cộng đồng tôi vẫn là một trong những người tích cực, đặc biệt trong những lãnh vực đấu tranh làm sao cho người di dân đến xứ này có quyền bình đẳng. để họ được sống hài hoà với cộng đồng Úc lớn mạnh ở bên ngoài, đồng thời đấu tranh chống lại sự kỳ thị dựa trên căn bản sắc dân và chủng tộc.

Sau một thời gian họat động trong các lãnh vực đó với tư cách thiện nguyện, tôi được chính phủ tiểu bang Nam Úc bổ nhiệm vào làm thành viên Hội Đồng Đa Văn Hóa Và Sắc Tộc Sự Vụ của tiểu bang Nam Úc hồi năm 1995.

Năm 2003 tôi được bổ nhiệm làm phó chủ tịch ủy ban này và năm ngóai 2006 thì tôi trở thành người Á Châu đầu tiên giữ chức vụ chủ tịch Ủy Ban Đa Văn Hóa Và Sắc Tộc Sự Vụ của tiểu bang.

Thanh Trúc: Thưa ông, tiến trình bổ nhiệm chức vụ toàn quyền hay phó toàn quyền do ai quyết định?

Ông Lê Văn Hiếu: Lúc đầu thì mình có bao giờ dám mơ tưởng một ngày nào đó sẽ được bổ nhiệm vào chức vụ này đâu nên không bao giờ để ý tới. Nhưng mà đến khi được ông thủ hiến và phó thủ hiến của tiểu bang Nam Úc mời tôi đến văn phòng, thì trong buổi gặp mặt đó họ có cho tôi biết nội các của chính quyền tiểu bang Nam Úc muốn đề cử tôi vào chức vụ Phó Toàn Quyền, yêu cầu tôi suy nghĩ và trả lời cho họ.

Tôi xin một thời gian ngắn để suy nghĩ và sau khi trả lời là tôi chấp nhận đề nghị của họ thì thủ hiến tiểu bang Nam Úc cho biết bước kế tiếp là lập thủ tục đề cử gởi sang điện Buckingham bên Anh cho nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị cứu xét. Sau thời gian cỡ ba bốn tuần, nữ hoàng Anh chấp thuận và chính thức bổ nhiệm tôi vào chức Phó Toàn Quyền.

Thanh Trúc: Thưa ông, trong cương vị Phó Toàn Quyền ông sẽ làm những việc gì và quyền hạn của ông như thế nào?

Ông Lê Văn Hiếu: Toàn quyền hoặc phó toàn quyền là những chức vụ có tính cách danh dự và biểu tượng. Theo truyền thống vai trò phó toàn quyền do vị chánh án Tối Cao Pháp Viện tiểu bang đảm nhận. Tuy nhiên từ năm 1967 đến nay truyền thống đó đã thay đổi, chính phủ thường là đề cử cho nữ hoàng bổ nhiệm những người có tiếng tăm có uy tín trong xã hội vào chức vụ này.

Nhiệm vụ chính của Phó Toàn Quyền là thay thế ngài Toàn Quyền trong chức năng đại diện cho nữ hoàng khi ngài Toàn Quyền vắng mặt. Những công việc cụ thể gồm có chủ tọa các phiên họp của Hội Đồng Tối Cao, của Nội Các Chính Phủ, khai mạc các phiên nhóm của quốc hội, tham dự và chủ tọa các lễ hội, đón tiếp các vị nguyên thủ hoặc đại biểu các quốc gia đến viếng thăm tiểu bang.

Ngoài ra Phó Toàn Quyền còn có những họat động nhằm thăng tiến sự hài hoà, bình đẳng và an sinh trong xã hội.

Thanh Trúc: Thưa ông Lê Văn Hiếu, khi đồng ý nhận chức vụ danh dự Phó Toàn Quyền tiểu bang Nam Úc thì điều đầu tiên mà ông nghĩ đến là ông có thể thực hiện được điều gì thiết thực cho cộng đồng Úc gốc Việt nói riêng ở Nam Úc?

Ông Lê Văn Hiếu: Điều đầu tiên tôi cảm nhận là vinh dự lớn lao của một di dân, một người tị nạn đến đây tròm trèm ba mươi năm mà được đề cử tới một chức vụ rất danh dự như thế này.

Ước mong của tôi là làm sao dùng chức vụ này để một mặt nâng cao uy tín và sự có mặt cũng như sự đóng góp của cộng đồng người Việt nói riêng và những cộng đồng sắc tộc di dân khác nói chung tại tiểu bang này, đưa lên một thông điệp rằng tuy chúng ta không phải là người gốc Anh hoặc người gốc Ái Nhĩ Lan nhưng chúng ta đã đóng góp không thua gì những sự đóng góp khác và mong rằng sẽ tạo nên nhịp cầu thông cảm, tạo nên những sự tương kính cho dù chúng ta đến từ nhiều nơi trên thế giới, có những tôn giáo khác nhau, có màu da màu tóc khác nhau, có những tin tưởng về chính trị khác nhau.

Đây là một xã hội đa văn hóa, một xã hội cần có sự tương kính trong tinh thần hài hoà.

Thanh Trúc: Thưa ông, đã ba mươi ba năm bước chân người Việt tị nạn đến Australia. Bây giờ họ trở thành công dân Úc gốc Việt thế hệ thứ nhất, thế hệ một rưỡi, thế hệ thứ hai. Đối với những thế hệ kế thừa ông kỳ vọng điều gì nới giới trẻ Úc gốc Việt trong bối cảnh một xã hội đa văn hóa đa tôn giáo như Australia?

Ông Lê Văn Hiếu: Tôi nhìn lại khi tôi mới đến Úc mới có 22 tuổi thì cũng được coi là trẻ. Sau 30 năm mình không còn trẻ nữa nhưng nếu nhìn lại quá trình của mình đó thì mình cũng thấy lạc quan đối với giới trẻ người Úc gốc Việt.

Lý do tôi nói như vậy là vì một trong những yếu tố tạo cho mình có sự thành công tương đối vượt bực so với các sắc dân khác tại tiểu bang Nam Úc nói riêng và nước Úc nói chung. Chúng ta đều mang giòng máu Việt, tôi nghĩ yếu tố Việt tộc là một yếu tố hết sức quan trọng để thúc dục chúng ta luôn luôn cầu tiến và luôn luôn phải thích ứng với những hoàn cảnh chúng ta đang gặp phải.

Tôi nhìn những anh em trẻ ngày hôm nay mà hết sức lạc quan. Đặc biệt trong những lãnh vực chuyên môn, học vấn, giáo dục, đồng thời qua những sự chăm sóc vun xới của phụ huynh mang tâm tư của người Việt bỏ nước ra đi thì tinh thần hướng về quê hương hướng về dân tộc rất là mạnh mẽ, cho chúng ta động lực đi đến thành công trên xứ người, làm rạng danh dân tộc mình.

Thanh Trúc: Thưa có một vấn đề khá tế nhị là trên bước đường tha hương, người Việt tị nạn đi khắp năm châu, họ đã phải cố gắng hội nhập, cố gắng hoà mình vào nếp sống của quốc gia bản địa.

Không ít thì nhiều người nào cũng cảm thấy e ngại về sự phân biệt đối xử hay là e ngại trước những va chạm về văn hóa. Nếu có thể nói trắng ra như vừa rồi ông có đề cập đến thì gọi là kỳ thị. Dưới mắt nhìn của ông người Việt ở Nam Úc có phải đương đầu với những hoàn cảnh gọi là kỳ thị trong công ăn việc làm, kỳ thị trong cuộc sống, kỳ thị về màu da sắc áo hay chủng tộc…Thí dụ như vậy?

Ông Lê Văn Hiếu: Không ai có thể chối bỏ sự thực là trong xã hội Tây Phương mà chúng ta đang sống thì đều có những dấu hiệu kỳ thị, mầm mống kỳ thị. Rất may cho chúng tôi ở tại nước Úc là vào khỏang cuối thập niên sáu mưới đầu thập niên bảy mươi chính sách gọi là Nước Úc Của Người Da Trắng từ từ bị thóai bỏ.

Một chính sách mới được đưa ra và được các nha lãnh đạo chính trị vô cùng hưởng ứng là chính sách đa văn hóa. Rất may cho chúng tôi là khi những đợt di dân từ Việt Nam dồn dập vào nước Úc thì lúc đó chính sách đa văn háo đang được thăng tiến và đang được áp dụng tích cực tại đất nước này.

Chủ nghĩa đa văn hóa khuyến khích di dân bảo tồn văn hóa của mình, chia sẻ cái hay cái đẹp về văn hóa, về ngôn ngữ và những giá trị mình mang đến cùng với tất cả các di dân khác.

Thanh Trúc: Quí thính giả vừa theo dõi câu chuyện một người Việt Nam đầu tiên ở Australia, ông Lê Văn Hiếu, được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Toàn Quyền bang South Australia, nơi có một cộng đồng Úc gốc Việt khỏang hai chục ngàn người mà theo lời ông thì đó là một tập thể rất sinh động.

Ngày giờ để ông Lê Văn Hiếu tuyên thệ nhậm chức Phó Toàn Quyền bang Nam Úc với nhiệm kỳ năm năm được ấn định vào ngày 31 tháng Tám tới.

Theo yêu cầu của vị thủ hiến Nam Úc, sau khi lên chức Phó Toàn Quyền, ông Lê Văn Hiếu vẫn tiếp tục giữ chức chủ tịch Hội Đồng Đa Văn Hóa và Sắc Tộc Sự Vụ mà ông đảm trách bao năm qua.

Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.