Trà Mi, phóng viên đài RFA
Tổ chức Y tế Thế giới WHO hôm nay vừa công bố bảng phân tích đầu tiên về ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đối với sức khoẻ con người tại từng quốc gia trên toàn cầu. Qua đó, cơ quan y tế này khẳng định sức khoẻ con người có thể đựơc cải thiện rất nhiều nếu giảm thiểu đựơc các nguy cơ về ô nhiễm môi trường.

Hàng triệu người thiệt mạng
Theo số liệu của WHO, mỗi năm thế giới có 13 triệu người tử vong liên quan đến vấn đề môi trường. Tại nhiều quốc gia trên toàn cầu, trung bình cứ 100 ngừơi chết thì có hơn 10 người thiệt mạng vì các yếu tố môi trừơng, tiêu biểu như nguồn nứơc thiếu vệ sinh hay ô nhiễm không khí trong gia đình do dùng nhiên liệu rắn nấu ăn.
Những nạn nhân chính của “tử thần môi trường” là trẻ em dưới 5 tuổi, đa số các ca tử vong thường gặp là do tiêu chảy hoặc nhiễm trùng đừơng hô hấp dưới. Thống kê còn cho thấy ở một số nước, trên 1/3 các loại bệnh tật có thể được ngăn ngừa được bằng cách cải thiện môi trừơng sống.
Vẫn theo khảo sát của Tổ chức y tế thế giới, tuy các quốc gia có thu nhập thấp chịu ảnh hửơng nặng nề nhất từ các yếu tố môi trường, nhưng không một đất nứơc nào, kể cả những nước có điều kiện môi trường tương đối tốt, có khả năng miễn dịch trước các tác hại của môi trừơng lên sức khoẻ con ngừơi.
Môi trường sống ở Việt Nam?
Về tình trạng môi trừơng ở Việt Nam, Tổ chức y tế thế giới ghi nhận trung bình cứ mỗi năm có trên 9 ngàn ca tử vong vì nguồn nứơc và điều kiện vệ sinh kém. Số người chết vì nguyên do ô nhiễm không khí trong nhà là hơn 10 ngàn, và hơn 6 ngàn ngừơi thiệt mạng hằng năm vì bầu không khí bên ngoài bị ô nhiễm.
Qủa thật, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang càng ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe doạ đến sức khoẻ con ngừơi và lan rộng trong mọi khía cạnh sinh hoạt đời sống, từ nguồn nứơc, khói bụi, không khí, rác thải, nhiên liệu xăng dầu..v..v.. giữa lúc nhà chức trách vẫn chưa tìm ra giải pháp đối phó hữu hiệu.
Một người dân bức xúc: "Môi trường giờ rất là ô nhiễm, ra đường phải đội nón, đeo khẩu trang, nhà mặt đường lúc nào cũng phải đóng cửa sợ bụi bay vào".
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây với đài RFA, chính Bộ trửơng tài nguyên môi trường Mai Ái Trực đã từng khẳng định ô nhiễm môi trường tại Việt Nam là một vấn đề quan trọng:
“Đây là một vấn đề quan trọng và chính phủ cũng đã bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Người dân ngày càng quan tâm và thấy rõ đến cái lợi ích của môi trường, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở đó, chứ chưa ý thức đựơc bản thân mình cần phải làm gì để đóng góp cho việc bảo vệ môi trường. Chúng tôi luôn quan tâm đến việc nâng cao ý thức người dân trong công tác này.”
Trong khi đó thì người dân lại than rằng: "Hiện gìơ tình trạng môi trường rất khó kiểm soát. Họ cũng bè phái này kia cho nên họ làm cũng để lấy lệ thôi. Nếu chính phủ Việt Nam mà khắc phục được thì đỡ cho dân chúng lắm."
Chuyên gia thuộc WHO, bà Susanne Weber-Mosdorf, nhấn mạnh khảo sát về tình hình môi trừơng và sức khoẻ ngừơi dân tại từng quốc gia là bứơc đầu trong việc giúp các nhà hoạch định chính sách về y tế và môi trường của từng nứơc thấy rõ thực trạng để từ đó có thể đề ra những biện pháp can thiệp, phòng ngừa hữu hiệu.
Những nguy cơ đựơc quan tâm trong cuộc nghiên cứu của WHO bao gồm các yếu tố về ô nhiễm môi trừơng, yếu tố về nghề nghiệp, phóng xạ tia cực tím, tiếng ồn, các biện pháp nông nghiệp, những thay đổi về khí hậu và hệ sinh thái, cũng như cách hành xử của con người.
Một số biện pháp WHO đề nghị nhằm giúp giảm thiểu các tác hại từ môi trường và hạ tỷ lệ bệnh tật, tử vong chẳng hạn như sử dụng nhiên liệu sạch như gas hay điện trong nấu nứơng, cải thiện hệ thống thông khí, thông gió trong nhà, và điều chỉnh hành vi của con người.
Ngoài ra, WHO cũng yêu cầu các chính phủ phải lưu ý hơn nữa đến công tác xử lý nứơc sinh hoạt, tiêu huỷ rác thải đúng cách, và giảm thiểu mức độ ô nhiễm không khí để bảo vệ sức khoẻ cho người dân.