Lê Dân, phóng viên đài RFA
Trong thời gian gần đây, chính phủ Việt Nam đã làm hết mọi cách để được tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới trước ngày hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra vào tháng Mười Một tới.

Thế nhưng đạt được mong muốn rồi, thì Việt Nam đã sẵn sàng chưa, về những điều kiện cơ bản để được hoạt động thoải mái hết chức năng, ít nhất là về cơ cấu pháp lý? Lê Dân trình bày một vài nhận xét như sau.
Từ khi đã có nhiều hy vọng sẽ được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO nội trong năm nay, dư luận Việt Nam hết sức quan tâm và phấn khởi.
Các doanh nghiệp nóng lòng muốn được Nhà nước phổ biến những thông tin liên quan đến những thỏa thuận với nước ngoài để chuẩn bị phương án làm ăn. Nói chung thì ai cũng hiểu là sẽ có thêm lợi ích, nhưng cũng không ít khó khăn sẽ kèm theo tình thế mới, trên sân chơi thương nghiệp toàn cầu.
Thế nhưng việc gì phải đến, thì sẽ đến, có muốn cũng có khi chưa được, như trường hợp Liên bang Nga hiện nay. Như vậy, Việt Nam sắp được, nhưng đã sẵn sàng chưa?
Đội ngũ luật sư
Tôi nghĩ một luật sư Việt Nam dù có giỏi đến mấy cũng không thể nào dùng kiến thức, kinh nghiệm của mình ở Việt Nam để tham gia các vụ kiện ở nước ngoài được cả. Ở các nước, như tại Tây Âu chẳng hạn, người ta theo một hệ thống pháp lý khác, có những thủ tục, trình tự tố tụng khác, cho nên luật sư Việt Nam không giúp gì được nhiều cả.
Điểm lại các sự kiện xảy ra từ khi doanh giới trong nước bắt đầu bước ra sân chơi thế giới, người ta không thể bỏ qua được những vụ như Vietnam Airlines bị tòa án Italy phạt hàng triệu Euros, những vụ kiện chống bán phá giá cá basa, giày mũ da, bóng đèn huỳnh quang, phụ tùng xe đạp. Rồi những vụ như tàu Cần Giờ bị Tanzania bắt giữ, vụ phó giám đốc công ty Afiex bị bắt giữ tại Bỉ theo yêu cầu của Hoa Kỳ.....
Tất cả những vụ đó cho thấy rõ rệt một điều là Việt Nam chưa sẵn sàng để gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới để được hưởng hết các lợi ích do tổ chức tòan cầu này mang lại, khi chưa có đủ kiến thức về pháp lý, về thủ tục thương mại quốc tế.
Mới đây, bộ Tư pháp Việt Nam cho biết trong tổng số hơn 3,900 luật sư hiện nay, kể cả luật sư tập sự, chỉ có khoảng 50 người hiểu biết về luật pháp quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp trong những giao dịch thương mại với nước ngoài. Thực sự lại chỉ có khoảng từ 10 đến 15 luật sư là có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn pháp luật thế giới mà thôi.
Thực tế đó được một luật gia ở Sàigòn nhìn nhận: "Tôi nghĩ một luật sư Việt Nam dù có giỏi đến mấy cũng không thể nào dùng kiến thức, kinh nghiệm của mình ở Việt Nam để tham gia các vụ kiện ở nước ngoài được cả.
Ở các nước, như tại Tây Âu chẳng hạn, người ta theo một hệ thống pháp lý khác, có những thủ tục, trình tự tố tụng khác, cho nên luật sư Việt Nam không giúp gì được nhiều cả.”
Từ lâu, nhiều chuyên gia quốc tế đã cảnh báo rằng Việt Nam cần có một đội ngũ luật gia chuyên nghiệp để hội nhập kinh tế thế giới. Hoa Kỳ thiết lập dự án Star hỗ trợ bộ Tư pháp Việt Nam diều tra, khảo sát về lãnh vực này đã có nhận xét rằng chất lượng đội ngũ luật sư Việt Nam hiện nay chưa thể đáp ứng được yêu cầu về cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hệ thống pháp luật
Hệ thống pháp luật Việt Nam không rõ ràng, chưa đồng bộ, lại thiếu. Còn cơ chế tranh tụng tại Tòa lại quá mới mẻ, trong khi thiếu luật sư chuyên sâu về các lãnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại.
Đặc biệt thiếu về những khu vực bảo vệ sở hữu trí tuệ, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, hàng hải thương thuyền, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế....
Trong quan hệ hợp tác giữa hội Luật gia Việt Nam với các đơn vị quốc tế, chúng tôi sẽ có chương trình mời một số chuyên gia, luật sư, luật gia ở nước ngoài để hợp tác trong quá trình đào tạo.
Như vậy, những vụ như ở Vietnam Airlines, tàu Cần Giờ, kiện chống bán phá giá... sẽ không có gì chắc chắn là sẽ giảm bớt sau khi Việt Nam được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
Luật sư Lê Công Định thuộc đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh dự báo làn sóng thương mại và đầu tư mới sẽ đổ vào Việt Nam mạnh mẽ. Các tranh chấp liên quan đến hai lãnh vực này chắc chắn sẽ càng nhiều và phức tạp.
Do đó để hạn chế rủi ro, luật sư khuyến cáo các doanh nghiệp nên chủ động phòng chống thông qua nghiệp vụ của giới luật sư, trong khi bản thân các chuyên gia pháp lý cũng phải ra sức nâng cao năng lực của mình.
Nhu cầu cấp thiết
Nhu cầu cấp thiết đó cũng đã được quan tâm, ít nhất là tại Hội Luật gia Việt Nam. Tổ chức này thiết lập trường Đào tạo và Bồi dưỡng Pháp lý có trụ sở tại Hà Nội với nhiệm vụ được hội cho biết:
“Trong quan hệ hợp tác giữa hội Luật gia Việt Nam với các đơn vị quốc tế, chúng tôi sẽ có chương trình mời một số chuyên gia, luật sư, luật gia ở nước ngoài để hợp tác trong quá trình đào tạo.”
Nói thì ngắn gọn, nhưng đào tạo một chuyên viên luật pháp đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi ít nhất cả một thập niên, bao gồm 4 năm học luật và nhiều năm tập sự.
Một số giải pháp tình thế đã được nêu lên như thuê mướn luật gia nước ngoài, tuyển dụng luật sư Việt kiều, hoặc khẩn trương hơn là phải cần đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cấp tốc ngắn hạn cho lực lượng luật sư có sẵn trong nước.
Đại diện hội Luật gia Việt Nam cho biết thêm: "Chúng tôi khảo sát thêm ở các doanh nghiệp. Nếu có nhu cầu nghiên cứu thêm về luật Doanh nghiệp chẳng hạn, hoặc trong việc ký kết hợp đồng, hoặc trong quá trình hội nhập WTO.. thì cần có những những điều kiện như thế nào dưới góc độ của pháp luật, thì chúng tôi sẽ bồi dưỡng cho họ trong thời gian rất ngắn."
Bước vào sân chơi thế giới với những doanh nghiệp quốc tế lão luyện, mà chỉ cần được bồi dưỡng trong một thời gian "rất ngắn" thì Việt Nam liệu có đạt được những gì mong muốn hay không, là một câu hỏi phải chờ thời gian trả lời.