Đàm phán Việt-Mỹ về việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới đã đạt được thỏa thuận vào sáng sớm hôm qua tại Washington.

Vòng đàm phán thứ 12 vừa qua đã trải qua những giờ phút cam go nhất. Phía Hoa Kỳ nhất quyết phản kháng việc trợ cấp của Nhà nước Việt Nam đối với ngành dệt may qua quyết định số 55 của chính phủ. Washington xem đó là bằng chứng là Việt Nam không có nền kinh tế thị trường.
Ngoài ra phía Mỹ còn đòi hỏi Việt Nam phải mở cửa thị trường thịt bò, thị trường chuyển phát hàng nhanh, phải mở cửa cho nhập khẩu các loại văn hóa phẩm phát hành tại Mỹ vào Việt Nam, như Mỹ đã cho tự do nhập khẩu các loại hàng này từ Việt Nam sang Mỹ. Ngoài ra còn nhiều dị biệt khác.
Tuy nhiên cuối cùng, khi quá nửa đêm thì phía Việt Nam đã đồng ý với một số yêu cầu của Hoa Kỳ trong mục tiêu phải gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới cho kịp trong năm nay và để được Quốc hội Mỹ cấp quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn trong khóa họp mùa hè này.
Theo dự kiến thì trong vài giờ nữa, bộ trưởng Trương Đình Tuyển sẽ có thông báo chính thức về kết quả đàm phán Việt-Mỹ.
Lập trường của Hoa Kỳ

Cho đến cuối ngày thứ Sáu, Hoa Kỳ vẫn giữ lập trường khi thấy cần thiết sẽ tiếp tục áp đặt quota với hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam, viện dẫn lý do các tổng công ty và công ty do nhà nước quản lý đang hoạt động trong ngành này đều thuộc diện được bao cấp.
Tin tức cho biết phía Mỹ vẫn coi Việt Nam là một nước chưa có kinh tế thị trường, và đòi được quyền tiếp tục theo dõi cũng như có quyền áp đặt mức thuế cao với hàng hóa do Việt Nam sản xuất đưa sang Mỹ, cũng trong điều khoản khi thấy cần thiết.
Một nguồn tin chưa kiểm chứng được nói thời hạn theo dõi mà Washington đặt ra với Việt Nam có thể kéo dài ít nhất 10 năm, hoặc có thể hơn.
Ðiểm thứ ba cũng khiến cuộc đàm phán WTO bị khựng lại là thị trường ấn phẩm. Hoa Kỳ đòi Việt Nam phải mở rộng thị trường này, để ấn phẩm in và phát hành từ Mỹ được phổ biến ở Việt Nam.
Cũng cần nhấn mạnh ở đây là theo các giới chức hành pháp mà Ban Việt Ngữ tiếp xúc được, chuyện bao cấp cho ngành dệt may chỉ là một phần trong khung bao cấp rộng lớn mà Washington yêu cầu Hà Nội phải sửa đổi.