Việt Nam và Hoa Kỳ phải kéo dài vòng đàm phán cuối cùng về WTO

Vòng đàm phán giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về WTO ở Washington vẫn chưa kết thúc, và hai bên đồng ý gặp lại nhau để tiếp tục thảo luận về những điểm đang gây trở ngại. Một viên chức yêu cầu dấu tên cho Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do hay cuộc đàm phán sẽ tiếp tục vào lúc 11 giờ sáng ở Washington, tức là 10 giờ đêm giờ Việt Nam.

TruongDinhTuyen150.jpg
Bộ Trưởng Thương Mại Trương Ðình Tuyển. AFP PHOTO

Chúng tôi cũng được biết thành viên trong 2 đoàn đàm phán vẫn như cũ, tức là phía Việt Nam vẫn do ông Bộ Trưởng Thương Mại Trương Ðình Tuyển lãnh đạo. Ðáng lý ra cách đây chừng nửa giờ đồng hồ, ông Tuyển phải rời Washington để lên máy bay đi Philippines dự cuộc họp của ASEAN với Nam Hàn, nhưng ông đồng ý ở lại, tiếp tục cuộc thảo luận chưa hoàn tất.

Giới thạo tin ở Hoa Kỳ coi việc ông Bộ Trưởng Trương Ðình Tuyển ở lại Washington thay vì đi Philippines là dấu hiệu tích cực, cho thấy cả 2 bên đều quyết tâm kết thúc cuộc đàm phán đã kéo dài trong nhiều năm qua.

Những nguồn tin đáng tin cậy nói các trở ngại liên quan đến vấn đề bao cấp, viễn thông, ngân hàng, hàng dệt may, và thị trường xe gắn máy là những điểm đã được hai bên đưa ra thảo luận trong 3 ngày qua, nhưng vẫn chưa đi đến kết quả chung cuộc.

Trong những điểm đã được nói đến, vấn đề nhà nước trợ cấp cho ngành dệt may và các hoạt động liên hệ của ngành này được coi là khó giải quyết nhất, vì mức độ bao cấp của Việt Nam mà phía Hoa Kỳ đưa ra được coi là quá cao so với con số Việt Nam cung cấp.

Tin giờ chót

VietnamUSWTO200.jpg

Sau đây là những tin tức cập nhật chúng tôi ghi nhận được cho đến giờ phút này. Cho đến sáng sớm hôm nay, Hoa Kỳ vẫn giữ lập trường khi thấy cần thiết sẽ tiếp tục áp đặt quota với hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam, viện dẫn lý do các tổng công ty và công ty do nhà nước quản lý đang hoạt động trong ngành này đều thuộc diện được bao cấp.

Một nguồn tin khác lại cho Ban Việt Ngữ chúng tôi hay phía Mỹ vẫn coi Việt Nam là một nước chưa có kinh tế thị trường, và đòi được quyền tiếp tục theo dõi cũng như có quyền áp đặt mức thuế cao với hàng hóa do Việt Nam sản xuất đưa sang Mỹ, cũng trong điều khoản khi thấy cần thiết. Một nguồn tin chưa kiểm chứng được nói thời hạn theo dõi mà Washington đặt ra với Việt Nam có thể kéo dài ít nhất 10 năm, hoặc có thể hơn.

Ðiểm thứ ba cũng khiến cuộc đàm phán WTO bị khựng lại là thị trường ấn phẩm. Hoa Kỳ đòi Việt Nam phải mở rộng thị trường này, để ấn phẩm in và phát hành từ Mỹ được phổ biến ở Việt Nam.

Cũng cần nhấn mạnh ở đây là theo các giới chức hành pháp mà Ban Việt Ngữ tiếp xúc được, chuyện bao cấp cho ngành dệt may chỉ là một phần trong khung bao cấp rộng lớn mà Washington yêu cầu Hà Nội phải sửa đổi.