Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Mỗi năm vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở Việt Nam bị thất thoát tham nhũng khoảng 10% tức hàng chục ngàn tỷ đồng. Số vốn này có thể đã được tẩy rửa qua cổ phiếu ở thị trường chứng khoán Việt Nam và gây ra tình trạng tăng trưởng quá nóng.

Trên đây là phát biểu của ông Phùng Khắc Kế Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước với báo chí ở Hà Nội hôm 19/3. Nam Nguyên phỏng vấn tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cố vấn cao cấp Bộ Trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư về vấn đề này, mời quí thính giả theo dõi.
Nam Nguyên: Ông Phó Thống Đốc NHNN cảnh báo tiền tham nhũng thất thoát được tẩy rửa ở thị trường chứng khoán. Theo tiến sĩ làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?
TS Lê Đăng Doanh: Sự kiện này trên thế giới đã diễn ra, và có lẽ ông phó thống đốc có đầy đủ lý do để nêu lên quan ngại đó. Tôi nghĩ điều đó hợp lý và có thể hiểu được.
Nam Nguyên: Biện pháp đưa ra là chống tham nhũng hiệu quả, chuyện này khá xa vời. Vậy theo TS ngay trong lúc này có thể làm gì?
TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi việc ông Phó Thống Đốc phát hiện vấn đề là điều đúng đắn và đáng trân trọng. Thứ hai, việc này phải nằm trong tổng thể các hệ thống biện pháp để nhằm phòng ngừa và chống tham nhũng từ gốc và trong đó có việc rửa tiền ở chứng khoán.
Tôi nghĩ rằng để làm được việc đó, như ở các nứơc người ta sẽ đòi hỏi có thẩm tra nguồn gốc nguồn tiền và phải có việc kê khai bảo đảm là các nguồn tiền đó ở đâu và có nguồn gốc trong sạch hay không, tránh hiện tượng rửa tiền. Bởi vì nếu như họ không rửa tiền bằng chứng khoán thì họ cũng bằng cách này hay cách khác để họ rửa tiền.
Xin thưa rằng, hiện nay ở Việt Nam chỉ có 8% dân số sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, cho nên phần lớn việc buôn bán trong xã hội, kể cả mua cái nhà sắm cái xe ô tô cũng có thể diễn ra mà không cần có ngân hàng. Cho nên việc kiểm soát nền kinh tế tiền mặt này là rất khó khăn. Phải có từng bứơc để tiến tới những biện pháp đồng bộ để ngăn chặn tham nhũng và ngăn chặn rửa tiền nói chung.
Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, Việt Nam theo đuổi chính sách tài khoá thận trọng như thông tin loan báo, trong khi thị trường chứng khoán thể hiện sự phát triển nóng và bấp bênh. Hai sự kiện này có mâu thuẫn hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì không có mâu thuẫn, chính sách tài khoá của chính phủ thì thận trọng và kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách. Còn thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang có ba vấn đề chính:
Thứ nhất là mất cung cầu lớn, tức là hiện nay số doanh nghiệp ghi danh có lẽ cần tăng lên ít nhất gấp đôi và nhanh chóng gấp lên khoảng 10 lần. Lúc bấy giờ thị trường chứng khoán VN mới có một qui mô tương thích với nền kinh tế và có thể đạt mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á này.
Thứ hai là phải có sự phân biệt rành mạch về mặt pháp lý cũng như về mặt hành động giữa thị trường chứng khoán và thị trường OTC (phi tập trung). Hiện nay sự buôn bán ở thị trường OTC tương đối là tự do và có thể nói là lộn xộn, cho nên chứng khoán ở hai thị trường này không thể mua bán hoán đổi cho nhau được.
Thứ ba là một loạt các vấn đề về an ninh, về mặt thông tin, về mặt công khai minh bạch, về mặt giám sát thông tin và sử dụng thông tin v…v… việc ngăn chặn buôn bán nội gián.
Tôi nghĩ rằng đó là những vấn đề cần có sự nỗ lực của rất nhiều bên tham gia. Cho nên hiện nay thị trường chứng khoán Việt nam không nên chỉ nhìn ở mặt tiêu cực, tôi nhìn thấy ở thị trường chứng khoán là một thể chế kinh tế thị trường rất tốt rất có hiệu quả.
Chính ra, nó là một thị trường công khai minh bạch, để có thể thu hút nguồn vốn của người dân ở trong ngoài nứơc, trực tiếp bơm vào cho hoạt động nền kinh tế. Tôi cho là nó có hiệu quả hơn rất nhiều so với các kênh khác như ngân hàng thương mại v…v…Chỉ có điều là Việt Nam cần có hành động nhanh chóng và có hiệu quả để ngăn chặn những diễn biến có thể là phức tạp.
Nam Nguyên: Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã dành thì giờ cho đài RFA.