Chính sách thương mại của nước Mỹ trong 2 năm tới

Nguyễn Khanh, phóng viên đài rFA

Tuần rồi, Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do chúng tôi đã gửi đến quý thính giả những nhận định về chính sách đối ngoại mà Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush sẽ cho thực hiện trong 2 năm tới, sau khi đảng Cộng Hòa do ông lãnh đạo thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ, khối đa số ở cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện giờ đã lọt vào tay các đại biểu thuộc đảng Dân Chủ.

0:00 / 0:00
ClaudeBarfield150.jpg
Ông Claude Barfield. Photo courtesy of AEI - Scholars & Fellows

Tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài thứ nhì trong loạt bài nói về chính sách của Washington trong giai đoạn 2 năm tới, khi đảng Cộng Hòa nắm hành pháp và đảng Dân Chủ nắm lập pháp.

Cuộc thảo luận hôm nay sẽ đặc biệt nói đến chính sách thương mại của nước Mỹ trong những ngày tháng sắp đến. Khách mời là ông Claude Barfield, một chuyên gia về mậu dịch, từng làm việc với cựu Tổng Thống Gerald Ford ở Nhà Trắng, từng được Cố Tổng Thống Ronald Reagan chỉ định điều khiển Ủy Ban Soạn Thảo Kế Hoạch Thương Mại Cho Hoa Kỳ Trong Thập Niên 80. Ông hiện đang làm Giám Ðốc chương trình nghiên cứu về chính sách mậu dịch, khoa học và kỹ thuật của Viện Nghiên Cứu American Enterprise Institute ở Washington D.C.

Như thường lệ, buổi nói chuyện do Nguyễn Khanh thực hiện và Ban Việt Ngữ xin gửi đến quý vị trong khuôn khổ Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Nguyễn Khanh: Cám ơn ông đã dành thì giờ nói chuyện với chúng tôi. Hành pháp cũ, lập pháp mới, điều đó ảnh hưởng thế nào đến chính sách thương mại của nước Mỹ trong 2 năm tới?

Ông Claude Barfield: Tôi nghĩ rằng chính phủ của Tổng Thống George W. Bush không còn những điều kiện thuận lợi khi yêu cầu Quốc Hội thông qua chính sách thương mại sẽ được áp dụng đối với những nước khác, ngoại trừ trường hợp duy nhất là nếu đạt được những thỏa thuận với các nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế Giới WTO thì Hoa Kỳ sẽ đồng ý tiếp tục vòng đàm phán DOHA.

Cũng theo tôi nghĩ thì Chính Phủ của ông Bush sẽ không mở những cuộc đàm phán mới với những nước mà trước đây họ từng nghĩ có thể bắt đầu nói chuyện về hiệp định thương mại tự do song phương.

Tôi nghĩ rằng chính phủ của Tổng Thống George W. Bush không còn những điều kiện thuận lợi khi yêu cầu Quốc Hội thông qua chính sách thương mại sẽ được áp dụng đối với những nước khác, ngoại trừ trường hợp duy nhất là nếu đạt được những thỏa thuận với các nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế Giới WTO thì Hoa Kỳ sẽ đồng ý tiếp tục vòng đàm phán DOHA.

Riêng với những nước mà chúng ta đang bàn thảo dở dang, tôi nghĩ cuộc đàm phán thương mại với Nam Hàn có nhiều triển vọng sẽ hoàn tất và được Quốc Hội thông qua nhiều nhất. Tôi có thể thấy trước là các cuộc thương thảo với Peru, Columbia sẽ bị gián đoạn, hoặc có xong thì Quốc Hội sẽ viện dẫn lý do những nước này không thi hành nghiêm chỉnh luật bảo vệ môi trường để không thông qua.

Nói tóm lại, với Nam Hàn thì có vẻ dễ, nhưng với các nước khác thì khá khó khăn, nếu không muốn báo động trước là rất khó khăn. Tôi cũng muốn nói thêm với ông là trong hai năm tới khi đảng Dân Chủ nắm khối đa số ở Thượng và Hạ Viện, mọi chính sách hay phương án mở rộng thương mại sẽ đều chậm lại.

Nguyễn Khanh: Với Trung Quốc thì sao ạ? Liệu Trung Quốc có còn là điểm nhắm của các đại biểu Quốc Hội Liên Bang Mỹ hay không?

Ông Claude Barfield: Có. Tôi nghĩ Trung Quốc tiếp tục là trọng tâm mà Quốc Hội để ý tới. Nói đúng hơn thì thế này: bây giờ các đại biểu đã để ý đến Trung Quốc rồi, và Quốc Hội dưới quyền điều khiển của đảng Dân Chủ sẽ chú ý đến nhiều hơn nữa, kỹ hơn nữa.

Nguyễn Khanh: Nếu để ý kỹ như ông vừa nói, liệu Quốc Hội của phe Dân Chủ sẽ đưa những kế hoạch hay chính sách nào đối với Trung Quốc?

Ông Claude Barfield: hiện vẫn chưa ai rõ phe Dân Chủ sẽ làm gì đối với Trung Quốc, nhưng ngay hiện tại, tôi không nghĩ là các đại biểu Dân Chủ sẽ thông qua những dự luật mang tính chống đối hay gây khó khăn cho Trung Quốc, nhưng điều đó có thể thay đổi.

Nguyễn Khanh: Theo ông hành pháp phải làm gì trước tình huống khá tế nhị đó?

Ông Claude Barfield: Tôi nghĩ hành pháp sẽ lợi dụng cơ hội để thúc đẩy Trung Quốc cải tiến hơn nữa, bằng cách trong các cuộc thảo luận song phương, Nhà Trắng hay Bộ Ngoại Giao sẽ bảo với phía đối tác Hoa Lục là đừng quên bây giờ đảng Cộng Hòa không còn nắm thế chủ động ở Quốc Hội nữa, và nếu các ông không cải tiến về nhiều chuyện, từ chính trị, nhân quyền cho đến thương mại, lúc đó, Quốc Hội mà phe Dân Chủ nắm đa số sẽ có những phản ứng không mấy lợi cho đôi bên.

Ông đừng quên là khi nói đến chuyện đòi hỏi các nước khác phải cải tiến về chính trị, nhân quyền rồi mới cho hưởng các quyền lợi đặc biệt về thương mại thì đảng Dân Chủ bao giờ cũng có lập trường cứng rắn hơn, nhiều người còn gọi là diều hâu hơn lập trường của đảng Cộng Hòa.

Tôi nghĩ hành pháp sẽ lợi dụng cơ hội để thúc đẩy Trung Quốc cải tiến hơn nữa, bằng cách trong các cuộc thảo luận song phương, Nhà Trắng hay Bộ Ngoại Giao sẽ bảo với phía đối tác Hoa Lục là đừng quên bây giờ đảng Cộng Hòa không còn nắm thế chủ động ở Quốc Hội nữa, và nếu các ông không cải tiến về nhiều chuyện, từ chính trị, nhân quyền cho đến thương mại, lúc đó, Quốc Hội mà phe Dân Chủ nắm đa số sẽ có những phản ứng không mấy lợi cho đôi bên.

Nguyễn Khanh: Ngay sau cuộc bầu cử giữa kỳ vừa kết thúc, đã có những ý kiến mà tôi ghi nhận được ngay tại thủ đô nước Mỹ cho rằng đảng Cộng Hòa ủng hộ tự do thương mại, đảng Dân Chủ thì không. Ông có đồng ý với lối so sánh như thế không?

Ông Claude Barfield: Tôi đồng ý với lối so sánh như thế. Bằng chứng mà ai ai cũng biết là trong quá khứ, 2/3 các đại biểu Quốc Hội thuộc đảng Dân Chủ bao giờ cũng bỏ phiếu chống các đề nghị liên quan đến tự do thương mại, chỉ có 1/3 ủng hộ mà thôi. Phía bên đảng Cộng Hòa thì ngược lại, 1/3 chống, 2/3 ủng hộ. Thành ra điều mà ông vừa nói là điều ai cũng đoán biết trước và tin thế nào cũng xảy ra.

Nguyễn Khanh: Điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến các nước nhỏ?

Ông Claude Barfield: Sẽ không có các hiệp định thương mại song phương với những nước nhỏ. Nếu tôi nhớ không lầm thì trong 2 năm vừa qua, cũng không có một hiệp định nào được Hoa Kỳ ký kết với những quốc gia mà ông gọi là những nước nhỏ, và đương nhiên từ bây giờ đến năm 2008 là khi dân chúng Hoa Kỳ đi bầu lại Quốc Hội, tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Nguyễn Khanh: Thế theo ông, những nước nhỏ phải làm gì?

Ông Claude Barfield: Tôi muốn nói rõ hơn về điều mình vừa trình bày. Theo tôi nghĩ thì trước hết, tất cả các nước chưa bắt đầu cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ đừng mong có cơ hội cho đến khi bầu cử Quốc Hội trở lại vào năm 2008, và điểm thứ nhì là thành thật mà nói, tôi thấy ngay lúc này những nước này không thể làm gì khác hơn được.

Còn về đường dài thì việc đầu tiên các quốc gia này cần phải làm là sửa đổi lại luật lệ về lao động, luật lệ về môi trường lao động, về quyền lợi công nhân v.v… cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, vì đó là những điều mà đảng Dân Chủ sẽ nhắm đến. Sau đó họ hãy chờ đợi xem bàn cờ chính trị của nước Mỹ sẽ biến chuyển như thế nào trong 2 năm nữa.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Barfield đã dành cho chúng tôi buổi nói chuyện hôm nay.

Thông tin trên mạng:

- AEI - Scholars & Fellows - Claude Barfield

Theo dòng câu chuyện:

- Chính sách của Washington đối với Châu Á trong 2 năm tới?