Người dân Nam Bộ ước mong điều gì trong năm mới 2008?

0:00 / 0:00

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Trong loạt bài nói về ước mơ của người dân Việt từ khắp mọi miền khi năm hết Tết đến, mà Ban Việt Ngữ chúng tôi gởi đến quý vị trong các chương trình phát thanh trước. Hôm nay, mời quý thính giả cùng đi với Đỗ Hiếu về thăm các đồng hương là nhà nông, ở miền cuối Việt, trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, để cùng nghe những gì bà con mình mong mỏi trong năm mới 2008.

FarmerWomen200.jpg
Photo: AFP

Mong cho mưa thuận, gió hòa

Quanh năm sinh sống với ruộng đồng, từ bao thế hệ, nhà nông cùng đồng bằng sông Cửu Long thường được gọi là vựa lúa của Miền Nam phì nhiêu, vẫn luôn ấp ủ những điều mong ước tầm thường nhất, nhưng rất thiết thực là làm sao được mùa, trúng lớn, thóc lúa đầy sân, năng suất tăng cao, lợi tức bảo đảm, để cuộc sống của gia đình cùng chòm xóm được thoải mái, ấm no.

Muốn được như vậy, bà con nông dân hy vọng năm mới sẽ được mưa thuận gió hòa, sâu rầy đừng tới, lũ lụt tránh xa, thuế khóa hợp lý.

Anh Tư Tài từ ấp Long Hiệp xã Long An, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, một tín đồ Hòa Hảo thuần thành, nói lên những gì anh cầu mong sẽ đến với bà con, xóm làng, đồng đạo và gia đình mình, trong năm Mậu Tý sắp đến trên quê hương, đất nước.

Anh Tư Tài: Theo mùa Tết thì không có mong gì, thì mong chỉ có 3 ngày Xuân vui chơi, bắn pháo hoa, chớ có mong gì đâu nữa! Ruộng vườn thì chỉ mong có cái là trúng mùa để có mà cúng, xoay sở trong 3 ngày Xuân, như là đi mua bánh trái, bông hoa để tượng trưng trên bàn thờ cửu huyền ông bà và cúng kiến vậy thôi chớ không có gì. Ai cũng đều phải dọn dẹp nhà cửa, rồi mần ăn ở đâu xa ngưòi ta cũng về quê hương để ăn Tết vậy đó mà. Trong cộng đồng thì điều đó ai cũng mong muốn, tại vì thường xuyên là hai cái lễ, đại lễ lớn nhứt là lễ của Đức Thầy (Huỳnh Phú Sổ) 18 tháng 5 với ngày 25 tháng 11 này nè. Rồi đặt bàn hương án cầu xin Phật Trời cho đất nước mưa thuận gió hoà, đồng bào Việt nam và cả hải ngoại cũng vậy thôi, đều đồng cầu nguyện chỉ có một.

Nói một cách cụ thể và thiết thực hơn nửa, chị Sáu Thân, một nhà nông ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cầu xin sao cho mảnh ruộng nhà mình, sản xuất ra nhiều thóc lúa hơn mấy năm rồi. Ngoài ra chị cũng nghỉ tới con cái, với hy vọng chúng sẽ học hành tấn tới, sau này có tương lai tươi sáng hơn, chứ không lam lũ như cha mẹ chúng.

Chị Sáu Thân: Mình mần ruộng thì mình ước mơ cho mần lúa nó trúng vậy đó anh.

Đỗ Hiếu: Trúng là chừng bao nhiêu công, bao nhiêu giạ, rồi bán ra bao nhiêu?

MekongRiver150.jpg
Đồng bằng sông Cửu Long. RFA file photo.

Tại vì mình sống với vợ con ở đây từ hồi nào tới giờ đâu chịu qua bển. Chứ mà chịu qua bển thì sống cuộc sống cũng ngon lắm. Ở bển tuy rằng người ta như vậy nhưng người ta sống rất thiệt tình. Sống cuộc sống của người ta không có dốc láo tranh đua với mình hay là hơn thua với mình. Cuộc sống của người ta rất là an nhàn. Người ta hiền. Thấy người ta vậy chớ đâu phải vậy đâu.

Chị Sáu Thân: Tuần rồi ở bên nay lúa bây giờ là 70 ngàn (đồng) một giạ, thì vái tới 80 ngàn, thì cũng dư chút đỉnh vậy đó anh. Mần lúa cũng vái lắm chớ, vái Trời Phật độ mình mần đâu trúng đó vậy đó anh, đừng có sâu bọ. Mình khấn nguyện mùa màng cho nó trúng vậy đó, con cái trong nhà học đâu thì đậu đó.

Đỗ Hiếu: Rồi ngoài ra đó thì đối với mấy ông nhà nước mình có nguyện vọng gì để mấy ổng giải quyết cho mình không?

Chị Sáu Thân: Mình cũng đâu có làm gì đâu anh. Mần lúa thì tới năm đóng thuế thì mình đóng cho mấy ổng vậy thôi chớ mấy ổng cũng không có làm gì khó cho mình.

Một nhà nông khác ở vùng ngoại ô quận Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) là chị Út Chi cầu mong mọi sự thuận lợi đến với những người quanh năm sống với ruộng đồng, ưa thích trời mưa, tưới xuống luống cày, chờ ngày đơm bông kết trái, ngại giông gió, khô hạn, sợ tai ương, tránh sâu bọ:

Chị Út Chi: Năm mới thì lúc nào cũng cầu nguyện gia đình mạnh khoẻ và cũng ước mơ là mọi sự sinh sống hàng ngày được có dư để mà giúp dỡ cha mẹ, em út, cùng trong gia đình. Nông dân ở đây mong ước làm sao làm cho được trúng mùa kia nọ để có huê lợi vô để có sự sinh sống. Ở đây nông dân người ta vậy đó. Đôi khi cũng bị thất bát vì mùa màn. Làm xong mùa màng là Tết mà đôi khi cũng bị mùa màng nó thất bát vì sương gió. Muốn cho khí hậu tốt để trồng trọt được tăng gia để cho nó được tốt đẹp để mà có huê lợi. Thì năm mới là vậy đó.

Những ước mong giản dị

Trong khi đó, anh Thái, cư dân xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) trước thì làm ruộng, nay không nghề nghiệp nhất định, kiếm ăn bằng chuyện làm thuê làm mướn, gặp gì làm nấy, miễn kiếm được đồng tiền luơng thiện, sống qua ngày, cho biết anh cầu xin được no đủ, bình an, anh không mơ ước gì cao xa, mọi việc đã có nhà nước lo. Vợ anh tên Lài, bán các loại cóc, ổi, xoài, góp gạo nấu cơm, nuôi 2 con dại đến ngày chúng khôn lớn.

Gia đình anh Thái sống cận kề vùng biên giới Campuchia, thỉnh thoảng có qua bên đó đi lòng vòng rồi lại về ngay.

FarmerWatering150.jpg
Quanh năm 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời', những người nông dân chất phát chỉ mong có được cái ăn, cái mặc cho gia đình, con cái. RFA file photo.

Tuy nhiên theo anh thì đời sống bà con người Việt mình bên đó, thoải mái hơn, trên xứ sở mình rất nhiều, anh giải thích với phóng viên Ban Việt Ngữ chúng tôi, lý do tại sao :

Anh Thái: Ước mơ mình có tiền sống hoài hoài vậy đó mà. Mình đâu có sắm ruộng mà mình đi làm mướn không à. Mình chỉ cầu mong mình có tiền mần để sống lo cho con cái sau này còn có với người ta, còn mình thì sống là sống vậy thôi chớ mình đâu biết để mong gì bây giờ.

Đỗ Hiếu: Còn bà xã anh thì sinh sống ra sao?

Anh Thái: Bán cóc, ổi. Có, ổi ướp lạnh đó. Tại vì cuộc sống mình làm mướn, ước mơ mình sống khoẻ, có sức để đi làm hoài, sống để nuôi vợ nuôi con vậy chứ. Chớ sao chúc bây giờ (cười). Hồi đó tới giờ làm mướn ở lò bánh mì đó.

Đỗ Hiếu: Mà đất nước mình bây giờ làm ăn tự do thoải mái chưa?

Anh Thái: Bây giờ thì được rồi đó. Bây giờ cuộc sống mình tự do. Tại vì mình mần giá lương cũng cao, sống cũng được hàng ngày chứ. Còn đối với mấy ổng thì bây giờ mấy ổng cũng thoải mái cho mình, miễn tiền công tác, tiền này tiền kia. Ổng sống với mình giờ cũng khoẻ thôi.

Đỗ Hiếu: Từ chỗ chú đi Campuchia bao xa?

Anh Thái: Đó lên đó gần. Sống ở ranh giới thì nó sát bên à.

Đỗ Hiếu: Đời sống của dân mình với dân Campuchia bên nào khá hơn, chú?

Anh Thái: Bên Campuchia khá hơn mình nhiều.

Đỗ Hiếu: Tại sao vậy chú?

Anh Thái: Bên Campuchia dân số ít, mình quá nhiều (và) mần tranh đua giành lợi quá trời. Còn người ta dân số ít người ta mần người ta sống đất đai nhiều thành ra người ta sống khá giả hơn mình nhiều. Mình bên đây thì tranh đua với nhau quá trời. Bên Campuchia người ta sống cuộc sống an nhàn, còn mình ở Việt Nam cuộc sống đâu bằng qua bên đó sống như người ta đâu.

Đỗ Hiếu: Vừa rồi là những mong ước chân thành nhất khi mùa Xuân sắp về, của bà con từ Nam Bộ, vùng Đồng Bằng sông Cửa Long. Dịp này anh chị em đài Á Châu Tự Do chúng tôi cũng xin cầu chúc quý vị thính giả, các bạn nghe đài, một năm mới may mắn, an bình, thịnh vượng, hạnh phúc, và quê hương Việt Nam sớm được hưởng tự do, dân chủ thật sự.