WHO báo động về tình trạng ô nhiễm không khí và các tác hại nghiêm trọng

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Tổ chức Y tế Thế giới WHO vừa lên tiếng báo động về tình trạng ô nhiễm không khí và các tác hại nghiêm trọng của nó đối với sức khoẻ con người trên toàn cầu. Qua đó, WHO cũng kêu gọi quốc tế, đặc biệt là các nứơc đang phát triển, nên quan tâm hơn nữa đến vấn đề cải thiện chất lượng môi trường hầu giảm thiểu những hậu quả đáng tiếc khó lường.

PollutionMotor200.jpg
Tình trạng ô nhiễm môi sinh công nghiệp ngày càng lan rộng ở nhiều nơi trong nước. AFP PHOTO

Giới chuyên môn ước tính hằng năm có gần 2 triệu người trên thế giới phải chết yểu vì ô nhiễm không khí. Hơn nửa số này là cư dân ở các nứơc nghèo.

Chưa có luật lệ quy định nghiêm về ô nhiễm không khí, thiếu kinh phí, và ý thức tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường chưa được quan tâm đúng mức là các nguyên nhân khiến cho thực trạng ô nhiễm mỗi ngày một nghiêm trọng hơn, kiểm soát khó khăn hơn, nhất là ở các quốc gia đang phát triển.

Mối lo ngại hàng đầu

Đơn cử như tại Việt Nam, kết quả các cuộc khảo sát đăng tải trên báo chí cho thấy ô nhiễm môi trường hiện vần là một trong những mối lo ngại hàng đầu, đang từng ngày, từng giờ gây tác hại đáng kể lên sức khỏe người dân. Bên cạnh nạn ô nhiễm nguồn nước, lượng rác thải gia tăng, tình trạng ô nhiễm không khí tại nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố lớn, đã đạt tới mức báo động.

Một cư dân tại Sài Gòn không dấu được nỗi bức xúc, âu lo khi được hỏi về vấn đề này: "Giờ tình trạng khói bụi quá nặng rồi, ô nhiễm nhiều rồi, xuất phát từ xe cộ quá nhiều, nhiều công trình mới, nhà máy sản xuấ thải khói bụi ra môi trường...

Nói chung ở thành phố thì ô nhiễm nhiều hơn ngoại ô. Sài Gòn giờ là ô nhiễm nặng nhất. Báo chí nói hoài mà không thay đổi gì đựơc, báo động rồi xong đâu lại vào đó.”

Bụi dữ lắm cho dù che mặt vẫn bị bụi bám vào người. Bây giờ ra đường phải trang bị nón, găng tay, khăn che mặt, và cả mắt kiếng. Bụi không chịu nổi. Mình cảm thấy ngộp ngạt, khó chịu, mệt lắm.

Một người dân khác sinh sống tại quận 2 chia sẻ thêm: "Bụi dữ lắm cho dù che mặt vẫn bị bụi bám vào người. Bây giờ ra đường phải trang bị nón, găng tay, khăn che mặt, và cả mắt kiếng. Bụi không chịu nổi. Mình cảm thấy ngộp ngạt, khó chịu, mệt lắm.

Tiếp xúc khói bụi hàng ngày như vầy nguy hiểm lắm, dần dà ảnh hưởng đến sức khỏe như viêm xoang, bệnh phổi, hay liên quan đến đường hô hấp. Hít nhiều quá mà.”

Ảnh hưởng đến sức khỏe

Môi trường sống bụi bặm, ô nhiễm chính là nguyên nhân của các căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, tim mạch, hoặc ung thư phổi.

Nhằm đánh động sự quan tâm của quốc tế trước những tác hại nguy hiểm do ô nhiễm không khí gây nên, Tổ chức Y tế Thế giới vừa công bố bảng chỉ dẫn mới về chất lượng nguồn khí, với những tiêu chuẩn khắc khe hơn đối với mực độ khí thải trong môi trường.

Theo WHO, chỉ riêng việc giảm được hàm lượng chất ô nhiễm có tên gọi là PM10 thôi sẽ cứu sống được ít nhất là 300 ngàn nhân mạng mỗi năm. Ghi nhận tại nhiều thành phố, lượng chất này trung bình hàng năm vượt quá 70 microgram/mét khối, mà theo bảng chỉ dẫn mới, con số này phải dưới 20 microgram thì sức khỏe người dân mới được đảm bảo.

Được như vậy, như phát biểu của Tiến sĩ Maria Neira, giám đốc Ban sức khoẻ công cộng và môi trường thuộc WHO, thì chúng ta mới có thể bớt được gánh nặng về các căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, tim mạch, ung thư phổi, và quan trọng hơn cả là giảm 15% tỷ lệ tử vong vì ô nhiễm không khí.

Ngoài ra, bảng hướng dẫn mới cũng hạ mức giới hạn cho phép về lượng ôzôn và lưu huỳnh điôxít trong không khí xuống thấp hơn quy định trứơc kia.

Các chuẩn mực mới

Đây là lần đầu tiên Bảng chỉ dẫn về chất lượng không khí của WHO đề cập đến tất cả mọi khu vực trên thế giới và cung cấp tiêu chí đồng bộ về chất lượng nguồn khí, và dĩ nhiên, những tiêu chí này nghiêm ngặt hơn các tiêu chuẩn quốc gia đang được áp dụng tại nhiều nơi. Như vậy, với các chuẩn mực mới, nhiều thành phố trên thế giới sẽ phải giảm gấp 3 lần mức độ ô nhiễm hiện thời mới được coi là ở mức chấp nhận được.

Vẫn theo Tổ chức Y tế thế giới, bảng chỉ dẫn này được thiết lập với sự bàn bạc, cố vấn của hơn 80 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, cũng như dựa trên hàng ngàn công trình nghiên cứu gần đây từ mọi khu vực. Cho nên, nó bao gồm những đánh giá cập nhật và thống nhất về tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khoẻ con người, từ đó đề ra những tiêu chí về chất lượng môi trường hầu có thể giảm thiểu các nguy cơ ấy.

Tuy nhiên, những tiêu chí trong bảng hướng dẫn vừa ban ra có thực hiện được hay không? Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, câu hỏi này quả thực vẫn còn là một bài toán nan giải, đòi hỏi sự nỗ lực cùng lúc từ hai phía: sự đầu tư, quan tâm nghiêm túc của nhà nước và ý thức bảo vệ, gìn giữ môi trường của mỗi người dân.