Ai chịu trách nhiệm đối với người dân khiếu kiện đất đai?

Việt Hùng, thông tín viên đài RFA

Đưa ra lời nhận định về cách hành xử của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những người dân đi khiếu kiện cũng như gây khó khăn trong việc cứu trợ dân oan của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, ông Lê Hồng Hà, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công An cho rằng, nguyên nhân chính là Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã liên tiếp mắc sai lầm trong việc đưa ra những sách lược về đất đai kể khi xảy ra cuộc Cải cách Ruộng đất cách nay hơn 50 năm.

LandProtestersPolice150.jpg
Sáng 30 tháng Tám, lực lượng an ninh của thành phố phối hợp cùng các đồng sự của họ đến từ 9 tỉnh thành là Lâm Đồng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bình Thuận, Đắc Nông, Long An, Cần Thơ, Tiền Giang, nhằm vận động dân khiếu kiện trở về địa phương. Hình của Nhom Phong Vien Dau Tranh Vi Cong Ly >> Xem hình lớn hơn

Những chỉ thị gần đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liệu có “thực quyền” để giải quyết những nan đề “khiếu kiện - đất đai” hay không? Đó là những vấn mà Việt Hùng của Ban Việt ngữ đã đặt ra trong câu chuyện với ông Lê Hồng Hà từ Hà Nội.

Việt Hùng: Thay mặt quí thính giả của đài kính chào ông Lê Hồng Hà, câu hỏi đầu tiên chúng tôi xin được đặt ra, với cái nhìn của ông lý do tại sao trong những ngày gần đây báo chí ở Việt Nam đồng loạt "đả phá" Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng như cổ súy cho cái gọi là "ngăn chặn âm mưu chính trị" thông qua việc Thượng tọa Thích Không Tánh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra Hà Nội tặng quà những người khiếu kiện?

Ông Lê Hồng Hà: Tôi có thể trình bày với quí vị thính giả hai vấn đề có liên quan đến nhau nhưng thực ra lại rất khác nhau. Vấn đề hiện nay báo chí muốn phê phán, họ cho là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lợi dụng phát tiền giúp đỡ người dân khiếu kiện, rồi đấu tranh chính trị…

Thực chất của vấn đề người dân khiếu kiện là cái gì? Vấn đề khiếu kiện đất đai ở Việt Nam đã phát sinh ra trong nhiều năm nay, nhưng mà gần đây diễn ra rất phức tạp. Cách đối phó của nhà nước là ông Trung ương nhận đơn rồi nói phải về địa phương, rồi về địa phương không giải quyết rồi lại kéo lên Trung ương. Cứ đùn đẩy qua nhau…

Gần đây có một số lãnh đạo viết về đặc trưng của vấn đề khiếu kiện đất đai này, những bài viết “khá tốt” là của ông Mai Ái Trực, nguyên Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường, của ông Phạm Quang Nghị, ủy viên Bộ chính trị kiêm Bí thư thành uỷ Hà Nội, của ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi Trường.

Rồi mới đây ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm mùng 6-08 vừa rồi phải ban hành chỉ thị cấp tốc cho các ủy ban địa phương cấp tỉnh và thành phố phải trực tiếp theo dõi và giải quyết khiếu kiện đất đai và coi như là một việc đột xuất trước mắt. Cho nên ý kiến của tôi hôm nay là tôi nói về những nhận thức của giới lãnh đạo chưa đủ và do đó đã kìm hãm vấn đề giải quyết.

Thực chất của vấn đề người dân khiếu kiện là cái gì? Vấn đề khiếu kiện đất đai ở Việt Nam đã phát sinh ra trong nhiều năm nay, nhưng mà gần đây diễn ra rất phức tạp. Cách đối phó của nhà nước là ông Trung ương nhận đơn rồi nói phải về địa phương, rồi về địa phương không giải quyết rồi lại kéo lên Trung ương. Cứ đùn đẩy qua nhau…

Việt Hùng: Như vậy theo ông những khiếm khuyết này nằm ở chỗ nào?

Ông Lê Hồng Hà: Vấn đề khiếu kiện đất đai trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Trung ương. Trong mấy chục năm nay liên tục phạm sai lầm.

- Sai lầm thứ nhất về đất đai đã diễn ra trong những năm 1954 – 1955 trong đợt Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc. Trong đợt Cải cách Ruộng đất này cơ quan lãnh đạo nhà nước đã quyết định một cách vũ đoán làm xáo trộn quyền sở hữu đất đai.

- Đợt sai lầm thứ hai là việc “Hợp tác hóa nông nghiệp” tức là từ nông dân cá thể qui chụp bắt người ta phải vào hợp tác hóa, đấy là lần xáo trộn khá lớn quyền sử đất đai, coi đất đai là quốc gia công thổ.

- Thời đoạn hiện nay đây đất nước phải tiến hành công nghiệp hóa nên phải chuyển một phần đất đai quan trọng lâu nay dùng trong nông nghiệp phải chuyển sang để đô thị hóa, phải chuyển sang để xây dựng khu công nghiệp, mở rộng các khu sân bay cho nên buộc phải chuyển quyền sử dụng đấy. Chuyển quyền sử dụng đấy tức là tước đi quyền của những người dân đang có quyền sử dụng đất đai ấy để cho vào công việc chung. Một mặt khác, đất nước này phải giảm dần tỷ lệ nông hộ, phải chuyển một số lớn nông dân sang lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp do đó một phần đất đai của đông đảo nhân dân ở địa phương bị xáo trộn.

Trong tình hình người dân bị mất quyền sử dụng đất (sở hữu trước đây đã mất rồi) nay quyền sử dụng bây giờ cũng bị tước đoạt nữa. Đáng lẽ ra nhà nước này phải có một chính sách đền bù thỏa đáng không làm thiệt hại quyền sử dụng mà người dân đang sử dụng, thế nhưng chế độ đền bù hiện nay “lủng củng” và vì vậy người dân thấy thiệt thòi nên họ nhận thức được vấn đề là phải đi khiếu kiện.

Bây giờ đây ông Nguyễn Tấn Dũng ông ấy thấy ngay một vấn đề đó là chế độ chính sách đền bù của nhà nước có nhiều vấn đề…và ông ấy đặt vấn đề là trong tháng 8 phải rà soát lại, việc làm đó đúng, nhưng nếu ông Dũng không nhận thức rõ những vấn đề chính, thực chất của vấn đề và những sai lầm của Trung ương ở chỗ nào, điều kiện như thế nào… thì việc giải quyết đó sẽ khó và không đi đến đâu.

Chỉ thị của ông Nguyễn Tấn Dũng

Việt Hùng: Liên quan đến chỉ thị của ông Nguyễn Tấn Dũng mà ông vừa đề cập đến, thường thường tâm trạng của người đi khiếu kiện là nôn nóng…thế nhưng với những gì mà ông Tấn Dũng tuyên bố trong quá khứ và hiện nay thì dường như không mấy có tác dụng?

Ông Lê Hồng Hà: Đúng là hiện nay không có tác dụng!

LandProtestersPolice150b.jpg
Phần lớn họ là những người có bức xúc về đất đai tài sản và theo đuổi khiếu tố, khiếu nại lâu dài mà chưa được giải quyết thỏa đáng. Hình của Nhom Phong Vien Dau Tranh Vi Cong Ly >> Xem hình lớn hơn

Việt Hùng: Vậy thì ông Dũng tuyên bố những điều đó nhằm ý gì, để trấn an dư luận hay là để đeo đuổi mục đích gì?

Ông Lê Hồng Hà: Theo tôi suy nghĩ ông ấy cũng có ý để trấn an dư luận, nhưng xem chừng ra ý là cũng muốn giải quyết cho dân chúng chứ không phải chỉ là "nói hươi nói vượn bên ngoài".

Thực chất vấn đề chính ở đây là đụng đến quyền lợi của cán bộ các địa phương? rồi đụng đến ngân sách Trung ương? Bởi vì ngân sách Trung ương nếu đền bù không thỏa đáng thì phải bàn lại…, một số nơi họ đã bàn lại và đồng ý là phải điều chỉnh lại giá đền bù rồi, nhưng nếu đã đền bù thì ngân sách Trung ương và địa phương phải bàn với nhau để thống nhất mức đền bù, cũng có cái khó của nó.

Nhưng cái khó nhất ở đây là sự nhận thức trong toàn đảng, trong Trung ương, trong Quốc Hội đã nhất trí hết chưa, vấn đề khó nhất hiện nay là như thế, vì vậy một số cán bộ người ta đang tích cực đề nghị Quốc Hội, Chính phủ, Trung ương phải đặt vấn đề này là một chuyên đề đi sâu, cần bàn kỹ và phải đẩy vấn đề buộc cả hệ thống chính trị phải nhập cuộc để giải quyết.

Việt Hùng: Qua sự trình bày của ông người ta có cảm tưởng trong "nội tình đảng" đang có những người muốn đưa vấn đề này ra thành một chủ đề lớn để bàn ở Quốc Hội, Chính phủ…, thế nhưng trong khi quán triệt tinh thần chỉ đạo từ trên thì lại quy chụp những người khiếu kiện thành "bị phản động" xúi dục? Gây mất ổn định chính trị?

Ông Lê Hồng Hà: Ý kiến của anh nêu ra rất đúng bởi vì hiện nay một số ý kiến nhất là bên công an cho rằng nguyên nhân chính của việc người dân đi khiếu kiện có một nguyên nhân quan trọng là do các "lực lượng phản động bên ngoài cấu kết với bọn phản động bên trong" đưa vấn đề ra để kích động phá hoại…

Việt Hùng: Thế vừa rồi là ông Lê Hồng Hà từ Hà Nội. Lực lượng công an theo như ông Lê Hồng Hà nêu ra ở trên là những thành phần nào? Và tại sao báo giới tại Việt Nam lại đồng loạt đả phá công việc cứu trợ người dân oan khiếu kiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là gây mất ổn định chính trị?

Cách hành xử của chính quyền trong những vụ việc vừa qua trách nhiệm thuộc về ai, mời quí vị đón nghe trong một buổi phát thanh tới.