Liệu ông Bửu Huy sẽ bị dẫn độ về Hoa Kỳ?

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Ông Bửu Huy, phó giám đốc công ty xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang tức Afiex bị câu lưu tại Bỉ từ hôm 10 tháng 5 vừa qua, vì bị cáo buộc là gian lận và trốn thuế, khi nhập khẩu các sản phẩm cá tra và basa từ Việt Nam vào Hoa Kỳ. Ông đến Bỉ để tham dự Hội Chợ Thủy sản quốc tế.

NOAA200.jpg
Trang web của NOAA FISHERIES: Office for Law Enforcement.

Theo yêu cầu của toà án Florida, đối với chánh phủ Bỉ thì khả năng ông Bửu Huy bị dẫn độ về Mỹ là chắc chắn và sẽ bị bang này xét xử. Tổng hợp tin tức liên quan đến vụ án này, mời quý vị nghe Đỗ Hiếu trình bày thêm chi tiết.

Trường hợp ông Bửu Huy bị bắt do gian lận nhập khẩu các sản phẩm cá tra và cá basa từ Việt Nam, là vụ đầu tiên bộ Tư Pháp Hoa Kỳ ký lệnh bắt.

Hiệp định về dẫn độ

Theo thỏa thuận về dẫn độ ký kết giữa hai chánh phủ Bỉ và Hoa Kỳ thì thời hạn Bỉ tạm giữ ông Bửu Huy là 75 ngày, kể từ ngày ông bị bắt là 10 tháng 5 vừa qua. Các cơ quan hữu trách của Bỉ đang xem xét tính hợp pháp của hồ sơ trước khi ra quyết định trao ông Huy cho phía Hoa Kỳ thụ lý.

Tin tức từ Brussels còn cho hay, ông Bửu Huy phải đối chất với công tố viện của Bỉ về những thông tin do Hoa Kỳ cung cấp. Mặt khác cơ quan tư pháp Bỉ cũng tham khảo ý kiến ông Huy, xem ông có muốn bị dẫn độ sang Hoa Kỳ để chịu xét xử hay không.

Phía bộ ngoại giao Bỉ đã gởi công hàm cho sứ quán Việt Nam tại Brussels để xác nhận rằng, việc bắt giữ ông Bửu Huy là đúng với tinh thần hiệp định về dẫn độ mà Bỉ đã ký với Washington, vì thế Bỉ không thể không tuân thủ hiệp định này.

Bạn nghĩ gì về vụ việc này? Nên hay không dẫn độ ông Bửu Huy về Mỹ? Xin email về Vietweb@rfa.org

Ngoài ra, luật sư Pascal Van Der Veeren, người Bỉ, chuyên về thủ tục dẫn độ, nhận biện hộ cho ông Huy cũng cho biết, thủ tục dẫn độ ông về Florida rất phức tạp và có thể kéo dài từ 65 đến 70 ngày.

Trong cuộc tiếp xúc với phóng viên ban Việt Ngữ chúng tôi, luật sư Van Der Veeren nói, theo luật pháp hiện hành ở Bỉ thì vấn đề lên tiếng với giới truyền thông, cần phải có sự đồng thuận của thân chủ ông. Ông đề nghị chúng tôi gởi văn thư đến văn phòng và ông sẽ phúc đáp sau.

Nhưng khi gọi lại văn phòng luật sư Pascal Van Deer Veeren lần sau, thì chỉ có tiếng máy tự động qua điện thoại nói là xin để lại lời nhắn.

Toà thượng thẩm Brussels

Một đại diện sứ quán Việt Nam tại vương quốc Bỉ cho biết, qua những lần gặp gỡ với luật sư Pascal Van Der Veren, ông Bửu Huy được tư vấn không đồng ý bị dẫn độ về Hoa Kỳ, mà yêu cầu được trao trả về Việt Nam. Sau đó, ông sẽ sang Hoa Kỳ với tư cách khác để đối chất với đại diện tư pháp Mỹ về vụ ông bị buộc tội gian lận thương mại và trốn thuế.

Nguồn tin từ giới luật gia ở Việt Nam cho biết theo hiệp định dẫn độ ký kết giữa Hoa Kỳ và Bỉ thì sau 40 ngày, phía Hoa Kỳ phải có hồ sơ chứng minh cáo trạng ông Bửu Huy gian lận thương mại. Trường hợp không có đầy đủ hồ sơ này, ông Huy sẽ được trả tự do.

Mới đây phóng viên thông tấn xã Việt Nam tại Bỉ cho hay, toà thượng thẩm Brussels sẽ xét xử công khai ông Bửu Huy vào ngày 18 tháng 8 tới. Toàn bộ quá trình xét xử sẽ được thực hiện bằng tiếng Hà Lan, một trong hai ngôn ngữ chính ở Bỉ ngoài tiếng Pháp.

Bà Lê Thị Tuyết Nga, một luật gia sinh sống tại Bỉ cho biết, theo luật thì ông Bửu Huy có thể yêu cầu toà xét xử ông bằng ngôn ngữ mà ông có thể chọn.

Về việc ông Huy có thể bị dẫn độ về Mỹ thì bà Nga nói, tùy mức độ nặng nhẹ của tội trạng mà đương sự bị dẫn độ hay không, tuy nhiên đối với Hoa Kỳ, trốn thuế là một trọng tội:

Với câu hỏi, cộng đồng người Việt tại Bỉ có theo dõi sát vụ việc này hay không, bà Nga đáp: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Phản ứng của Việt Nam

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tức VASEP vừa ra thông báo gởi đến toàn thể hội viên khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy ông Bửu Huy có hành vi gian lận và trốn thuế theo như quy kết của phía toà án Hoa Kỳ.

VASEP cũng mãnh mẽ phản đối việc chánh phủ Bỉ dự tính dẫn độ Ông Huy sang Mỹ như một tội phạm quốc tế.

Theo VASEP thì Mỹ quyết định yêu cầu bắt giữ ông Bủu Huy chỉ vì nghi ngờ ông tham gia việc ghi nhãn hàng hóa theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu Mỹ. Việc làm này bị xem là gian lận, vì đã dán nhãn hàng thủy sản sai với chủng loại chứa bên trong, với mục đính trốn thuế. Ví dụ như cá lóc bông thì ngoài bao bì ghi là cá mú, cá tra .

Điều tra từ phía Hoa Kỳ cho thấy, ngoài 113 tấn sản phẩm catfish bị hải quan Mỹ tịch thu, đã có trên 454 tấn catfish nhập khẩu vào Mỹ dưới các tên như cá mú, cá lóc, cá vược. Cáo trạng của Mỹ còn công bố nội dung các email giữa doanh nghiệp Việt Nam trao đổi với nhau về cách thức dán nhãn ghi tên catfish xuất sang Hoa Kỳ, sao cho hợp lý.

Thông tin trên mạng:

- The US Indicts Vietnam’s Fishing Industry Despite Progress on Trade Agreements

- NOAA FISHERIES: Office for Law Enforcement

- VASEP calls for immediate release of Buu Huy, says trade disputes should not be criminalized