Liệu Việt Nam sẽ thông qua đạo luật tư hữu giống như Trung Quốc?

0:00 / 0:00

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Mới đây Quốc Hội Trung Quốc thông qua một đạo luật đã từng gây tranh cãi trong hơn một thập niên đó là luật tư hữu. Luật này không những đi ngược lại với chủ thuyết Cộng Sản mà còn cho phép người dân sở hữu những đất đai vốn là điều cấm kỵ trong các nước Cộng Sản, trong đó có Việt Nam.

NhaTrangLandDispute200.jpg
Giáo dân Nha Trang giăng biểu ngữ đòi đất. RFA PHOTO

Mặc Lâm phỏng vấn Giáo Sư Lê Mạnh Hùng hiện đang cư ngụ ở Anh Quốc và nhà sử học Dương Trung Quốc kiêm đại biểu Quốc Hội về vấn đề này, mời quý vị theo dõi.

Có những sự kiện cho thấy Việt Nam luôn theo sau Trung Quốc khi áp dụng những chính sách quan trọng hay những quyết định có tính nhạy cảm, đặc biệt trong lãnh vực tư tưởng.

Sự việc Quốc Hội Trung Quốc thông qua đạo luật tư hữu không những là một biến cố lớn có liên quan đến vận mệnh phát triển kinh tế của nước này mà còn ảnh hưởng đến Việt Nam nơi cùng xử dụng một chủ thuyết cai trị như Trung Quốc.

Chúng tôi đặt câu hỏi với Giáo Sư Lê Mạnh Hùng về biến cố này có liên quan đến Việt Nam như thế nào và giáo sư cho biết:

Việt Nam luôn đi theo Trung Quốc

Giáo Sư Lê Mạnh Hùng: Tôi nghĩ rằng từ trước đến giờ Việt Nam luôn luôn đi theo Trung Quốc nhưng Trung Quốc phải đi trước từ 5 đến 10 năm thì Việt Nam mới theo.

Riêng về cái vấn đề tư hữu thì có thể sẽ mau hơn, tại vì hiện nay Việt Nam đã cho phép một số các quyền sử dụng đất được phép sở hữu, tức là người nông dân có thể mang số đất đó đi cầm cố để vay tiền và cố nhiên rằng ở Việt Nam nhà cửa là tài sản của người chủ rồi, chỉ có cái đất ở dưới thì của nhà nước.

Riêng về cái vấn đề tư hữu thì có thể sẽ mau hơn, tại vì hiện nay Việt Nam đã cho phép một số các quyền sử dụng đất được phép sở hữu, tức là người nông dân có thể mang số đất đó đi cầm cố để vay tiền và cố nhiên rằng ở Việt Nam nhà cửa là tài sản của người chủ rồi, chỉ có cái đất ở dưới thì của nhà nước.

Thế nhưng việc cải thiện thêm nữa cái quyền sở hữu là cái điều tất yếu, vì chính phủ Việt Nam càng ngày càng đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, mà quyền tư hữu là căn bản của bất cứ nền kinh tế nào có dính dáng đến tư bản chủ nghĩa.

Mặc Lâm: Thưa Giáo Sư, Việt Nam hiện thời vẫn theo chế độ Cộng Sản mà một trong những chủ thuyết quan trọng của chủ nghĩa Cộng Sản là chuyên chính vô sản. Khi công nhận quyền tư hữu của nhân dân thì liệu sẽ có những tranh luận hay làn sóng chống đối trong Đảng hay không?

Giáo Sư Lê Mạnh Hùng: Tôi nghĩ rằng cái chuyện đó không có bởi vì thật sự từ trước đến giờ, nhất là sau khi đổi mới thì những chống đối thuộc phạm vi ý thức hệ thì không có, vân đề quan trọng chống đối lẫn nhau trong đảng nằm trong vấn đề phân chia quyền lợi.

Quy luật phát triển

Chúng tôi quay về Việt Nam, đặc biệt là trong khuôn viên Quốc Hội nơi mà mọi người dân đang chờ đợi những đổi thay của cuộc bầu cử sắp tới. Nhà sử học kiêm đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc cho chúng tôi biết quan điểm của ông về vấn đề này:

Đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc: Cá nhân tôi nếu nhìn vào quy luật phát triển thì tất yếu Việt Nam sẽ giống Trung Quốc thôi và tôi tin một ngày gần đây chứ không xa xôi gì.

Tôi nghĩ Việt Nam có một sự phát triển không bình thường, trong suốt quá trình lịch sử không có lúc nào nó khuyến khích việc hữu sản cả.

Trong xã hội truyền thống thì từ trong chế độ quân điền cho đến chính sách bình quân xã hội cho đến cả một thời kỳ dài trong lịch sử cho đến câu khẩu hiệu lấy của người giàu chia cho người nghèo trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng, vì thế tôi nghĩ rằng Việt Nam không được như Trung Quốc là nó đã có tầng lớp quý tộc tầng lớp đại gia.

Mặc Lâm: Thưa ông, ông có nghĩ rằng trong nhiệm kỳ tới Quốc Hội Việt Nam sẽ có động thái liên quan đến việc thông qua một đạo luật tương tự như Trung Quốc và liệu rằng số đại biểu có đủ túc số để thông qua hay không?

Đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng tất yếu sẽ dẫn đến nhu cầu đó vì Việt Nam đã từng trãi nghiệm về vấn đề này khi những người nhữu sản bị tước đoạt một cách không bình thường và đấy là cái bài học cho tầng lớp hiện nay thấy cần phải có luật này để bảo đảm sự phát triển lâu dài cho đất nước.

Hy vọng khi được thông qua, đạo luật về quyền tư hữu của Việt Nam sẽ không gặp rắc rối như những đạo luật đất đai, khi mà chính quyền các cấp tự tiện áp dụng những văn bản dưới luật, gây trở ngại cho người dân như đang xảy ra hiện nay.