“Sáng kiến Thu hồi Tài sản Bị đánh cắp” của Ngân Hàng Thế Giới


2007.10.01

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Tham nhũng là một tệ nạn xảy ra tại khắp nơi trên toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển hay nói nôm na là các nước nghèo thì chuyện quan chức đua nhau tìm cách bỏ túi riêng các khoản công quĩ hết sức phổ biến.

MoneyEconomic200.jpg
AFP PHOTO

Vừa qua Ngân hàng Thế giới, WB, phối hợp cùng Liên Hiệp Quốc đưa ra sáng kiến thu mang tên 'Thu hồi tài sản bị đánh cắp' nhằm tìm cách truy thu những khoản do các lãnh đạo tham nhũng đánh cắp.

Đây là đề tài của Mục Sáng kiến & Đời sống kỳ này. Chương trình tuần này được trình bày cùng với Phương Anh, Trà Mi và Nguyễn An. Mời quí thính giả theo dõi.

Chiến lược hổ trợ quản trị nhà nước

Liên Hiệp Quốc cùng Ngân hàng Thế giới vào trung tuần tháng 9 vừa qua cho công bố chương trình 'Stolen Assest Recovery Initiative', tạm dịch là “Sáng kiến Thu hồi Tài sản Bị đánh cắp'.

Đây là một phần của chiến lược về kế họach hổ trợ quản trị nhà nước và chống tham nhũng của World Bank dành cho các quốc gia đang phát triển trên toàn thế giới. Vì sao định chế quốc tế này phải đưa ra chương trình nói trên?

Theo đánh giá của Ngân Hàng Thế giới thì nguồn tiền từ các họat động phi pháp xuyên quốc gia như tham nhũng, trốn thuế cũng như các họat động tội phạm khác hằng năm lên đến chừng một ngàn đến một ngàn sáu trăm tỷ đô la Mỹ. Phân nửa con số này chảy từ những quốc gia đang phát triển hoặc những nền kinh tế trong giai đọan chuyển tiếp.

Khoản tiền tham nhũng mà các quan chức hối lộ tại những nơi đó được thống kê lên đến chừng 20 đến 40 tỷ đô la mỗi năm. Cụ thể tại Châu Phi, tiền tham nhũng chiếm đến có đến một phần tư tổng sản phẩm nội địa GDP hằng năm Tuy nhiên những con số đó chỉ là ước lượng thôi chứ chưa thể xác định rõ ràng được, từ đó cho thấy có thể số thất thoát còn lớn hơn thế nữa. Và tình trạng này xảy ra ở mọi lục địa.

Liên Hiệp Quốc thì đưa ra đánh giá là dù hằng trăm tỉ đô la tiền viện trợ được chi ra nhưng chỉ tính riêng vào năm 2004, có đến 54 quốc gia trở nên nghèo khổ hơn so với thời điểm trước đó 15 năm. Lý do là tiền viện trợ bị tham nhũng quá nhiều.

Tham nhũng tại Việt Nam vẫn tràn lan do các quan chức trong đảng cầm quyền đều được cất nhắc, bổ nhiệm chủ yếu dựa vào các mối liên hệ, quen biết chứ không dựa trên cơ sở thực lực hay khả năng xứng đáng.

Nhận thấy mức độ trầm trọng của tình hình và nhận định là nếu thu hồi một phần của khoản thất thoát có thể nói là khổng lồ đó, thì nhiều chương trình xã hội có ích cho người dân sẽ được thực hiện.

Theo tính toán của WB thì nếu thu hồi được 100 triệu đô thôi thì sẽ có thể thực hiện công tác tiêm chủng toàn bộ cho chừng 4 triệu trẻ em trên thế giới, hay cung cấp nước sạch cho khoảng 250 triệu hộ gia đình, hoặc có thể chữa trị cho hơn 600 ngàn bệnh nhân HIV/AIDS trong một năm.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Paul Wolfowitz, phát biểu rằng công tác giúp thu hồi tiền tham nhũng là một yêu cầu mang tính đạo đức. Ông lặp lại rằng chỉ cần thu hồi một số nhỏ các khoản tiền tham nhũng từ công quĩ, từ các nguồn viện trợ quốc tế thì sẽ giúp thực hiện được nhiều chương trình phát triển và chương trình xã hội, hoặc xây dựng những cơ sở hạ tầng hết sức cần thiết cho nhiều nơi đang thiếu thốn.

Tình hình tham nhũng tại Việt Nam

Gần đây Tổ chức Minh Bạch Thế giới công bố phúc trình thường niên 2007 về chỉ số nhận thức tham nhũng tại các quốc gia trên thế giới. Việt Nam xếp thứ 123 trên 180 quốc gia được khảo sát về vấn đề nhận thức của khu vực công đối với tham nhũng.

Ông Liao Ran, điều phối viên cao cấp phụ trách khu vực Đông Nam Á của Minh Bạch Quốc tế, trong cuộc trả lời phỏng vấn của biên tập viên Trà Mi, Đài Á Châu Tự do cho biết tình hình tham nhũng tại Việt Nam:

“Tham nhũng tại Việt Nam vẫn tràn lan do các quan chức trong đảng cầm quyền đều được cất nhắc, bổ nhiệm chủ yếu dựa vào các mối liên hệ, quen biết chứ không dựa trên cơ sở thực lực hay khả năng xứng đáng.

Hệ thống ngân hàng còn yếu kém, một mặt gây khó khăn cho nhà nước trong việc quản lý các hoạt động tài chính, mặt khác, tạo cơ hội cho quan chức tham nhũng ngân quỹ.

Hệ thống luật pháp cũng còn nhiều bất cập và chưa đựơc thực thi nghiêm chỉnh. Đặc biệt, khung pháp lý dành riêng cho việc chống tham nhũng vẫn chưa đựơc xây dựng cụ thể, ví dụ như không có luật xác lập rõ ràng phòng chống các trường hợp lạm dụng quyền lực để thủ lợi hay luật quy định đạo đức chức vụ.

Đó là những công cụ pháp lý hết sức quan trọng. Thường Tổ chức Minh bạch Quốc tế chúng tôi phân biệt có hai loại tham nhũng, tạm gọi nôm na là “tham nhũngvi mô” và “tham nhũng vĩ mô”, mà tại Việt Nam thì có cả 2 loại này đang xảy ra cùng một lúc.

Tham nhũng vi mô xảy ra khi những người phục vụ dân không bị giám sát, họ lộng quyền muốn làm gì thì làm, như các trường hợp cảnh sát, quan chức, hay nhân viên hải quan vòi tiền dân. Để đối phó với tình trạng này, ngoài việc phải nâng cao nhận thức của người dân về tham nhũng, nhà nước cần phải ban hành luật chống vi phạm đạo đức chức vụ rõ ràng để quy định trách nhiệm và cách hành xử của các ngành nghề phục vụ dân chúng.

Tham nhũng vĩ mô là các trường hợp như những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có kinh phí cao được quan chức trao cho những người thân thích hay quen biết. Việt Nam trong giai đoạn phát triển kinh tế có rất nhiều dự án xây dựng, thế nhưng các dự án này thường chỉ được giao cho những người có dây mớ rễ má với lãnh đạo cao cấp mà thôi.

Nghĩa là không có thị trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, khiến quá trình thực hiện các dự án không đựơc công khai và minh bạch.

Một ví dụ khác chẳng hạn như ông Bộ trưởng Tài chính mà lại chỉ định thân nhân vào làm việc trong ngân hàng hay trong bất cứ định chế tài chính nào khác thì dĩ nhiên sẽ tạo cơ hội cho người đó dễ dàng lũng đoạn của công, vì họ biết chắc rằng đã có ô dù che chở, không dễ gì có ai quy trách nhiệm hay sa thải họ cho dù khả năng của họ không xứng đáng với vị trí đó đi chăng nữa.

Đó là lý do vì sao luật chống lạm dụng quyền lực hay quy định đạo đức chức vụ là những công cụ rất cần thiết, không thể thiếu trong cuộc chiến chống tham nhũng. “

Biện pháp thực hiện

Vậy công tác thực hiện chương trình 'Sáng kiến Thu hồi Tài sản bị đánh cắp' ra sao?

Thực tế cho thấy từ xưa nay khi tiền đã vào túi quan rồi thì khó mà lấy lại được. Báo cáo nói tại Philippines phải mất đến 18 năm trời mới có thể thu hồi hơn 600 triệu đô la Mỹ do cựu tổng thống Ferdinan Marcos biển thủ công quĩ đem gửi tại các ngân hàng Thụy Sĩ.

Nói chung nhiều người tại Việt nam nay chỉ lo kiếm tiền mà thôi. Đối với người trẻ thì chính sách 'trồng người' lâu nay cũng biến họ trở nên bàng quan với chính trị. Họ chỉ quan tâm đến mốt, thời trang, đồng hồ… Chỉ khi sống ở nước ngoài rồi mới nhận thức những điều mình thiếu.

Tại Nigeria thì mất năm năm để thu hồi hơn 500 triệu đô la tiền tham nhũng của tướng tổng thống Sani Abacha. Bà Ngozi Okonjo- Iweala, nguyên Bộ trưởng Tài chính nước Nigeria, cho biết để có thể thực hiện sáng kiến nêu ra không phải dễ dàng gì.

Theo bà này thì đây là một thách thức lớn lao bởi lẽ đây là chuyện vô cùng phức tạp và mang tính toàn cầu rồi. Sáng kiến chỉ có thể thành công khi có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển cũng như giữa các tổ chức song phuơng và đa phương trên thế giới.

Dù có khó khăn như thế nhưng trong thời gian qua, các tổ chức và định chế quốc tế cũng đạt được một số thành quả nhất định trong việc truy thu tiền tài trợ bị biển thủ. Ngoài trường hợp của Philippines và Nigeria vừa được nêu trên thì từ năm 2001 đến năm 2004, Peru thu hồi gần 180 triệu đô la của ông Vladimiro Montesinos, người từng một thời đứng đầu cơ quan tình báo của Peru dưới thời tổng thống Alberto Fujimori.

Mới hồi tháng năm vừa qua, nhờ vào một thoả thuận giữa Hoa Kỳ, Thụy Sĩ và Kazakhstan, mà quốc gia Trung Á này thu hồi được hơn 80 triệu đô la tiền tham nhũng.

Hiện nay, Liên hiệp Quốc có công ước chống tham nhũng được chừng 80 quốc gia phê chuẩn. Trong số các quốc gia công nghiệp phát triển, gọi tắt là G8 thì còn có Canada, Đức, Italia, Nhật Bản chưa phê chuẩn công ước này. Cũng mới có phân nửa các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế phê chuẩn công ước Liên Hiệp Quốc chống tham nhũng.

Còn Việt Nam thế nào? Ông Lê Đình Đấu, phó thanh tra chính phủ Hà Nội nói về sự tham gia của Việt Nam trong công ước chống tham nhũng này: “Chúng tôi đang tiến hành họat động phê chuẩn công ước.”

Các biện pháp chính mà Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới đưa ra để thực hiện chương trình Sáng kiến Thu hồi các tài sản bị đánh cắp, gồm một số biện pháp chính như sau:

Thuyết phục các quốc gia phê chuẩn Công ước Liên hiệp Quốc Chống Tham Nhũng. Thứ đến là Liên hiệp quốc và WB sẽ giúp cho các quốc gia đang phát triển xây dựng khả năng về tư pháp trong lĩnh vực thu hồi tài sản tham nhũng.

Bên cạnh đó một họat động khá quan trọng là truyền đạt kinh nghiệm trong giám sát các khoản thu hồi được rồi. Minh bạch rõ ràng là một yếu tố cần thiết mà các quốc gia đang phát triển cần có để có thể sử dụng hiệu quả các khoản tài trợ, viện trợ và ngăn chặn tình trạng thất thoát lớn lao như bấy lâu nay.

Nhận thức của người dân

Sáng kiến thu hồi tiền của bị tham nhũng còn cần sự tham gia của người dân. Tuy nhiên để có thể tham gia trong họat động này, mỗi công dân cần có nhận thức rõ về vai trò của họ trong xã hội, ý thức xây dựng cộng đồng và hiểu rõ về tình hình chính trị.

Về mặt này thì có đánh giá cho rằng đa số người dân tại Việt Nam vẫn còn bàng quan. Sau đây là một ý kiến của một du học sinh Việt Nam nay ở lại làm việc tại Hoa Kỳ:

“Nói chung nhiều nguời tại Việt nam nay chỉ lo kiếm tiền mà thôi. Đối với người trẻ thì chính sách 'trồng người' lâu nay cũng biến họ trở nên bàng quan với chính trị. Họ chỉ quan tâm đến mốt, thời trang, đồng hồ… Chỉ khi sống ở nước ngoài rồi mới nhận thức những điều mình thiếu.”

Sáng kiến Thu hồi Tài sản bị đánh cắp mà Liên hiệp Quốc và WB đưa ra được các báo trong nước gọi là vũ khí mới chống tham nhũng.

Vũ khí này sẽ tác dụng hiệu quả ra sao tại Việt Nam là câu hỏi mà những người quan tâm đang đặt ra.

Mục Sáng kiến & Đời sống tuần này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự do. Gia Minh chào tạm biệt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.